Hội nhập ở tuổi 70
OLYMPUS DIGITAL CAMERA

Cao Thu Cúc (khách mời)

Cao Thu Cúc là giáo sư Việt văn về hưu. Bà từng dạy ở trường Bùi Thị Xuân (Đà Lạt), Gia Long/Minh Khai (Sài Gòn). Năm 2011, bà với chồng quyết định sang Mỹ định cư để ở gần các con của mình. Cuộc sống nơi đất khách quê người đầy bỡ ngỡ. Hội nhập vào cuộc sống ở Mỹ vào tuổi 70 như bà vào lúc này như bước vào một con đường kỳ lạ. Những gì chờ đợi bà ở đây cũng là những ngạc nhiên cho chính bà. Xin mời các bạn cùng bà khám phá cuộc hành trình này.   

*****

Tôi đến Mỹ vào đầu mùa xuân. Nắng ấm nhanh chóng xua đi bầu không khí giá lạnh của mùa đông. Cây cối vươn mình đón chào sự sống. Hoa bắt đầu nở rực rỡ khắp nơi. Hoa dại nở rực, vàng, tím, đỏ… suốt cánh đồng hoang.

 Thói quen kỳ lạ

Chúng tôi đến Colorado, người em chồng chở chúng tôi đi dạo khắp đồi núi phố phường. Đi vào siêu thị, nhà hàng, tiệm sách, trạm xăng… Đi đâu tôi cũng thấy mọi người chào anh chàng phi công đẹp trai cao lớn này. Ngạc nhiên chồng chất, cuối cùng chồng tôi hỏi?

– Ủa, T. quen nhiều người vậy hả? Sao anh thấy ai cũng chào T. cả vậy?

Anh chàng đẹp trai cười ha hả:

-T. là người đẹp trai mà, họ không chào T. thì chào ai?

-Anh hỏi thật, T. quen với họ hả?

Người em chồng lại cười một tràng dài:

-Anh chị ơi, người Mỹ là một dân tôc đặc biệt, họ rất vui vẻ và thân thiện. Khi ra khỏi nhà, không cần quen biết, thấy nhau là họ chào nhau, anh chị cũng phải làm như vậy đi.

Chúng tôi tròn mắt. Một thói quen thật thú vị. 

Đây là bài học đầu tiên tôi học được trên đất Mỹ, không biết trên thế giới này còn có một dân tộc nào có thói quen đẹp như vậy nữa hay không? Làm như họ ư? Thật là quá dễ. Từ đó trở đi, chúng tôi nhanh chóng hoà nhập vào (vòng ngoài thôi) xã hội Mỹ bằng nụ cười rất tươi của mình và tiếng chào ngắn gọn ‘Hi’.

Tôi qua Indiana thăm con gái, thành phố Bloomington rất đặc biệt, một trăm ngàn dân thì có đến bốn mươi ngàn sinh viên. Cảnh sắc tươi đẹp, cây cối, công viên, hoa. Mỗi ngày chúng tôi đều ra công viên đi bộ. Người Mỹ cũng có một thói quen đáng lưu ý nữa là ý thức rèn luyện thân thể. Họ đi bộ, chạy bộ, luyện tập…mỗi ngày. Họ đi trên đường, trong công viên, tập ở phòng tập… buổi sáng trưa chiều, lúc nào cũng có người đi bộ chạy bộ trên side walk (đường dành riêng cho người đi bộ). Buổi sáng đợi nắng ấm lên chúng tôi mới ra khỏi nhà, lúc đó trên đường đã tấp nập, kẻ đi người về, thế là chúng tôi tha hồ chào nhau. Mở đầu một ngày bằng những nụ cười và tiếng chào thân thiện, dù nhỏ, nhưng cũng đủ làm cho tôi thấy vui vẻ phấn chấn, có thể xua tan những buồn phiền chất chứa trong lòng. Nếu gặp một người dẫn theo con vật cưng mà mình chào hỏi nữa (Oh, it’s cute. He or She?…) thì người chủ của nó tỏ ra rất khoái chí và cám ơn rối rít, mối thiện cảm càng tăng lên.

Lòng hâm mộ của tôi càng sâu đậm thêm khi trong cùng một công viên, tôi gặp một người Châu Á, tôi nhìn họ và sẵn sang cười chào với họ như với mọi người xung quanh, nhưng lạ lùng thay, người đó đã lạnh lùng đi thẳng. Tôi tự hỏi: Không biết người phụ nữ này vừa mới đến Mỹ như tôi, hay họ chưa ở đủ lâu để những thói quen tốt đẹp của xã hội Mỹ ăn sâu vào cuộc sống của họ? Thật hoàn toàn khác hẳn với người Mỹ da trắng: dù đi trong công viên chạm mặt nhau, hay đi ngoài đường mà nhìn thấy họ ở trong sân trong nhà, chỉ cần ánh mắt của ta nhìn về phía họ là họ đã sẵn sàng mỉm cười thân thiện chào ta.

Đằng sau nụ cười

Từ giã Indiana, chúng tôi qua Minnesota, Maryland, Washingtion D.C, Virginia… đi đến đâu cũng một thói quen đó, chúng tôi đã cười chào biết bao nhiêu người. Nhưng sau tiếng chào ngắn ngủi ấy, sau khi đã đi qua khỏi mắt nhau rồi thì còn lại gì trong lòng họ? Những con nguời cao lớn xinh đẹp mắt xanh da trắng ấy? Tôi còn gì trong lòng họ? Tôi là ai? Tôi tên gì? Tôi từ đâu đến? Họ tên gì? Họ ở đâu? Họ đang làm gì? Chỉ một nụ cười một tiếng chào thoáng qua rồi hết, tôi trở thành vô hình đối với họ. Thật ra, họ rất tốt, nếu lúc đó tôi ngã, tôi cần giúp đỡ, họ sẵn sàng giúp một cách tận tình, nhưng sau những phút giao cảm đầy tình người đó thì hình như không còn gì trong lòng họ. Không một chút vương vấn nghĩ suy. Nếu một lần ngồi trên máy báy, bạn vụng về, hay cố ý, làm đổ cả ly nước lên người họ, vẫn vui vẻ, họ vội vàng đi tìm khăn giấy lau khô nước, không một lời phàn nàn, họ còn giúp bạn lau khô áo cho bạn. Khi máy bay hạ cánh, họ đứng dậy ra đi, và bạn, trở thành vô hình trong mắt họ.

Đi cùng một chuyến bay, ngồi cạnh bên nhau, đến cùng một phi trường, nhưng khi ra khỏi máy bay, dù tôi có muốn theo họ đến chỗ nhận hành lý cho khỏi bị lạc đường cũng không sao theo kịp, ra khỏi máy bay họ đi rất nhanh, một thoáng thôi là không  thấy họ nữa.

Và  tôi, dù đứng giữa rừng người sẵn sàng cười và chào mình một cách thân thiện, tôi vẫn cảm thấy bơ vơ lạc lõng như ở giữa những con người vô hình, và tôi, cũng chỉ là một kẻ vô hình đối với họ.

Và khi về tới nhà con tôi, tôi nghĩ, tôi chỉ là một kẻ xa lạ mới đến và biết đâu đó, họ có thể là một người láng giềng bí ẩn, không giao lưu, không có thân tình, hiện đang ở cách tôi không xa?

San Jose, 2011

–> Trở về Hội nhập ở tuổi 70