Không gian biểu diễn ca trù ở đền Quán Đế (hình © Ca Trù Thăng Long)
Không gian biểu diễn ca trù ở đền Quán Đế (hình © Ca Trù Thăng Long)

Bảy giờ rưỡi tối, những con đường nhỏ trong khu phố cổ Hà Nội trở nên đông đúc hơn nữa. Khách du lịch và người địa phương đi ăn tối hoặc ăn chơi. Còn tôi đi nghe xem hát ca trù.

Từ phố Chân Cầm, tôi đi bộ đến câu lạc bộ Ca Trù Thăng Long trên đường Hàng Buồm. Trên đường đi, tôi đi ngang nhiều khu vực náo nhiệt một cách đặc biệt. Đây là các con đường của những quán bia vỉa hè. Từ xa đã thấy chúng, những người là người, và tiếng người ta nói chuyện đan chen vào nhau như cái rổ mây, đầy chặt, ăm ắp trong tai, dội ngược dội xuôi trong một không gian chật chội giữa các con phố cổ nhỏ, vang vẳng inh ỏi. Trên những con đường này, những cái bàn nhỏ và ghế thấp sát rạt nằm đầy hai bên đường. Chúng không cần nằm chơ vơ buồn bã lâu gì. Khách tới nườm nượp. Họ ngồi đầy dài hai bên đường, chỉ chừa một khoảng vừa đủ rộng giữa đường để người đi bộ chen chân, một hàng xuôi một hàng ngược. Đây là kiểu không gian mà người du lịch phương Tây rất thích: náo nhiệt, vui nhộn, khác lạ so với những gì họ quen thuộc. Nó góp phần tạo nên sự hấp dẫn và lôi cuốn của Hà Nội trên thế giới.

Có thể nói, cuộc sống trong khu phố cổ mang một nhịp điệu riêng. Góp phần vào cái riêng đó một cách nghệ thuật là các buổi diễn ca trù không thể bỏ qua.

Ngoài cửa đền Quán Đế ở Hà Nội (photo © Anvi Hoàng)
Ngoài cửa đền Quán Đế ở Hà Nội (photo © Anvi Hoàng)

Không gian đền Quán Đế

Câu lạc bộ Ca Trù Thăng Long tổ chức các buổi biểu diễn trong một nơi rất lạ: một ngôi đền. Tôi đến nơi, thấy bên ngoài có một cô mặc áo dài đứng chào khách. Cô gái đưa cho tôi một tấm bản đồ Hà Nội in màu đẹp đẽ, gấp gọn gẽ để làm kỷ niệm. Tôi cho như thế là rất lịch sự và chu đáo. Đó cũng là một món quà có ý nghĩa vì thời buổi này ai cũng có GPS, khó mà tìm được một tấm bản đồ giấy. Mà tôi là người thích nhìn bản đồ giấy in lớn để tìm đường.

Vẫn còn khá sớm và chưa tới giờ diễn, tôi đi vào trong sân chùa để chờ. Gặp mấy tuần cuối tháng 5 nóng kỷ lục, khi vào trong sân tôi đã thấy một vài khách nước ngoài cũng đang chờ xem sô, họ vừa ngồi chờ vừa quạt phành phạch trông rất buồn cười và vui mắt.

Gần 8 giờ, khách được mời vào trong đền và lựa chọn chỗ ngồi tùy thích. Chúng tôi bước vào trong, đây là đền Quán Đế được xây dựng từ thế kỷ 19. Ở phần điện thờ này, không gian rất nhỏ và ấm cúng, và như thế là lý tưởng cho việc trình diễn ca trù. Đơn giản là vì ca trù, hay còn gọi là hát ả đào, bắt đầu phát triển và phổ biến rộng rãi ở miền Bắc từ thời nhà Lê ở thế kỷ 15. Khi này ca trù chủ yếu được trình diễn trong cung hoặc dành cho giới có học có quyền thưởng thức chứ không phải là một hình thức nghệ thuật phổ biến cho dân chúng bình dân, và không gian biểu diễn truyền thống là nhỏ và thân mật. Vì vậy tôi thấy việc diễn ở đền cổ là một sáng kiến rất hay.

