sequoia national park - © Anvi Hoàng
sequoia national park – © Anvi Hoàng

—– Read the English version —–

Để kết thúc loạt bài này một cách công bằng, tôi muốn giới thiệu đến các bạn tiếng nói của chính những người đã và đang là học sinh, sinh viên du học tại Mỹ, hoặc đã ra trường. Qua câu chuyện của những bạn trẻ sau đây, các bạn có thể tìm hiểu những gì đang xảy ra trong cuộc sống của họ, hoặc biết được những gì có thể chờ đợi họ ở cuối đoạn hành trình du học này. Các câu trả lời gốc là bằng tiếng Anh, trừ trường hợp có ghi chú. Phần dịch sang tiếng Việt là do tôi thực hiện.

Trương Triệu Mẫn, qua Mỹ từ lớp 9, hiện là sinh viên đại học.

1- Bạn có khuyến khích các học sinh Việt Nam ở Việt Nam nên đi Mỹ để học? Tại sao có hoặc tại sao không?

Tôi hoàn toàn khuyến khích các bạn của tôi ở Việt Nam (hoặc bất cứ người nào ở những nước khác trên thế giới) đi Mỹ học. Từ những gì mà tôi may mắn được thấy và trãi nghiệm, hệ thống giáo dục ở Mỹ có những cơ hội tuyệt vời cho sinh viên học hỏi và phát triển. Các trường đại học ở Mỹ cũng có cơ sở vật chất và phương tiện kỹ thuật tốt nhất cho sinh viên.

2- Cho đến thời điểm này, những bài học đáng giá nhất ở Mỹ mà bạn đã học được là gì? 

Xung đột văn hóa là chuyện có thật!! Không phải ai cũng hiểu cách bạn suy nghĩ và bạn cũng chưa chắc hiểu được suy nghĩ của họ. Giữ liên lạc với gia đình bên nhà là điều rất quan trọng. Không nên thay đổi hoàn toàn cách suy nghĩ của bạn và làm những chuyện chỉ để cho mình giống người xung quanh.

3- Theo kinh nghiệm của riêng bạn, những học sinh ở Việt Nam muốn đi Mỹ học cần chuẩn bị như thế nào? 

Tôi khuyến khích các sinh viên nên chuẩn bị kỹ khả năng tiếng Anh trước khi qua Mỹ. Một điều đặc biệt khác đáng chú ý nữa là khi qua đây mọi người đòi hỏi bạn phải độc lập. Người nào cũng có lịch trình và cuộc sống riêng, người nào cũng độc lập và mọi thứ xung quanh đều được sắp xếp để vận hành như thế. Cuối cùng là, chuẩn bị tinh thần là bạn sẽ đối mặt với một môi trường hoàn toàn khác hẳn nhưng vô cùng lý thú.

Phương Khanh, qua Mỹ từ lớp 10, hiện là sinh viên trung học (trả lời bằng tiếng Việt).

1- Bạn có khuyến khích các học sinh Việt Nam ở Việt Nam sang du học ở Mỹ không? Tại sao có và tại sao không?

Điều này còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Gia đình có điều kiện như thế nào và quan trọng nhất là bản thân có thật sự muốn đi du học không. Nếu thật sự muốn đi du học thì phải xác định trước tương lai của mình khi sang du học. Phải có kế hoạch trước rồi mới quyết định.

Nếu gia đình có điều kiện và bản thân cũng thật sự muốn đi thì nên đi du học.

2- Những cám dỗ trên đất Mỹ là gì và bạn đối phó với chúng ra sao hoặc làm sao để thoát khỏi chúng mà vẫn giữ được bản sắc cá nhân của bạn?

Những cám dỗ ở Mỹ thì mình cũng chưa trải nghiệm nhiều lắm. Nhưng mình quan sát thì thấy được có một số bạn hút điếu ống (shisha). Điều này rất hại cho sức khỏe. Để giữ mình trước những cám dỗ thì mình phải suy nghĩ về hậu quả trước khi mình làm. Đặt mình vào vị trí của gia đình, xem họ sẽ nghĩ gì và xem xét có nên làm hay không.

3- Cho đến thời điểm này, những bài học đáng giá nhất ở Mỹ mà ban đã học được là gì?

