Chân dung người Việt thế kỷ 21

thanh hai-6
Tác phẩm sắp đặt Chén Và Đũa “1945″, hoàn thành năm 2011. © NSAF.

—– Bài in + đăng Nhật Báo Viễn Đông —– Read the English version —–

Chỉ nhìn thấy Thanh-Hải, nhiều người Việt Nam có thể đoán ngay họ là nghệ sĩ. Tại vì họ nhìn “giống nghệ sĩ” lắm! Từ cách ăn mặc cho đến điệu bộ nói năng, họ bộc lộ cá tính rất mạnh. Giọng nói to, nói rất nhanh, nói chuyện vô cùng thẳng thắn, ý kiến mạnh mẽ. Sau 30 phút nói chuyện với họ, người ta chỉ có thể nói: một là ‘ghét’ họ, hai là thích họ. Những người trẻ tuổi thành công có cá tính mạnh thường khi tạo ra cảm giác “xấc” như thế cho người đối mặt. Nhưng có thích hay ghét họ thì cũng không thể chối bỏ những điều sau đây.

Được biết đến như là Anh em nhà họ Lê, hoặc một số bạn bè thân quen gọi họ ngắn gọn là Thanh-Hải, hai anh em sinh đôi này, Lê Ngọc Thanh và Lê Đức Hải, rất đam mê nghệ thuật. Thay vì có tiền thì mua xe xây nhà, họ đổ tiền vào việc thành lập trung tâm nghệ thuật ở Huế. Họ sẵng sàng bán đất bán nhà để duy trì trung tâm nghệ thuật của họ. Họ làm việc cật lực, không than thở. Cái chính là họ không có đủ thời gian để làm những chuyện muốn làm, lấy đâu ra thời gian mà than vãn. Ngược lại, cũng vì tính họ không thích than vãn, cho nên họ dành thời gian để làm nhiều việc hơn.

thanh hai-2a
Khai mạc một triển lãm Nhóm tại NSAF, 15 Lê Lợi Tp Huế. © NSAF.

Thanh-Hải đã đi nước ngoài nhiều lần để trưng bày, trình diễn tác phẩm nghệ thuật của mình: Thái Lan, Nam Hàn, Singapore, Đức, Pháp v.v. Và họ đã học được nhiều chuyện hay. Vì vậy không ngạc nhiên mà Trung Tâm Nghệ Thuật New Space Arts (NSAF) do Thanh-Hải thành lập năm 2008 đang phát triển rất tốt. Trung tâm được quản lý theo mô hình hiện đại giống như những trung tâm nghệ thuật khác (arts foundation) trên thế giới: họ có chương trình nhiệm trú (residency). Nghệ sĩ Việt Nam hoặc nghệ sĩ đến từ khắp nơi trên thế giới đều có thể nộp đơn đăng ký tham gia chương trình này.

thanh hai-3
Không gian cho nghệ sĩ nhiệm trú trong khuôn viên 700m2 tại làng Lại Thế, Phú Thượng (cách cầu Trường Tiền 2,5 km). © NSAF.

Theo Trương Thiện, một nghệ sĩ đương đại trẻ và giảng viên của trường Đại Học Huế, người thường xuyên tham gia vào các hoạt động của NSAF thì “trung tâm nghệ thuật NSAF là một môi trường giáo dục tốt. Các sự kiện ở đây đều có nhiều sinh viên tham gia. Thường khó có thể tiếp cận nghệ sĩ nước ngoài. Vì những lo ngại về chính trị chẳng hạn, trường đại học có thể từ chối một mối giao lưu. Trong khi đó, New Space Arts hoạt động tự do, các thủ tục trở nên dễ dàng hơn. Thông qua họ, sinh viên và nghệ sĩ Việt Nam được tự do tiếp xúc, trao đổi với nghệ sĩ nước ngoài.”