Trong đền lúc này, năm bảy hàng ghế đơn xếp cạnh nhau chiếm hơn phân nửa khoảng trống trong đền. Đối diện ghế dành cho khán giả là một tấm phản gỗ rộng hơn 2 mét, được trải chiếu hoa. Đây là sàn hát của các đào nương.

Sân khấu biểu diễn của câu lạc bộ Ca Trù Thăng Long (photo © Anvi Hoàng)
Sân khấu biểu diễn của câu lạc bộ Ca Trù Thăng Long (photo © Anvi Hoàng)

Không khí ca trù

Đúng 8 giờ tối, sinh hoạt bắt đầu. Một ca nương MC nói tiếng Anh bước ra chào khán giả. Cô mặc áo dài gấm hoa màu thẫm, đầu quấn khăn nhung đen, đeo kiềng bạc. Đứng thẳng người, hai tay hơi khoanh để trước bụng, bàn tay phải để sấp úp nhẹ lên lòng bàn tay trái để ngửa, cô cất tiếng nói. Sự xuất hiện một cách trang trọng của cô đã gây được một ấn tượng rất tốt ban đầu. Cô trình bày sơ về lịch sử của ca trù. Tiếp đó, tiết mục đầu tiên bắt đầu với bài Hát Chúc Hỗ do nhóm ca nương trình bày. Như một khúc dạo đầu vui nhộn mời chào và giữ chân khách. Lúc này khách cũng được mời uống trà Việt Nam và thưởng thức bánh đậu xanh Hà Nội.

Sau màn diễn này một đào nương khác giới thiệu các nhạc cụ dùng trong ca trù cho khách biết. Ai muốn thử thì bước lên phía trên. Tôi thấy bộ phách tạo ra âm thanh thú vị nên bước lên trên phản để xem cho rõ. Lúc đó mới phát hiện ra là dùi gõ bên tay trái hay còn gọi là tay ba là thanh gỗ hình tròn, còn dùi gõ cho tay phải gọi là dùi gõ kép vì nó gồm hai lá phách một mặt phẳng một mặt cong. Khi gõ người ta chập hai lá phách vào nhau. Khi hai mặt phẳng áp vào nhau và mặt cong bên ngoài, nhìn từ xa cứ tưởng chúng là một thanh gỗ tròn như tay ba.

Bộ phách ca trù (photo © Ca Trù Thăng Long)
Bộ phách ca trù (photo © Ca Trù Thăng Long)

Sau khoảng 7-8 phút, khán giả không còn thắc mắc muốn tìm hiểu các nhạc cụ nữa, các đào tiếp tục các màn biểu diễn.

Mọi người ngồi im phăng phắc chờ đợi. Đào thứ nhất bước ra, hai tay chạm vào nhau trước bụng cô cúi đầu nhẹ chào khán giả, xong bước lên phản ngồi xuống, cầm dùi và phách chuẩn bị. Rồi ca nương thứ hai đi ra, nhẹ nhàng chào khách, xong cầm cây đàn bước tới ngồi xuống phản, chuẩn bị tư thế để đánh đàn. Các cô đều mặc áo dài lụa, đầu vấn khăn nhung, đeo kiềng bạc. Chỉ phần chào khách không thôi cũng đã gây cho tôi một ấn tượng mạnh. Tôi không nhớ mình đã lần nào rung động trước phong cách của nghệ sĩ Việt Nam như thế này. Từng cử động đi đứng của các ca nương, từng cánh tay khoanh thư thả, từng bàn tay đặt để, từng biểu hiện trên khuôn mặt nghiêm túc của họ, những chiếc áo dài và khăn vấn, tất cả đều thể hiện sự trang nghiêm và chính xác đến mức làm tôi nghĩ đến sự kỷ luật và đam mê đã thấm trong con người họ và phát sáng ra bên ngoài.