Thật sự đến bây giờ, bài học lớn nhất và quan trọng nhất mà mình học được là “Có đi xa mới biết tình cảm gia đình quý giá như thế nào”. Đến lúc nhớ nhà nhất cũng là lúc mình nhận ra rằng mình nên quý những lúc mình được ở bên gia đình. Bài học thứ hai mình học được là sự tự lập và mạnh mẽ vượt qua những khó khăn mà trước đây chưa bao giờ mình nghĩ mình làm được. Hơn nữa mình được học những điều mới về nước Mỹ. 

4- Theo kinh nghiệm của riêng bạn, những học sinh ở Việt Nam muốn đi Mỹ học cần chuẩn bị những gì?

Trước hết là tinh thần và tâm lý. Trong trường hợp không có gia đình bên cạnh thì nên có những kỹ năng có thể tự chăm sóc bản thân. Cần có người bảo hộ ở Mỹ để tiện cho việc ăn ở và học hành. Và một yếu tố nữa cũng quan trọng không kém là tiền học và tiền sinh hoạt. Cần phải chuẩn bị mọi thứ hoàn hảo trước khi lên đường đi du học.

Nguyễn Hải Ninh, qua Mỹ từ lớp 12, hiện là sinh viên trong chương trình thạc sĩ.

1- Bạn có khuyến khích các học sinh Việt Nam ở Việt Nam nên đi Mỹ để học? Tại sao có hoặc tại sao không?

Tôi khuyến khích các bạn ở Việt Nam đi Mỹ học vì những lý do sau đây:

– Môi trường học tập quý báu. Bạn được thầy cô giáo giúp đỡ ngoài giờ học. Bạn có cơ hội trình bày ý tưởng của mình qua những bài thuyết trình và nói trước đám đông. Tôi không nghĩ bạn có những cơ hội như thế ở Việt Nam.

– Tính tự lập. Bạn sẽ được học cách sống tự lập, tự nấu ăn, tự giặt áo quần.

2- Những cám dỗ trên đất Mỹ là gì và bạn đối phó với chúng như thế nào hoặc làm sao để thoát khỏi chúng mà vẫn giữ được bản sắc cá nhân của bạn?

Có những điều cám dỗ sau mà sinh viên Việt Nam có thể sa vào:

– Ăn mì ăn liền vì không có khả năng nấu nướng. Học nấu ăn ở Việt Nam để tránh điều này là quan trọng. Mì ăn liền không cung cấp đủ chất dinh dưỡng cho bạn để hoạt động suốt ngày. Tôi đã phải trả giá đắt cho học bài học này.

– Cho rằng mọi thứ bạn học được từ văn hóa Mỹ là tốt. Phải giữ những giá trị văn hóa Việt Nam tốt, đồng thời tiếp nhận những điều tốt từ văn hóa Mỹ, ví dụ như nhìn thẳng vào mắt người đối diện khi nói chuyện, ăn uống thì ngồi cho ngay ngắn, giữ gìn vệ sinh sạch sẽ, vân vân.

– Đối với những bạn qua bên đây và ở với gia đình bà con hoặc bạn bè thân thuộc, nên nói tiếng Việt ít đi khi ở nhà. Tôi không nói rằng bạn không nên nói tiếng Việt, nhưng vì bạn qua đây là để học tiếng Anh, vậy thì hãy nói tiếng Anh. Sau khi bạn có thể giao tiếp tốt bằng tiếng Anh rồi thì có thể nói tiếng Việt lúc nào bạn muốn.

3- Cho đến thời điểm này, những bài học đáng giá nhất ở Mỹ mà bạn đã học được là gì?

Tôi học được tính tự lập.

4- Theo kinh nghiệm của riêng bạn, những học sinh ở Việt Nam muốn đi Mỹ học cần chuẩn bị như thế nào? 

Một trong những điều quan trọng nhất mà tôi phải phấn đấu nhiều nhất trong năm đầu tiên tôi qua bên đây là nói tiếng Anh và làm sao hiểu người bản xứ. Vì vậy, các bạn nên thực tập nói tiếng Anh với giáo viên của bạn, và cố gắng xem nhiều sô tiếng Anh hơn. Ngoài ra, nên chuẩn bị tinh thần để học văn hóa Mỹ bởi vì đó quả là một thách thức lớn lúc ban đầu. Cuối cùng là học cha mẹ bạn cách nấu ăn bởi vì bạn sẽ phải tự nấu nướng khi qua ở bên đây.

N., qua Mỹ học đại học, đã có bằng thạc sĩ, hiện đang làm việc tại Mỹ.

