sapa-7
Photo by Anvi Hoàng

—– Read the English version —–

Chỉ bàn đến chuyện văn hóa phổ thông, văn hóa Việt Nam có gì để khoe với thế giới nhỉ? Hãy tưởng tượng một người nước ngoài hỏi bạn: Văn hóa Việt Nam có gì đặc sắc, bạn sẽ trả lời như thế nào???????????????. Suy nghĩ. Suy nghĩ.

Chắc chắn là Việt Nam có bản sắc văn hóa chứ. Vấn đề là: bao nhiêu người Việt Nam biết đến những đặc điểm đó để khoe? Bao nhiêu người Việt Nam thật sự tự hào về những đặc điểm đó để mà khoe? Bao nhiêu người Việt Nam khoe thứ của Việt Nam? Và bao nhiêu người Việt Nam khoe thứ của Tàu? Bây giờ là thế kỷ 21, người ta đánh nhau bằng văn hóa cơ. Hãy nhìn cả thế giới chìm ngập trong văn hóa phổ thông Mỹ và hàng hóa Tàu. Để Việt Nam có một chỗ đứng trong thế giới đó, mỗi người Việt Nam đều phải góp một tay.

Văn hóa châu Á ở Mỹ

Khi nghe đến hai tiếng ‘Nam Hàn’, người Mỹ hình dung ra một số đặc điểm của đất nước này. Bộ áo truyền thống của Nam Hàn nhìn vào là biết Nam Hàn. Phim Nam Hàn, không cần nghe tiếng, xem là biết phim Nam Hàn. Họ làm sao hay thế? Đơn giản: họ không bắt chước ai, họ là chính họ và họ tự hào về điều đó.

Khi nghe đến tiếng ‘Nhật’, người Mỹ hình dung ra một số đặc điểm của đất nước này. Bộ áo truyền thống Nhật nhìn vào là biết Nhật. Phim Nhật, không cần nghe tiếng, xem là biết phim Nhật. Họ làm sao hay thế? Đơn giản: họ không bắt chước ai, họ là chính họ và họ tự hào về điều đó.

Nếu bảo người Mỹ dựng một sân khấu để giới thiệu văn hóa Tàu, họ rất tự tin và hăng hái. Họ đã từng xem nhiều phim Tàu. Họ đã từng xem những buổu trình diễn trên sân khấu lớn những điệu múa Tàu, trang phục Tàu. Họ biết về những kiến trúc nổi tiếng và tiêu biểu của Tàu. Mà sách vở cũng như tài liệu tra cứu thì đầy dẫy trên mạng. Ôi, hấp dẫn đây. Có nghĩa là trong đầu họ đã có rất nhiều suy nghĩ, ý kiến về Tàu, đến mức họ tự tin và hăng hái sẽ không dựng sai một sân khấu Tàu. Hơn nữa, họ còn tự hào được bỏ sức lực ra nghiên cứu để dựng một sân khấu Tàu hoành tráng! Cũng như thế, họ rất tự tin và hăng hái khi dựng sân khấu để giới thiệu văn hóa Nam Hàn hoặc Nhật.

Nếu bảo người Mỹ dựng một sân khấu để giới thiệu văn hóa Việt Nam, họ chựng lại ngay. Suy nghĩ trong đầu họ sẽ diễn ra như sau: Việt Nam: Chiến tranh Việt Nam. Gái điếm. Việt cộng. Cảnh người Việt tháo chạy tại tòa Đại Sứ Mỹ 1975. Nghèo đói. Mọi rợ. Chiến tranh Việt Nam. Người tị nạn. Nạn nhân chiến tranh. Phở. Gái điếm. Chiến tranh Việt Nam. Người tị nạn. Nghề nail. Việt cộng. Chiến tranh Việt Nam. Phở. Người tị nạn. Nghề nail. Và chỉ thế thôi, cứ lập lại, lập lại, chứ họ không biết gì khác về văn hóa Việt Nam. Thế rồi họ dựng sân khấu giống Tàu vì cho rằng Việt Nam cũng xêm xêm Tàu vì Việt Nam là văn hóa lệ thuộc Tàu!!!???

cropped-463.jpg

Có nhiều lý do tại sao người Mỹ không quan tâm và không muốn quan tâm đến nước Việt Nam hoặc văn hóa và con người Việt Nam. Một trong những lý do đó là chính người Việt Nam cũng tiếp tay vào chuyện này. Chỉ kể đến những chuyện đơn giản xảy ra hàng ngày. Như sau.