Cả hai ngồi xếp bằng trên phản, ca nương giữ bộ phách cũng là đào hát, kép là cô đánh đàn đáy. Âm thanh bắt đầu buông phủ quanh chúng tôi. Trong không gian nhỏ, từng rung động trong giọng hát của ca nương đều nghe được, rõ như hơi thở của người thương ngay bên tai mình. Tiếng đàn không réo rắc mà thả chầm chậm, trầm ngâm và đầy tâm sự. Giọng hát của ca nương không vang xa, từng cái ngấn, ngắt, hoặc láy, nó nhỏ giọt trong đêm, thấm đẫm không khí tĩnh mịch trong ngôi đền cổ, rung lên cùng tiếng đàn tiếng phách và thấm vào lòng người nghe, âm thanh gần gũi như một lời tâm sự thân mật nhưng cũng ngân nga đủ trong đầu người nghe để họ cảm thấy như thể nó vang vọng từ nơi nào xa xăm lắm.

Tấm phản gỗ, sàn gạch, chiếu cói, áo dài gấm, khăn nhung vấn đầu, kiềng bạc, trong ngôi đền cổ với những cột gỗ đậm màu và chi tiết điêu khắc xưa, không khí rất trang nghiêm gần như là linh thiêng bao trùm. Một bộ phách, một cây đàn đáy, một giọng ca, đơn giản đến mức hoàn hảo. Nhưng phải nói toàn thân tôi rung động. Tôi liên miên nghĩ làm sao chỉ với một vài âm thanh như thế thôi mà có sức truyền cảm mạnh mẽ đến như thế. Khi bạn yên lặng mở lòng ra, những âm thanh này lôi cuốn bạn vào bên trong thế giới của nó. Rồi bạn không còn ý thức về không gian và thời gian nữa. Toàn bộ tâm trí và thân xác người nghe bị hút vào nơi đấy.

Tấm phản gỗ để ca nương ngồi hát (photo © Anvi Hoàng)
Tấm phản gỗ để ca nương ngồi hát (photo © Anvi Hoàng)

Thật ra, nghĩ kỹ thì các âm thanh không phải là đơn giản, mà chúng tinh xảo đến mức tưởng chừng như mộc mạc và chân chất. Đây chính là sức hút của ca trù.

Trời tối nên tôi không để ý đến giày mà các ca nương mang. Đến khi về sau coi lại hình mình chụp thì mới thấy là các đào đều mang giày gấm mũi nhọn. Lại một chi tiết đẹp nữa cho bức tranh thêm trọn vẹn.

Và như thế, có một sự chuẩn mực, chính xác đến độ khoa học trong từng âm thanh do các đào nương tạo ra, từ thanh quản, cổ họng và hơi thở của họ, từ bộ phách bằng gỗ mít bóng loáng, từ các ngón tay bấm dây đàn, cây đàn đáy có cái cán thật dài cao quá đầu người ngồi chơi nó. Tôi cho sự chính xác và chuẩn mực mà tôi cảm nhận được là kết quả của sự đam mê tận cùng và tinh thần làm việc nghiêm túc, cẩn thận đến từng chi tiết, không đốt cháy giai đoạn của người nghệ sĩ. Tâm tư, cảm xúc của đào nương như hòa trộn và kết nối nhịp điệu của bao thế hệ đào hát từ xưa cho tới nay. Người nghe như nhìn thấy quá khứ, hiện tại và tương lai trong âm thanh của ca trù.

