vietnamese

—– Bài đăng trên Nhật Báo Viễn Đông —– Read the English version —– 

Vay mượn là chuyện tạm thời. Vì vậy mà cái ngày người Việt không phải dùng nét chữ tượng hình của Trung Quốc để viết rồi cũng qua. Từ năm 1919, người Việt đã có chữ viết riêng để ghi lại đúng tiếng nói của mình. Tiếng Việt mới phản ánh những ảnh hưởng không tránh khỏi của nước ngoài lên đất nước Việt Nam. Nó dùng mẫu tự Latin abc có các dấu móc và huyền hỏi ngả nặng v.v. Chính các dấu này là một trong những điểm đặc trưng của tiếng Việt.

Là một người khư khư ôm giữ Việt Nam trong lòng một cách ‘quá khích’, tôi cho rằng tiếng Việt không dấu không phải là tiếng Việt. Vậy thì tại sao khi sử dụng internet, email, Facebook tôi lại bỏ đi các dấu trong tên họ của mình một cách thật dễ dàng, như nháy mặt vậy? Tôi không có sự lựa chọn nào khác? Hoặc tôi làm theo thói quen? Hoặc tôi cho rằng như thế là hội nhập toàn cầu? Nghĩ lại mà xem.

Trước khi có kỹ thuật

Năm 2001, vài tháng sau khi đặt chân lên đất mỹ, tôi bắt đầu đọc sách viết về cuộc chiến mà người Mỹ gọi là ‘chiến tranh Việt Nam’. Tôi nổi điên lên mỗi khi đọc những câu trích dẫn bằng tiếng Việt mà không có dấu. Cho dù có văn cảnh hẳn hoi, nhưng rất nhiều khi tôi chả hiểu được những câu đó chính xác là nói gì và người viết có dịch đúng hay không. Tên Việt Nam thì còn tệ hơn. Đôi khi không đoán được nữa kìa. Đã nói tiếng Việt không dấu không phải là tiếng Việt mà.

Tuy nhiên, hãy tạm gác chuyện tiếng Việt không dấu nói chung qua một bên vì đề tài này lớn hơn phạm vi bài viết này. Ở đây chỉ bàn đến tên tiếng Việt trên internet thôi. Và tôi nghĩ đến ‘thân phận’ cái tên Việt Nam của mình mà buồn. Tôi xem mình là người Việt, tiếng Việt là tiếng mẹ đẻ của tôi, và tôi có một lòng yêu mến đặc biệt đối với tiếng Việt. Không những thế, cứ đụng đến chuyện văn hóa, con người Việt Nam là tôi phải ‘giữ khư khư’. Nhưng khi dùng internet, email và Facebook, tôi không gõ tên tiếng Việt của mình có dấu được.

Sang thế kỷ 21 được vài năm, đối với những người thế hệ của tôi, có thể nói cuộc sống không thể ‘sống’ được nếu không có internet. Nhưng đồng thời tôi cũng biết rõ là việc đánh tiếng Việt có dấu đàng hoàng trên internet vào lúc này vẫn còn khó khăn. Thế là tôi cứ phải đánh tên của mình không có dấu. Dần dà, những cái tên Việt Nam không dấu trở nên quen thuộc đối với tôi đến mức thân tình.

Mặc dù các chương trình đánh tiếng Việt trên mạng là cho không, nhưng cũng chỉ dùng được chúng để đánh tiếng Việt trong văn bản thôi. Chứ dấu tiếng Việt không thích hợp với các chương trình internet hoặc các trang mạng. Nhiều khi đánh dấu không ‘ăn’ còn làm cho cái tên Việt Nam trở thành buồn cười là đằng khác. Vì vậy có thích hay không thì khi tôi mở tài khoản email trên mạng tôi đều phải gõ tên mình không có dấu.

Và tôi cũng đánh tên tiếng Việt của mình không dấu mỗi khi phải tạo tài khoản ‘chát’ hoặc mua sắm vu vơ trên mạng. Vừa email, vừa mua sắm, vừa Facebook, tôi làm như thế nhiều lần đến nỗi nó trở thành một phản xạ vô ý thức mà vô tình phản bội chính bản thân mình. Rồi thì bực bội lại xảy ra khi tôi nhìn thấy những cái tên Việt Nam trong email, hoặc trên Facebook mà tôi không biết chính xác là nên đọc như thế nào cho trúng — đã không dấu, người ta còn có thể đổi vị trí của tên và họ nữa. Ví dụ Hoang Le Ha: là Hoàng Lê Hà, Hoàng Lệ Hà, Hoàng Lê Hạ, Hà Lê Hoàng, Hà Lệ Hoàng, hay Hà Lễ Hoàng??? Cái tên thế này đọc kiểu nào cũng có thể trúng! Đúng là không biết đường nào mà mò. Tôi đổ tội cho khoa học kỹ thuật.

vietnamese-2

Sau khi có kỹ thuật

Nhưng trách móc đã là chuyện cũ. Ngày nay, kỹ thuật vi tính với chương trình Unicode 4.0 (ra mắt lần đầu vào năm 2003 nhưng lúc đó tôi không để ý mấy cho đến vài năm gần đây) đã phát triển đến mức người ta có thể đánh tiếng Việt có dấu ở bất kỳ đâu như trở bàn tay: trong email, trong mọi khung tìm kiếm, trên tất cả các trang mạng. Ở đâu chúng cũng hiện lên chính xác.

Thế nhưng đến lúc này thì tôi đã quen với cái tên tiếng Việt không dấu trong nhiều năm, vì vậy khó mà xóa đi ấn tượng những cái tên không dấu quen thuộc để đổi sang đánh tên có dấu. Quen đến nỗi tôi không cảm thấy nhu cầu cần thay đổi.