Đến thời điểm này, nguồn tài chính dùng để duy trì hoạt động của trung tâm là tiền của gia đình Thanh-Hải, cũng như từ tiền bán tác phẩm của họ. Họ nói rằng: “Khi nào hết tiền, vợ không cho làm nghệ thuật nữa thì đóng cửa trung tâm.” Là nói đùa hay nói thật? Hãy đọc những phát biểu dưới đây của họ để thấy cách họ suy nghĩ như thế nào, rồi các bạn tự đoán xem.

thanh hai-8
Tác phẩm video art “Màu đỏ” (2011), 3 canh màu, 12 phút. © NSAF.

Trong lúc trò chuyện, Thanh và Hải thường hay nói cùng một lúc. Cho nên những câu trả lời dưới đây được xem là đại diện cho cả hai.

Nghệ sĩ Việt Nam muốn được thế giới công nhận thì cần những gì? 

Sức lao động, tác phẩm. Một điều không tốt bây giờ về nghệ sĩ Việt Nam là họ trông đợi nhiều vào tài trợ để làm tác phẩm. Chúng tôi làm mấy chục tác phẩm rồi, đều là lớn cả, nhưng không chờ đợi xin ai tiền. Không nhất thiết phải có tiền mới làm được tác phẩm. Ví dụ tôi đang làm một bộ phim dài 36 tiếng. Là chuyện không tưởng. Không thể có tiền là làm được chuyện này vì biết bao nhiêu tiền mới đủ. Nhưng tôi vẫn làm được. Tôi đã thực hiện được trên 20 tiếng rồi. Ngày nào tôi cũng làm việc, rồi bạn bè, người quen giúp. Vấn đề chính là phải làm việc, có ngày tôi quay 60GB. Cho nên không chỉ là tiền. Nhiều khi có tiền cũng không làm được chuyện.

Làm nghệ sĩ không phải dễ, phải nỗ lực rất nhiều, phải có thời gian, phải có lịch sử. Và đừng nghĩ rằng phải có tiền, rồi sau khi có tiền mới làm nghệ thuật. Đây là ý tưởng viễn vông, vì nghệ thuật mình không làm thì nó chết đi. Phải liên tục liên tục nỗ lực làm. Ngoài công việc kiếm sống, phải có thể xây dựng được những concept [khái niệm], công việc để làm song song, để kiếm tiền và làm nghệ thuật song song. Ví dụ Trương Thiện, cũng làm nghệ thuật đương đại, làm những tác phẩm không đắt hoặc không tốn tiền. Nếu người nghệ sĩ biết cách làm việc, cái quan trọng không phải là tiền.

thanh hai-5
Tác phẩm video art “Chạm tới Biển (2011), 3 canh màu, 21 phút, tác phẩm highlight tại cuộc triển lãm Singapore Biennale 2013. © NSAF.

Khán giả đến với New Space Arts thay đổi như thế nào từ 2008 đến nay? 

Càng ngày càng nhiều người đến. Người Huế rất yêu nghệ thuật, nhưng nghệ thuật đương đại như video, trình diễn (performance), sắp đặt (installation) khán giả ít thích. Thỉnh thoảng chúng tôi tổ chức đêm thơ, đêm nhạc, giới thiệu sách mới. NSAF rất đa ngành nghề, cái gì cũng có trong chương trình sự kiện. Những hoạt động về văn hóa làm thay đổi xã hội chúng tôi đều làm, không nhất thiết phải lựa chọn nghệ thuật cao. Tất nhiên chất lượng tác phẩm phải tốt thì chúng tôi sẵn sàng tài trợ để buổi giới thiệu thành công.

Quan hệ với báo đài? 

Ở Việt Nam, thường có sự kiện thì phải có phong bì cho báo đài. Nhưng chúng tôi chưa bao giờ làm điều này, vì chúng tôi làm việc từ quỹ gia đình, không có tiền cho báo đài. Nhưng chúng tôi có một nhóm báo chí yêu thích công việc của mình. Họ viết bài mà không đòi hỏi gì. Tình bạn được thiết lập. Khi họ làm nhà mới thì mình tặng họ bức tranh, như là thể hiện tình bạn, chứ không mua bán trao đổi gì.

thanh hai-7
Tác phẩm sắp đặt Giường Nội Trú “1991”, hoàn thành năm 2011. © NSAF.

Quan hệ với chính quyền? 