Dạy mình dạy người

Áo tứ thân là bộ áo truyền thống đặc biệt Việt Nam từ hơn một ngàn năm nay. Nó không được phát triển và phổ biến trong thời đại mới cho nên tạm thời không bàn ở đây. Ở thế kỷ 20 Việt Nam có áo dài, là đặc biệt Việt Nam. Bao nhiêu người Mỹ biết đến áo dài Việt Nam? Vài chục người hay vài trăm người? Tôi từng thấy nhiều người Việt Nam mặc ‘áo dài’ kiểu mới: kiểu sườn xám! Tôi cũng đã từng gặp những người đàn ông Mỹ có vợ Việt Nam hơn 30 năm, họ đã thấy vợ họ mặc áo dài không biết bao nhiêu lần, nhưng họ không biết đánh vần chữ ‘áo dài’ cho đúng!

Áo dài Việt Nam đẹp tuyệt vời như thế và nó đã được nhiều giải thưởng lớn nhỏ trong các cuộc thi thời trang khắp thế giới. Chỉ có người điên mới muốn làm nó xấu xí đi bằng cách lai với sườn xám! Và, những người Việt Nam có chồng/vợ người nước ngoài: nếu họ tự hào về quê hương và văn hóa nước ngoài của vợ/chồng mình để có thể kể chuyện vanh vách về nó, thì cũng phải tự hào về văn hóa Việt Nam để mà dạy chồng/vợ họ vài chữ tiếng Việt và đánh vần chúng cho đúng. Có khó khăn gì đâu. Chỉ đặt mục tiêu mỗi năm một chữ thì 10 năm cũng được 10 chữ!

Quả là nhiều người Việt Nam mê ‘ngoại’ đến mức tự đánh bỏ mình.

cropped-sg-4.jpg

Có những phim Việt Nam, những bộ phim bán vé thật chạy ở Việt Nam và cũng được giải này giải kia ở Mỹ, không nghe tiếng, nhìn vào cứ tưởng phim Tàu. Đến khi mở âm thanh ra thì còn ‘khủng hoảng’ hơn nữa. Người ta không nói tiếng Việt như người Việt bình thường – như tôi và bạn nói, mà là nói tiếng Việt kiểu Tàu, kiểu phim chưởng của Tàu. Lai căng và lố bịch đến thế là cùng.

Đúng ra tiếng Việt do người Việt Nam bình thường nói nghe rất hay, nghe như hát đối với lỗ tai người nước ngoài, không có lý do gì phải đi nhại tiếng Việt của người Tàu. Còn đánh võ ư, Việt Nam cũng có võ truyền thống đấy thôi. Muốn cách điệu thì tha hồ. Trong vấn đề đánh võ, người Mỹ thật ra đã quen với các cuộc chơi đã xưa: kung fu = Tàu, Ninja = Nhật. Người có bản lĩnh thì không dại gì bỏ thời gian đi cạnh tranh với những cuộc chơi đã cũ đó của người ta, mà tìm cách sáng tạo ra cuộc chơi V mới cho mình: V = Việt Nam. Thế mới gọi là có tinh thần sáng tạo.

Quả là nhiều người Việt Nam mê ‘ngoại’ đến mức tự đánh bỏ mình.

nguoi bac-2

Lại nói đến chuyện ngày nay, nhiều người trên khắp thế giới đã có ý thức về việc thực phẩm nhập từ Tàu có thể độc hại đến thế nào. Nhiều người Việt Nam cũng biết thế. Cho nên, miệng thì họ bảo: “Không mua đồ ăn từ Tàu vì nó độc hại”, nhưng cuối tuần thì cả nhà kéo nhau đi ăn dim sum ở tiệm Tàu! Đám cưới, đám hỏi, đám hội đều tổ chức ở các nhà hàng Tàu. Họ cho thế là… sang! (Chuyện ăn uống này đúng với người Việt ở Mỹ nhiều hơn người Việt ở Việt Nam). Hãy tưởng tượng một buổi họp mặt đồng hương Bình Định-Tây Sơn mà được tổ chức ở nhà hàng Tàu!! Thật là không còn mặt mũi nào mà nhìn tổ với tiên!

Này nhé, thức ăn Việt Nam thuộc loại ngon, bổ dưỡng, và phong phú nhất trên thế giới. Ai ngu dại gì đổ tiền cho tiệm ăn Tàu để ăn ‘thuốc độc có tác dụng từ từ” và nhìn bộ mặt hằm hằm của những người phục vụ ở đó!

Quả là nhiều người Việt Nam mê ‘ngoại’ đến mức tự đánh bỏ mình.

giac mo-3

Rồi, đi vào chùa Việt Nam, đặc biệt là chùa mới xây ở Việt Nam và chùa Việt Nam ở Mỹ, từ trên xuống dưới từ trong ra ngoài toàn là… tượng Tàu và chữ Tàu. Tệ hại nhất là nạn treo đèn lồng đỏ!!! (Sẽ có bài bàn về cái đèn đỏ này sau. Xấu hổ kinh khủng.)

