P.Q. Phan phổ nhạc một số bài thơ của Hồ Xuân Hương. Thay cho bài giới thiệu, sau đây là lời giải thích của P.Q. Phan về loạt bài hát này, và trích dẫn về Hồ Xuân Hương theo lời John Balaban trong cuốn sách của ông: Spring Essence: The Poetry of Hồ Xuân Hương.
Spring Confession (2004) (14’) – Thơ Hồ Xuân Hương, bản dịch tiếng Anh của John Balaban.
Được viết tặng cho Patricia Stiles. Loạt bài hát này phản ánh cảm nhận nội tâm và niềm tin về xã hội quan trọng nhất của Hồ Xuân Hương. Chúng thể hiện tưởng tượng của tôi về cách nhà thơ đã cất tiếng hát ra sao nếu như không viết thành thơ. Giọng hát của người ca sĩ và tiếng nhạc đệm của đàn piano hợp thành một cá tính thống nhất, thỉnh thoảng hỗ trợ nhau, thỉnh thoảng khiêu khích nhau (PQ Phan).
Hồ Xuân Hương (1760-1830) là một nhà thơ đi trước thời đại. “Điều đáng kinh ngạc trước hết về thơ Hồ Xuân Hương là bà đã có thể làm thơ. Nghĩ mà xem, bà là đàn bà, sáng tác thơ trong một xã hội mang truyền thống Khổng giáo và coi trọng đàn ông. Thế mà thơ bà lại được ca ngợi lập tức vào thời điểm đó và vẫn tiếp tục được ca tụng. Mặc dù trong xã hội Việt Nam đàn bà trước nay vẫn giữ những chức vụ quan trọng, ví dụ thỉnh thoảng làm vua làm tướng, thường xuyên hơn là làm cố vấn cho vua quan, và hầu như lúc nào cũng lo về vấn đề quản lý tài sản, nhưng rất ít người đàn bà nào được ca tụng là nhà thơ. Điều này có lẽ là do ít người được học văn chương theo khuôn khổ nghiêm ngặt như kiểu các thư sinh học để dự các kỳ thi quốc gia hy vọng tìm được một chỗ đứng trong hệ thống quan chức đã cai trị Việt Nam từ năm 939 đến thế kỷ 20.”
“Hơn nữa, Hồ Xuân Hương chọn viết thơ bằng chữ Nôm thay vì là chữ Tàu, là ngôn ngữ của giới quan lại xưa. Việc bà chọn chữ Nôm, cũng giống như trước kia Chaucer chọn viết bằng tiếng Anh và Dante chọn viết bằng tiếng Ý, đem lại cho thơ của bà một chiều kích đặc biệt mang đậm tính Việt Nam, đầy những cách ngôn và từ ngữ của người bình dân.”
“Còn đối với thái độ gợi tình, Hồ Xuân Hương dựa vào kiến thức bình dân nằm ẩn trong thơ ca và tục ngữ truyền thống dân gian. Dưới ngòi bút văn học của Hồ Xuân Hương, thái độ gợi tình này đúng ra phải được hiểu như là sự phản kháng chứ không phải là sự bức xúc về tâm lý tình dục như nhiều nhà phê bình đã phán” (John Balaban, 2000).
********
Read the English version.
Nghe Patricia Stiles hát Spring Confession – loạt bài hát phổ thơ Hồ Xuân Hương của P.Q. Phan. Chọn mục “VOCAL” khi trang web mở ra.
Tự tình I
Tiếng gà văng vẳng gáy trên bom,
Oán hận trông ra khắp mọi chòm.
Mõ thảm không thua mà cũng cốc,
Chuông sầu chẳng đánh cớ sao om?
Xuyên ngang mặt đất, rêu từng đám,
Đâm toạc chân mây, đá mấy hòn.
Ngán nỗi xuân đi xuân lại lại,
Mảnh tình san sẻ tí con con.
Bánh trôi nước
Thân em vừa trắng, lại vừa tròn,
Bảy nổi ba chìm với nước non.
Lớn nhỏ mặc dù tay kẻ nặn,
Mà em vẫn giữ tấm lòng son.
Quả mít
Thân em như quả mít trên cây
Da nó xù xì, múi nó dầy
Quân tử có thương thì đóng cọc,
Xin đừng mân mó, nhựa ra tay.
Tự tình II
Canh khuya văng vẳng trống canh dồn.
Trơ cái hồng nhan với nước non.
Chén rượu hương đưa, say lại tỉnh,
Vừng trăng bóng xế, khuyết chưa tròn.
Trước nghe những tiếng thêm rầu rĩ,
Sau giận vì duyên để mõm mòm.
Tài tử , văn nhân ai đó tá?
Thân này đâu đã chịu già tom.
Làm lẽ
Chém cha cái kiếp lấy chồng chung!
Kẻ đắp chăn bông, kẻ lạnh lùng,
Năm thì mười họa nên chăng chớ,
Một tháng đôi lần có cũng không …
Cố đấm ăn xôi, xôi lại hỏng,
Cầm bằng làm mướn, mướn không công.
Thân này ví biết dường này nhỉ,
Thà trước thôi đành ở vậy xong.
Tự tình III
Chiếc bách buồn vì phận nổi nênh,
Giữa dòng ngao ngán nỗi lêng đênh.
Lưng khoang tình nghĩa dường lai láng,
Nửa mạn phong ba luống bập bềnh.
Cầm lái mặc ai lăm đỗ bến,
Giong lèo thây kẻ rắp xuôi ghềnh.
Ấy ai thăm ván cam lòng vậy,
Ngán nỗi ôm đàn những tấp tênh.
********
–> Patricia Stiles nói về việc hát Hồ Xuân Hương. –> The English version.
–> Patricia Stiles nói về chuyện huấn luyện ca sĩ opera. –> The English version.