Không gian làm triển lãm ở đây chính là do nhà nước tài trợ. Các cuộc triển lãm tất nhiên đều có giấy phép. Có một lần không được cấp giấy phép là vì một họa sĩ vẽ tranh đề tựa là “Mùa xuân Ả Rập”. Do đó là người tổ chức phải có sự kiểm soát về phía mình để triển lãm được thành công. Sự hiểu giữa con người có giới hạn. Mình phải làm sao để hai bên điều hòa với nhau.

Có nhiều nghệ sĩ than phiền về chính quyền, các anh nghĩ sao về điều này?

Họ tự làm mệt bản thân mình, chứ cuộc sống quá tươi đẹp. Có điều anh phải lao động, chứ không thể ngồi không rồi nhân gian rơi thức ăn xuống cho mình. Một điều nữa là mình phải coi lại bản thân mình, coi mình là ai. Nghệ sĩ Việt Nam hay than vãn, nào là tôi nghèo, tôi không có tự do, tôi nghĩ đó là BS.

Ở Việt Nam có bị kiềm kẹp, không được tự do bộc lộ tư tưởng? 

Tôi nghĩ có nhiều trường hợp người ta dùng xì-căng-đan để nổi tiếng, dùng chính trị để làm nghệ thuật. Thật ra trong hơi thở cuộc sống đã có chính trị rồi. Mình sống trong xã hội, nằm trong hệ thống, yếu tố chính trị đã nằm trong tác phẩm. Người khác tôi không biết, chứ tôi làm những điều tôi yêu thích, tôi thấy bình thường.

thanh hai-10
Dự án video art và sắp đặt “The Game” (2013), video 3 canh màu, 12 giờ. © NSAF.

Muốn đi học gì ở nước ngoài? 

Học đủ rồi. Muốn đi chơi. Muốn đi Mỹ học lái máy bay. 38 tuổi rồi. Còn khoảng 12 năm làm nghệ thuật thôi. Rồi về hưu.

Tại sao Mỹ? 

Ở đó an toàn hơn, tỉ lệ học viên chết ít.

Muốn đi chơi ở đâu? 

Lào.

Thích môi trường nghệ thuật ở đâu?

New York, Paris. Nam Hàn. Cái khổ là ở đâu cũng tốt hơn Việt Nam.

Trong việc hoạt động nghệ thuật độc lập, ở Việt Nam cũng khó khăn như ở nước ngoài? 

Tôi nghĩ ở Việt Nam có điều kiện hơn. Cuộc sống rẻ hơn. Nhưng nghệ thuật là một cuộc chơi, phải dám chơi dám chịu.

thanh hai-9
Dự án video art và sắp đặt “The Game” (2013), video 3 canh màu, 12 giờ. © NSAF.

Mối giao tiếp giữa các anh với những nghệ sĩ gốc Việt sang Việt Nam sống và làm việc như thế nào?

Thật ra họ là người Mỹ chứ không phải Việt Nam. Họ có dòng máu Việt Nam, nhưng mọi thứ từ tư tưởng, đào tạo, suy nghĩ, ước mơ v.v… là Mỹ. Họ không mang trong người hơi thở Việt Nam. Họ được đào tào tốt, họ có thể hiểu nghệ thuật Việt Nam, tác phẩm của họ rất tốt, và họ có thể hiểu văn hóa Việt Nam. Sự hiểu không phải đơn giản. Nên họ là người hoàn toàn khác chúng tôi, họ không phải là người địa phương.

thanh hai-2
Lê Ngọc Thanh (áo xám) và Lê Đức Hải (áo đỏ).

Anh muốn nhìn thấy hướng sáng tác trong nghệ thuật của nghệ sĩ Việt Nam đi về đâu?

Độc lập cá nhân là quan trọng nhất. Một nghệ sĩ làm việc độc lập, không cần đoàn thể, tổ chức, nhóm gì cả. Nếu họ hiểu mình là ai, sinh ra từ đâu thì sẽ không nặng nề. Nhẹ nhàng, vui cười thôi.

Tìm hiểu thêm về Thanh-Hải và New Space Arts Foundation: http://www.newspacearts.com

–> Đọc bài tiếng Anh 

–> Trở về Chân dung người Việt TK21