© Jiny Ung.
© Jiny Ung.

—– Bài in + đăng Nhật Báo Viễn Đông —– Read the English version —–

Mọi người đã từng quen với câu: ‘me no say English’! Ai chả biết đó là tiếng Anh bồi. Người ta nghĩ chỉ những người dở tiếng Anh, như một số dân di cư và lớn tuổi người châu Á chẳng hạn, mới dùng tiếng Anh bồi. Thế nhưng, thời đại ngay nay nó khác rồi. Bây giờ người có học cũng nói tiếng Anh bồi. Họ còn cho rằng như thế là ‘thời trang’.

Con người rỗi việc quá chăng?

Thỉnh thoảng tôi đứng trước tủ quần áo đầy ắp và ngẫm nghĩ: “Sao mình chẳng có quần áo gì để mặc thế này?” Hoặc đôi khi tôi mở tủ lạnh đầy thức ăn rồi ngáp dài: “Sao chả có gì để ăn thế kia!” Bạn nghe có quen quen không. Tôi hỏi bạn một câu: Đó có phải là do con người chúng ta thừa mứa, rãnh việc quá không?

Nói đến chuyện thức ăn: vì muốn của ngon vật lạ, người ta đào đất, tác sông, đổ chất thải ra biển, không chừa chuyện gì. Thế mà chúng ta vẫn nói rằng chẳng còn gì lạ để ăn nữa. Thế rồi người ta đã tìm cách giải quyết vấn đề ra sao đây? – Săn lùng của lạ (forage). Đó là phong trào đấy. Chỉ các nhà hàng sang mới có thể nấu các món ăn ngon đến nỗi nhìn là thèm chảy nước miếng liền từ các nguyên vật liệu đặc biệt hoang dại do các nhà săn lùng của lạ chuyên nghiệp (professional forager) cung cấp trực tiếp. Để vinh danh ‘thời trang’, người ta lặn lội rừng sâu tìm nấm lạ hoặc dâu rừng, săn lùng biển cả để tìm tảo hoang.

Bây giờ, người ta cũng làm chuyện ‘săn lùng’ tương tự đối với ngôn ngữ. Nhiều người Mỹ gốc Việt đã tạo ra phong trào ghép chữ ‘Việt’ trong các từ như Việt people, Việt music, v.v… Không biết chuyện này bắt đầu từ khi nào, nhưng có thể nó bắt nguồn từ việc người Việt Nam thích ‘đi đường tắt.’ Trong ngôn ngữ, có nghĩa là chúng ta thích nói tắt. Thay vì nói ‘người Việt Nam’ chúng ta nói gọn thành ‘người Việt’. Trong tiếng Việt thì không sao, vì ‘người Việt Nam’ hay ‘người Việt’ gì thì cũng như nhau và ý nghĩa đều như nhau. Tuy nhiên, khi dịch sang tiếng Anh, muốn nói tắt ‘Vietnamese people’ thành ‘Việt people’ thì là chuyện hoàn toàn khác. Bởi vì: người Mỹ không hiểu được ‘Việt people’ hoặc ‘I’m a Việt person’ hoặc ‘He is a Việt-American writer” nghĩa là gì. Đó là chưa kể nó còn sai lầm nghiêm trọng về một mặt khác nữa.

Chữ ‘Việt’ trong tiếng Việt có nghĩa là ‘Việt Nam’, nhưng ‘Việt’ cũng là từ được dùng để chỉ một giống người ‘Việt’ hoặc bộ tộc người Việt đã xuất hiện cách đây hơn 2000 năm, và phân biệt họ với các bộ tộc khác như người Hán, người Mường. Dó đó ‘Việt people’ cũng được hiểu theo nghĩa đó: nó ám chỉ bộ tộc người Việt cổ, và không đồng nghĩa với ‘người Việt Nam’. ‘Việt music’ cũng là nhạc của bộ tộc người Việt cổ. Vậy thì khi người ta dùng từ ‘Việt people’ họ muốn ám chỉ gì đây? Việc gì phải đổi ‘Vietnamese people’ thành ‘Việt people’ cho lắm chuyện. Có phải là một trường hợp ‘rãnh việc quá đâm ra sinh chuyện’ hay không chứ!

Nói đi thì cũng nói lại: nếu xét về mặt ngữ pháp hoặc ý nghĩa thì cách dùng từ ‘Việt’ trong các cụm từ ‘Việt people’, ‘Việt music’, là sai. Nhưng nếu chữ ‘Việt’ xuất hiện trong một tên riêng của một tổ chức hoặc công ty v.v… thì không có vấn đề gì. Tên riêng thì ai muốn làm gì thì làm, không có quy tắc đúng sai. 

