Chân dung người Việt thế kỷ 21
—– Bài đăng trên Nhật Báo Viễn Đông —– Read the English version —–
Căn nhà hai tầng nằm trong hẻm. Từ công viên Hoàng Văn Thụ đi thẳng, rẽ phải, rẽ trái nhiều lần thì đến nơi. Đây là nơi chị Lê Hoàng Hải Hà sống và làm việc. Nhà vừa là nơi ở, vừa là văn phòng giao dịch, vừa là kho chứa hàng. Phòng khách giống như là showroom ở chỗ các bao hàng chất đầy các kệ cao từ sàn nhà lên quá đầu người chạy dọc hai bên tường. Cần mẫu hàng nào thì chúng nằm sẵn trên các kệ rồi. Bước vào nhà, khách bước vào một không gian của ít nhất hai thế giới khác nhau: thế giới công việc và thế giới gia đình.
Từ làm công đến làm chủ
Sau 15 năm làm việc trong ngành bán ôtô, đến vị trí Quản Lý cho Nhà Phân Phối Volkswagen ở Sài Gòn, năm 2009 Hải Hà quyết định đã đến lúc tự mình làm chủ công việc của mình. Chị cùng chồng là anh Thắng mở cơ sở kinh doanh chuyên bán sỉ và lẻ áo quần thời trang người lớn và trẻ em cho đối tượng người tiêu dùng có thu nhập bậc trung.
Ngoài ngôi nhà đang ở, Hà có một cửa hàng bán lẻ, Hải Triều, ở đường Nguyễn Thượng Hiền, quận 3, do bốn nhân viên phụ trách. Ở nhà thì hai vợ chồng chị cùng hai nhân viên khác lo vấn đề bán sỉ. Bốn trong số sáu nhân viên của Hà là người ở quê lên. Họ ăn ở trong nhà với Hà như một gia đình lớn. Và như thế mọi người cùng nhau gánh vác cái “giang sơn” nhỏ bé này của mình.
Kiểu làm ăn như của Hà, hoặc nhỏ hơn hoặc lớn hơn Hà nhiều, là vô cùng phổ biến ở Việt Nam nơi mà cách làm ăn tự phát đã từ lâu trở thành những sợi chỉ đan nhỏ trong mạng lưới sinh hoạt kinh tế Việt Nam. Tự kinh doanh là một cách giúp họ thoát khỏi thân phận làm công và được sống tự do hơn theo cách họ lựa chọn. Điều kiện cần và đủ để người ta tồn tại và trụ vững trong môi trường này: vốn có thể nhỏ nhưng kiên nhẫn và bản lĩnh phải cao.
Ngoài những người lớn tuổi, quen biết rộng, có kinh nghiệm, tích lũy đủ để mở công ty riêng, ngày nay, số bạn trẻ có năng lực, có tham vọng, trên 30 tuổi đã tính toán đến chuyện làm chủ, đang bắt đầu gia tăng. Họ là những người năng động. Sống mạnh mẽ trong hiện tại và nhìn xa về tương lai. Những kỹ năng trong giao tiếp, về vi tính, về quản lý; hiểu biết về thị trường và người tiêu dùng Việt Nam mà họ thu thập được trong thời gian đi làm là bàn đạp cho họ phát triển công ty riêng của mình. Hà là một trong số những người này. Sau hơn ba năm tự kinh doanh với hơn 500 mẫu hàng và hợp tác với 10 xưởng may, hiện nay chị phân phối sản phẩm cho các cửa hàng khắp cả nước.
Gia đình = Công việc
Một ngày của chị bắt đầu lúc 7 giờ khi Xí Muội, con gái nhỏ 17 tháng tuổi của Hà thức dậy. 8 giờ bắt đầu chuẩn bị bữa ăn sáng cho mọi người. Tới 9 giờ rưỡi, khi chồng chị chở con trai lớn 7 tuổi đi học, người đi ra cửa hàng cứ đi, Hà bắt đầu công việc của mình, ngay tại phòng khách.