1- Bạn có khuyến khích các học sinh Việt Nam ở Việt Nam nên đi Mỹ để học? Tại sao có hoặc tại sao không?

Tùy vào các bạn ấy. Họ phải tự trả lời câu hỏi tại sao họ muốn đi nước ngoài học. Tôi chưa từng khuyến khích ai đi học ở Mỹ cho dù là điều kiện tài chánh của gia đình họ tốt và điểm số học hành của họ ra sao. Tôi chọn cách thảo luận với họ và cha mẹ họ theo hướng tìm hiểu xem hoàn cảnh giáo dục của họ và họ quan tâm đến vấn đề đi du học như thế nào. Một điều mà tôi nói trước với họ khi bàn đến chuyện này là hãy chuẩn bị để hy sinh tất cả những gì bạn yêu thích ở Việt Nam khi bạn mới tới Mỹ.

Nếu người sinh viên có ước muốn cầu tiến, tôi sẽ khuyến khích họ theo học sau đại học và một sự nghiệp ở Mỹ bởi vì đây là môi trường tuyệt vời để phát triển cá nhân và sự nghiệp (nhưng nên nhớ rằng không có bảo đảm dẫn đến thành công). Đối với những bạn không chắc chắn [là muốn đi học hay không], tôi khuyên họ tự khám phá bản thân và tìm hiểu xem ước muốn sâu xa của họ trong tương lai là gì rồi mới có lời khuyên. Những người chỉ quan tâm đến vấn đề tài chánh, vật chất và danh vọng, lời khuyên của tôi cho họ là những gì họ có ở Việt Nam hiện tại là tốt hơn. Đi học nước ngoài không dành cho tất cả mọi người.

Theo kinh nghiệm của riêng tôi, chỉ những người có tinh thần cầu tiến mới có khả năng chịu được những thách thức trên đường đi để cuối cùng đạt được điều họ mong ước. Lúc đó khi nhìn lại thời điểm đã qua, cha mẹ họ tin rằng đầu tư vào giáo dục ở Mỹ là đúng, và quãng thời gian trãi qua ở Mỹ và trưởng thành là một chương đẹp trong những chặng đường đời của họ.

(Ghi chú ngoài lề: hơn phân nửa số sinh viên du học người Việt Nam mà tôi biết trong những năm đại học đều quay về Việt Nam sau khi ra trường mà không có kinh nghiệm làm việc và học sau đại học [ở Mỹ]. Một số khác cố gắng ở lại học cao học và tìm việc nhưng rồi cũng quay về Việt Nam vì không tìm được việc làm. Chỉ có 4-5 người trong số 15 người này ở lại Mỹ với visa H1B để làm việc (ai trong số họ cũng có bằng thạc sĩ) hoặc là sinh viên trong chương trình tiến sĩ. Tôi đã gặp và làm việc với 3 sinh viên hoặc cha mẹ họ về chương trình đi học trung học ở Mỹ. Tôi khuyên một người qua Mỹ học trung học và lên cao nữa, một người nên ở Việt Nam, và người sau cùng là em gái tôi. Nó không có lựa chọn nào khác nên qua Mỹ học từ bậc trung học. Và chúng tôi cùng nhau tìm kiếm và mở trói tính cách cầu tiến của nó.)

2- Những cám dỗ trên đất Mỹ là gì và bạn đối phó với chúng như thế nào hoặc làm sao để thoát khỏi chúng mà vẫn giữ được bản sắc cá nhân của bạn?

Theo tôi, đi du học là một sự kiện quan trọng làm đảo lộn cuộc sống con người ta và thường gây ra sự mất thăng bằng về tâm lý. Những người có khả năng đi du học không thiếu thốn về vật chất. Nhưng họ thèm sự hỗ trợ về tinh thần và cái môi trường quen thuộc họ có ở quê nhà nơi mà bạn bè, bà con, gia đình luôn ở xung quanh. Những gì mà chúng ta gọi là cám dỗ có thể đơn thuần chỉ là phương thức mà học sinh du học lựa chọn để đối phó với những rào cản về ngôn ngữ, sốc văn hóa, và sự cô đơn.