Xin nhắc bạn là: bây giờ là thế kỷ 21, người Việt Nam dùng tiếng Việt Nam. Điều đó tự nhiên như nước chảy từ chỗ cao xuống chỗ thấp. Tự nhiên và gần gũi là bản chất của văn hóa Việt Nam. Chỉ khi nào người Việt Nam dùng tiếng Việt để thể hiện và khuyến khích văn hóa của mình thì mới thuyết phục được người nước ngoài về sự tự tin và độc lập của con người và văn hóa Việt Nam.

Quả là nhiều người Việt Nam mê ‘ngoại’ đến mức tự đánh bỏ mình.

Thế cho nên, trong tiếng Việt, những người Việt Nam cư xử ngược đời như kể trên phải gọi là “Nói một đằng làm một nẻo!” Miệng thì la chống Tàu nhưng họ mê đồ ăn Tàu, và trong suy nghĩ, họ thật sự sùng bái Tàu. Nếu mình tự bỏ văn hóa của mình, làm sao khoe với người ngoài, làm sao tìm được chỗ đứng cho người Việt Nam trên thế giới! Bây giờ là thế kỷ 21, người ta đánh nhau bằng văn hóa cơ.

Chẳng lẽ người Việt Nam phải chờ có một cuộc chiến tranh xảy ra trên đất nước mình thì mới thể hiện tinh thần dân tộc? Vậy ai buồn ai vui trước tin chính phủ Tàu đã thông báo thiết lập Khu Vực Nhận Dạng Phòng Không ở đảo Senkaku (là đảo vẫn đang tranh chấp với Nhật)? Bởi vì nếu cuối cùng không ai can thiệp đúng mức thì cái ngày đánh nhau thật với người Việt Nam có thể sẽ là tiếp theo! Chẳng lẽ chờ đến ngày đó thì mọi người Việt khắp nơi mới phất cờ dân tộc Việt Nam!?

boutique-1

Ngày V = Việt Nam 

Trong phạm vi cá nhân, mỗi người Việt Nam đều có thể làm một chuyện gì đó để khoe văn hóa Việt Nam, cho bản thân mình, cho người nước ngoài. Nếu tôi ở Việt Nam, tôi sẽ làm như sau. Chỉ cần 5 chị em gái, tôi có thể bắt đầu:

Ngày Áo Dài Lụa Hà Đông. Đọc ở đây.

Ngày Áo Dài Gấm Thái Tuấn. Xem video ở đây.

Ngày Áo Dài Thổ Cẩm. Xem hình ở đây.

Ngày Váy Thổ Cẩm. Xem hình ở đây.

Ngày Áo Tứ Thân Kiểu Mới. Đọc ở đây. Hình ở đây.

Ngày Áo Bà Ba. Đọc ở đây. Xem hình ở đây.

Rồi các ngày sau nữa để vài anh em trai cùng tham gia:

Ngày Áo Thun Việt Nam

Ngày Ca Trù. Đọc ở đây. Nghe ở đây.

Ngày Phim Việt Nam. Xem phim ngắn trong Tiệc Phim Ngắn Trực Tuyến Yxineff ở đây.

Ngày Kịch Việt Nam

Ngày Hát Chèo. Đọc ở đây. Nghe, xem ở đây.

Ngày Chầu Văn. Đọc ở đây. Nghe ở đây.

Ngày Hát Xẩm. Đọc ở đây. Nghe xem ở đây.

Ngày Đờn Ca Tài Tử. Đọc ở đây. Nghe xem ở đây.

Ngày Cải Lương. Đọc ở đây. Nghe xem ở đây.

Ngày Ca Huế. Đọc ở đây. Nghe xem ở đây.

Ngày Truyện Cổ Tích Việt Nam

Ngày Ăn Đồ Huế

Ngày Ăn Đồ Bắc

Ngày Ăn Đồ Nam

Người Việt Nam có tuần nào mà không họp nhau ăn uống, tán gẫu, tâm tình, giải xì chét. Mỗi tuần một ‘Ngày’ hoặc vài ba tuần một ‘Ngày’ là coi như làm được nhiều điều tốt lắm rồi. Mà những ngày văn hóa Việt Nam này, thật ra thì bạn bè họp nhau, hoặc gia đình bà con họp nhau, hoặc đơn giản là cha mẹ sinh hoạt với con cái và kể chúng nghe về văn hóa Việt Nam, đằng nào cũng được. Và như thế, danh sách ‘Ngày’ có thể kéo dài các bạn à. Tích nhỏ thành lớn, người ta không những có thể giữ gìn, phát triển, mà biết đâu còn sáng tạo ra những điều đặc sắc khác cho văn hóa Việt Nam. Biết đâu!

Tôi không bắt chước ai, tôi là người Việt Nam và tôi tự hào về điều đó.