Rồi một ngày, Trung Quốc lại ăn hiếp Việt Nam… Rồi một ngày, một người lạ trong bữa tiệc hỏi tôi: “Bạn có phải là người Trung Quốc không?”… Rồi một ngày, ngày càng nhiều người Mỹ gốc Việt tham gia vào ‘chiến trường’ chính trị ở Mỹ… Rồi một ngày, tiếng tăm và tiếng nói của cộng đồng người Việt lưu vong ở Mỹ càng mạnh và càng lan rộng… Rồi một ngày, tôi bắt đầu viết cho một tờ báo tiếng Việt ở Quận Cam… Rồi một ngày, tôi có một trang mạng riêng. Tinh thần tự hào người Việt và tự hào dân tộc bắt đầu ‘dư thừa’ quá cỡ… Những cái tên không dấu trở nên ‘ngứa mắt’ quá. Trong trường hợp của tôi, nhìn chữ “Hoang”, người nước ngoài có thể nghĩ đó là tên của người Tàu hoặc người Đại Hàn. Tôi lại muốn họ ‘nhìn’ và ‘thấy’ tôi như là một người Việt cơ. Thế là tôi đánh dấu vào họ của mình.

Rồi tôi phát hiện ra: chuyện thêm dấu này không bao giờ trễ. Bây giờ những chương trình gõ dấu tiếng Việt đầy trên mạng. Người ta có thể chọn lựa hoặc là UniKey, hoặc là VPSKeys, v.v… Chương trình nào cũng rất nhẹ nhàng, tải vào máy thuận tiện. Và khi can dấu (icon) đã hiện trên màn hình rồi thì việc đánh tiếng Việt chính xác chỉ là một tích tắc nhấn chuột mà thôi. Unicode thì đã được cài sẵn trong máy tính rồi. Tôi muốn đánh tiếng Việt có dấu vào đâu cũng ‘ăn’ được.

Tôi bèn vào tài khoản email và Facebook của mình, đánh dấu vào tên họ cho đầy đủ. Ô kìa, những cái tên hiện lên, với dấu hẳn hoi, không bị biến dạng. Lần đầu tiên những cái tên trên mạng của tôi “nhìn” đúng y như cái tên cha mẹ đã đặt. Một niềm vui sướng lâng lâng khó tả tràn vào lòng. Thế kỷ 21 có khác. Đúng là khoa học kỹ thuật!!

Tuy nhiên, tôi không có ý đánh dấu vào tên họ của mình trong các hồ sơ mang tính pháp lý ở Mỹ đâu nhé. Lý do đơn giản thôi: không tài nào người Mỹ có thể đánh đúng dấu tiếng Việt trong tên của tôi. Mà tôi có nộp hồ sơ trên mạng đi chăng nữa thì cũng không bảo đảm là những cái tên của tôi xuất hiện trong hệ thống điện tử ở Mỹ với nguyên các dấu mà không biến dạng. Vì những lý do như an ninh hoặc tùy theo chính sách ở mỗi nơi, không phải hệ thống điện tử nào ở các cơ quan (nhà nước hoặc tư nhân) cũng cho phép giữ các dấu tiếng Việt. Tất cả đều là những yếu tố tôi không kiểm soát được, không nên làm liều. Cho nên chắc ăn, tôi chỉ bỏ dấu vào những nơi tôi biết chắc mình có thể kiểm soát được: email và Facebook. (Và tài khoản mua sắm vớ vẩn trên mạng.)

Vậy thì suy nghĩ kỹ xem!

Hầu hết người nước ngoài không biết rằng tiếng Việt dùng mẫu tự Latin abc như tiếng Anh vậy. Họ nghĩ tiếng Việt cũng dùng nét chữ tượng hình như tiếng Trung Quốc hoặc Nhật vậy. Muốn cho người ta biết điều đó thì sao? Cũng dễ thôi: nhìn những tên Việt Nam có dấu một hồi là quen liền. Nhìn chừng trăm lần thì không quen cũng thành quen. Trong thời buổi hội nhập toàn cầu mà, chuyện nhỏ.

Tôi bắt đầu mơ: hơn 10 triệu người Việt trong nước hiện có Facebook. Số người dùng email thì nhiều hơn nữa. Bao nhiêu triệu người Việt ở nước ngoài cũng facebook và email đầy đủ. Chừng này triệu người mà không làm được chuyện này hay sao? Nếu muốn thì chúng ta làm được chứ. Hơn nữa, hội nhập toàn cầu nỗi gì mà cái tên Việt Nam của người Việt mà mình cũng không biết đọc thế nào cho đúng?! Nhiều khi đoán tên sai thì bên nào cũng mắc cỡ. Chắc ăn thì cứ nhấn chuột mà thêm dấu thôi.

Mà càng nghĩ đến chuyện “nên đánh dấu hay không nên đánh dấu” tôi càng giận mình. Cái dấu thật ra cũng chỉ là chuyện nhỏ. Chuyện đáng suy nghĩ hơn là: khi tôi bỏ dấu trong tên mình như thế, tôi đã từ bỏ một phần bản sắc Việt Nam của mình. Mà tôi làm chuyện này một cách dễ dàng lắm thay, hầu như không áy náy gì cả. Vậy thì tự hỏi: liệu trước đây tôi đã từ bỏ những gì rồi mà có khi mình cũng không biết? Liệu tôi có sẽ tiếp tục từ bỏ những chuyện gì nữa đây nếu như không biết dừng lại mà suy nghĩ, để mà nhấn chuột thêm dấu??? Cái chuyện bé tí như dấu hỏi dấu móc, có khi tác hại thật sâu xa.

Và tôi tiếp tục mơ… 

–> Đọc bài tiếng Anh 

–> Trở về 1001 thay đổi