Các ca nương đều mang giày gấm mũi nhọn (photo © Anvi Hoàng)
Các ca nương đều mang giày gấm mũi nhọn (photo © Anvi Hoàng)

Một chút suy nghĩ

Đây là lần đầu tiên tôi xem ca trù trên sân khấu ngoài đời thật. Tất cả đều tuyệt, chỉ có hai điều làm tôi suy nghĩ. Một là, trước khi trình diễn, mỗi người chúng tôi được phát 5 thanh tre ngắn. Ca nương MC nói rằng theo truyền thống, người nghe dùng thanh tra này thả vào chậu đồng đánh keng một cái, như một cách để thưởng cho đào hát. Người nào nhận càng nhiều thanh tre thì tiền thưởng càng nhiều. Hồi xưa, vua chúa quan lại đúng là ở vào vị trí có quyền khen thưởng đào hát để chứng tỏ quyền lực của mình. Ngày nay, làm như thế thì rất ngại. Bản thân tôi, theo phép lịch sự, trong trường hợp muốn chê nghệ sĩ cũng không làm trước mặt mọi người. Trước đám đông thì phải khen tất cả để động viên. Còn phần góp ý thì phải làm trong khuôn khổ cá nhân, nghĩa là chỉ nói riêng với ca nương thôi. Do đó, tôi phải tính kỹ để chia đều các thanh tre cho tất cả các ca nương không thiên vị người nào. Đó là chưa kể mỗi lần thẩy thanh tre thật là hồi hộp. Ca nương đang hát như thế và mình đang thưởng thức, biết thẩy lúc nào cho thích hợp, cứ sợ làm phân tán người biểu diễn. Có thể đi xem nhiều lần thì sẽ quen với việc thảy thanh tre, cũng có thể việc duy trì nghi thức này là một phần trong việc gìn giữ và phát huy văn hóa ca trù trọn vẹn và là một việc làm tốt, nhưng đối với tôi lần đầu thẩy thanh tre thật là muốn đứng tim.

Điều thứ hai tôi suy nghĩ là: từ lúc bước ra sàn hát cho đến khi kết thúc chào khán giả đi vào, hầu hết ca nương mang khuôn mặt quá sức nghiêm túc. Tôi thấy khuôn mặt họ buồn thật buồn, buồn đến mức não nuột cả ra. Có phải biểu hiện nét mặt của họ là như thế trong tất cả các buổi diễn, hay chỉ hôm nay, tôi không biết. Nhưng tôi không hiểu vì sao lại thế.

Đó là hai điều tôi thắc mắc về đêm ca trù ở Hà Nội.

Kết

Sau buổi diễn, tôi cứ nghĩ mãi về nó. Sau gần một năm mà những âm thanh và cảm giác từ hôm đó vẫn còn đậm trong tôi. Tôi nghĩ về phần âm nhạc của ca trù. Tiếng phách có lẽ là âm thanh mang phần thực tế nhiều nhất, cái gõ lúc chậm lôi người ta về khung cảnh một làng quê thanh bình, lúc nhanh khiến người nghe sực tỉnh mà rằng mình đang ở hiện tại. Rồi tôi nhận ra rằng để thưởng thức cái buông lơi và tĩnh mịch trong tiếng đàn đáy và tiếng hát của cô đào, người nghe ít nhất phải có chút kiên nhẫn và tấm lòng rộng mở để đón nhận. Có lẽ vì thế mà hồi xưa người ta cho rằng chỉ có người có học mới hiểu được ca trù? Nhưng rồi nghĩ kỹ lại, có lẽ cũng không cần kiên nhẫn gì. Đối với tôi, âm nhạc tự bản thân nó có sức quyến rũ riêng. Âm nhạc hay thì tự động cuốn hút người nghe, không cần biết người đó có học hay không, hay có kiên nhẫn không. Chỉ cần tranh thủ một chút thời gian bước chân đến đền cổ và một phút tĩnh lòng, rồi thì, dù muốn hay không âm thanh đó cũng sẽ ‘vào’ trong bạn.

Vì một thoáng cảm nhận bước vào một thế giới hư hư thực thực và biết được cái gọi là tuyệt đỉnh cảm giác như thế nào, đáng lắm chứ sao.

Các ca nương (photo © Anvi Hoàng)
Các ca nương (photo © Anvi Hoàng)