Đào sâu

Sự liên hệ cởi mở giữa người Việt trong và ngoài nước trong thời gian gần đây đã tạo ra một môi trường giúp cho những người Mỹ gốc Việt dường như cảm thấy mình gắn bó với cộng đồng mình hơn. Nhiều người trong số họ tìm thấy tiếng nói của riêng mình và hiểu được mình muốn làm gì trong đời trong môi trường hỗn hợp ngày nay. Đây là điều rất đáng mừng, và nó làm cho tôi nghĩ đến chuyện: liệu việc dùng nguyên chữ ‘Việt’ như kể trên đưa vào tiếng Anh có phải là một biểu hiện của mảnh bản sắc cá nhân mà họ tìm thấy ở trên, một lớp bản sắc mà có lẽ họ không tìm thấy trên đất Mỹ. Cái cảm giác đa văn hóa đa quốc gia ấy mà, nó làm cho người ta cảm thấy mình thuộc về một nơi nào đó – một chút ở bên đây một chút ở bên kia – rõ ràng là một trải nghiệm tốt hơn và có ý nghĩa hơn là không thuộc về một nơi nào cả. Cái cảm giác rằng người ta có thể đi đi về về một cách dễ dàng, đầy tự tin. Tôi hiểu cảm giác này lắm chứ khi người ta bắt đầu bê nguyên chữ ‘Việt’ vào tiếng Anh. Nhưng khổ nỗi đây lại không phải là “ngọc trong đá”, chỉ là ‘đồ giả’ thôi.

Trong khi chữ ‘Việt’ ghép được dùng lan tràn, nhanh chóng như cà phê sữa đá bán chạy, tôi lại nghĩ: chẳng lẽ một số người gốc Việt ở Mỹ hết chuyện về bản sắc cá nhân để khai thác và đào sâu rồi sao, mà phải bám vào chữ ‘Việt’ một cách sai lầm như thế!

Chắc là không đâu. Những người đó chỉ là làm biếng thôi. Tiếng Việt là tiếng đơn âm, bây giờ phải đọc tiếng Anh là tiếng đa âm đâm ra cũng lười. Thì đúng là chữ ‘Việt’ ngắn gọn hơn chữ ‘Vietnamese’ đến hai âm tiết. Tiện lợi chứ. Như vậy thì họ chỉ có tội làm biếng thôi, chứ vấn đề không không mang ý nghĩa gì sâu xa hơn. Tuy nhiên, ông bà ta có câu: “Đi đêm có ngày gặp ma”. Đến khi tọa họa ra thì không ai cứu được nữa. Là như thế này.

Lần đầu tiên tôi đọc thấy chữ ‘Việt people’ tôi có một cảm giác như bị phỉ nhổ, hạ nhục thế nào ấy. Không giải thích được. Về sau, cảm giác đó ngày càng rõ ràng hơn. Tôi ý thức được rằng, khi người ta gọi người Việt Nam bằng hai chữ ‘Việt people,’ nó mang ý nghĩa sỉ nhục, y như người da đen bị gọi là ‘mọi đen’ vậy.

Hồi xưa, thời chiến tranh có chữ ‘Nam!’ –  là chữ lóng mà lính Mỹ dùng để chỉ nước Việt Nam và người Việt Nam. Dùng chữ lóng kiểu này là một cách bày tỏ sự khinh thường đối với người khác. Họ gọi người Việt Nam và nước Việt Nam đơn giản là ‘Nam’, người Nhật là ‘Jap’, người Tàu là ‘Chink’. Bây giờ, chính người Mỹ gốc Việt lại tự sỉ nhục mình bằng cách đặt chữ lóng mới cho ‘Vietnam’: ‘Việt’. Đúng là hết chuyện chơi! Có đúng là đi đêm có ngày gặp ma không!

*****

Nhiều khi phong trào trở thành ‘thời trang’ và làm thay đổi thói quen của người ta. Trường hợp chữ ‘Việt’ ghép có thể là như thế. Tôi không biết được nó sẽ phát triển thành cái gì. Nhưng nó thành cái gì thì tôi cũng mặc kệ. Tôi gọi đó là tiếng Anh bồi, là sự phỉ báng, là sự sỉ nhục. Cho dù nó có thành ‘thời trang’ tới đâu thì tôi cũng loại bỏ nó ra khỏi ngôn ngữ tiếng Anh tôi dùng. Nếu phải dùng 6 từ để diễn tả cảm xúc của mình về chữ ‘Việt’ ghép trong các cụm từ tiếng Anh như ‘Việt people’ hoặc ‘Việt music’, thì tôi sẽ nói rằng: Phỉ báng! Phỉ báng! Phỉ báng! Sỉ nhục! Sỉ nhục! Sỉ nhục!

–> Đọc bài tiếng Anh