Hàng ngày Hà đều nghiên cứu mẫu hàng trên các trang mạng của nước ngoài. Chọn và phân tích những mẫu đẹp, rồi thiết kế mẫu riêng của mình với kiểu dáng và chất liệu vải sao cho thích hợp với thị trường và khí hậu Việt Nam. Khi đã có mẫu hàng vừa ý rồi thì chị gởi cho nhà cung cấp để họ may ra thành phẩm. Trên lý thuyết thì liền một mạch như thế. Trong thực tế, ngồi xuống ghế vài phút là điện thoại di động của Hà reng. “Chị Hà ơi, mẫu này chậm một ngày nhé”. Thế là chị phải gọi điện khất hàng cho các mối đang chờ chị. Hoặc “Hà à, tiền gối đầu tháng này chị khất em thêm một tuần nữa nhé!” Toàn những chuyện hầu như là đau đầu cần phải giải quyết ngay.
Điện thoại không reng 10 phút là lâu lắm rồi. Xong mẫu hàng thì chị tranh thủ cập nhật trang mạng của công ty. Cô nhân viên đã chụp hình hàng mới rồi, Hà chỉnh sửa kỹ thuật, rồi cho lên mạng. Một tay Hà lo luôn cả vấn đề kỹ thuật và kế toán. Tính ra thì chị vẫn phải làm việc cật lực không thua gì lúc đi làm công, chỉ khác là bây giờ hai vợ chồng chị làm chủ, và chị hài lòng với một người chồng ngồi bên giúp chị ý kiến, quyết định công chuyện, giao hàng, trông con, và nấu ăn nữa. Quan sát chị trước màn hình máy tính, tốc độ đảo mắt của chị chắc cũng nhanh như con chim Hummingbird đập cánh, và bàn tay di chuyển con chuột thì nhanh muốn chóng mặt.
Rồi, như để bù trừ cho tiếng điện thoại, thỉnh thoảng đứa con gái nhỏ của chị lại khóc lên ở đâu đó trên lầu hoặc nhà bếp hoặc trước nhà, vì nó đang đi mà té nhào xuống đất! Người giữ trẻ dỗ không bằng mẹ, nên nó nhào tới mẹ Hà. Tay điện thoại tay bồng con, Hà như con thoi. Hoặc có khi cả tiếng điện thoại và tiếng khóc vang lên cùng một lúc, đây là bản nhạc đời thường của Hà đấy – không phải là thiếu những khoảnh khắc vui vẻ bởi trẻ con luôn là niềm vui, nguồn động viên, và sự hứng khởi. Con gái bé nhỏ của Hà chẳng khác nào một “người mẫu” cho dòng hàng áo quần trẻ con của chị.
Công việc = Gia đình
Vào mùa cao điểm xuân, hè và đông, nếu Hà không đi xem mẫu hàng để kiểm tra chất lượng được thì nhà cung cấp cho người mang đến nhà chị. Lúc này phòng khách trong nhà biến thành hội chợ thương mại nhỏ. Nào áo nào váy nào quần nào vải, bày đầy sàn. 3 giờ chiều, con trai lớn của chị đi học về, ôi thôi là vui và náo. Một không gian: đầy tiếng nói của trẻ con và người lớn, của tiếng vải xột xoạt, tiếng bao hàng đánh thịch xuống đất, tiếng chân trần xẹt trên sàn gạch, chuyển động của người lớn và trẻ con, màu sắc của áo quần nhiều hơn ngôn từ có thể miêu tả, dày đặc chất liệu của vải và thun và ren và jean. Sự biểu hiện cảm xúc trên những khuôn mặt trẻ con và người lớn thay đổi liên tục. Có thể miêu tả không gian này như thế nào: cuộc sống không thể đong đầy hơn thế được.
Vậy thì sự phân biệt giữa công việc và gia đình nằm ở đâu? Cái nào quan trọng hơn? Hà bảo: “Vào thời điểm này, tôi không thể nói gia đình hay công việc là quan trọng hơn. Chồng con là cuộc sống của tôi, và tôi làm việc vì sự sống còn của gia đình. Tôi không thể thiếu một trong hai. Đối với tôi, gia đình và công việc được đặt ngang nhau”. Chị không vì công việc mà hy sinh gia đình, cũng không giảm bớt công việc được.
Trong tương lai gần, nếu tìm được nhân viên làm việc tốt, đã có đủ vốn, chị mong muốn mở thêm nhiều cửa hàng nữa trong thành phố. Với người chồng hợp tình hợp ý cùng chung sức làm việc, Hà tuy cực mà rất hạnh phúc trong những giấc mơ đời thường của mình.
–> Đọc bài tiếng Anh
–> Trở về Chân dung người Việt TK21