Tiệc tùng, bài bạc, cá độ hoặc bất cứ cái gì người ta có thể nghĩ tới như là một cách thoát khỏi cái thực tế khắc nghiệt của việc đi du học đều có thể được gọi là cám dỗ. Nếu những cách đối phó này đem lại kết quả tích cực, chúng ta sẽ xem chúng như là bình thường. Nếu những cách đối phó này đem lại kết quả tiêu cực, chúng ta sẽ xem chúng như là cám dỗ. Không cần biết chúng là gì, điều quan trọng là học cách biến cái ghiền của cám dỗ thành một điều gì đó có ích.

Cám dỗ thường có khuynh hướng dễ dàng chiếm hết thời gian và sức lực của người theo đuổi nó. Nếu họ nhận ra rằng đam mê cũng chiếm hết thời gian và sức lực của người theo đuổi nó thì họ có thể bước qua cái ranh giới mỏng manh này mà dùng hết thời gian và sức lực họ dành cho cám dỗ biến nó thành nỗi đam mê để mài nhọn một kỹ năng có ích.

Điều thú vị là theo tôi, một người tiêu cực thường có cơ hội thành công ngang bằng hoặc thậm chí lớn hơn một người “tốt” bình thường, nếu như người đó biết cách biến niềm đam mê sai lạc của mình thành một lợi thế cạnh tranh cho riêng họ. Cám dỗ cho họ sức táo bạo mạnh hơn để làm liều. Vì vậy, họ có thể trở thành người có nhiều kinh nghiệm hơn với một loại kiến thức toàn diện về một vấn đề nào đó so với bất kỳ người nào khác. Ví dụ một chuyên gia về thuế có thể đã từng là một tội phạm văn phòng (white-collar criminal) [ví dụ như trốn thuế, lừa đảo chứng khoán, quịt tiền người đầu tư]. Một số nhà phân tích tài chính hoặc quản lý chứng khoán tư có thể từng là người nghiện cờ bạc nặng trong quá khứ.

Cuối cùng thì theo tôi, các loại cám dỗ là điều không quan trọng, miễn là sinh viên biết cách biến sự ghiền cám dỗ thành nỗi đam mê để mài sắc một kỹ năng hoặc biến mình thành một chuyên gia về một đề tài nào đó. Và người ta không cần lo lắng về sự cám dỗ. Thậm chí tiếp cận cám dỗ còn có thể là một điều tốt nếu như đó là điều cần thiết để người ta khám phá niềm đam mê hoặc tài năng đặc biệt của mình.

3- Cho đến thời điểm này, những bài học đáng giá nhất ở Mỹ mà bạn đã học được là gì?

– Thành công là khi cơ hội gặp sự chuẩn bị (cho nên đừng tin rằng chỉ những người thông minh hoặc may mắn là sẽ thành công trong cuộc đời.)

– Người chủ sẽ không hề hỏi tới điểm trung học, đại học, hoặc cao học của ứng viên cho dù họ thấy mình liệt kê cái bằng thạc sĩ trong hồ sơ xin việc.

– Không học giỏi ở Việt Nam không có nghĩa là bạn không thể học ở Mỹ. Học sinh Việt Nam thường bị khớp vì quá trình chọn lọc qua các bài kiểm tra hoặc các cuộc thi tuyển. Ở Mỹ thì không như thế. Người ta khuyến khích học cao học cho toàn dân, chứ không giới hạn cho người có đặc quyền, bởi vì một nhà giáo dục giỏi là người có thể dạy bất kỳ ai chứ không phải chỉ dạy những người học giỏi nhất lớp được chọn lọc qua các kỳ thi.

4- Theo kinh nghiệm của riêng bạn, những học sinh ở Việt Nam muốn đi Mỹ học cần chuẩn bị như thế nào?

  • Kỹ năng nghe và nói tiếng Anh
  • Kỹ năng viết cũng rất có ích
  • Chuẩn bị tinh thần để chịu đựng sốc văn hóa, sự cô đơn, và vật lộn với trường lớp.
  • Đầu óc cởi mở để tiếp nhận văn hóa mới, thói quen và phong tục mới. (Đôi khi điều này cũng có nghĩa là những gì cha mẹ hoặc ông bà bạn dạy không còn đúng nữa.)

–> Đọc bài tiếng Anh

Kỳ 1: Cho con đi học ở Mỹ: giải thích thắc mắc và chia sẻ của Hoàng Phương Nhung 

Kỳ 2: Cho con đi học ở Mỹ: Chia sẻ của cặp đôi Hoàng Phương Nhung và Glen Tatum