Chân dung người Việt thế kỷ 21

—– Bài đăng trên Nhật Báo Viễn Đông —– Read the English version —–
Hoàn toàn chỉ bằng niềm đam mê điện ảnh thuần khiết, Marcus Mạnh Cường Vũ cùng một nhóm khoảng 10 người bạn đã lập ra sân chơi Yxine.com vào năm 2003. Đây là nơi hội của những người yêu thích điện ảnh. Năm 2010, anh cùng các bạn quyết định mở rộng sân chơi thành Yxine Film Fest, gọi tắt là YxineFF. Đây là một Tiệc Phim Ngắn Trực Tuyến Quốc Tế, có nghĩa là các việc gởi phim, tuyển chọn phim, chiếu phim, xem phim, bình chọn và chấm giải phim chủ yếu diễn ra trên mạng.
Chỉ sau ba năm hoạt động YxineFF đã gây được tiếng tăm rất tốt ở Việt Nam, châu Âu và Mỹ, và đã thu hút được người làm phim và yêu thích phim, cụ thể là phim ngắn nghệ thuật, khắp nơi trên thế giới. Ở tiệc phim YxineFF 2012, có 150 phim gởi tham dự và 66 phim được chọn trình chiếu, tất nhiên là online và đã thu hút cả triệu lượt xem. Tiệc Phim YxineFF 2013 đã bắt đầu khởi động từ ngày 10/4 tại Sài Gòn, Đà Nẵng, và Hà Nội. Sắp tới, sự kiện khởi động tại Pháp dự kiến sẽ diễn ra vào ngày 14/5 tại L’Auditorium (L’Institut National des langues et Civilisations orientales – INALCO – 65 rue des Grands moulins, 75013, Paris).
Việc kêu gọi gởi phim kéo dài ba tháng, từ 10/4 đến 10/7. Tiệc Phim lần thứ tư này sẽ khai mạc vào ngày 9/9, và bế mạc trao giải vào tháng 12/2013. Đây là một sân chơi với hình thức rõ ràng là rất mới mẻ, nhưng cũng rõ ràng là đã bắt đầu được ủng hộ từ nhiều phía.
Với tư cách là Giám đốc Tiệc Phim, Marcus Mạnh Cường Vũ kể về hoạt động của YxineFF với Viễn Đông như sau.
Hoàn cảnh ra đời của YxineFF như thế nào?
Marcus: Cá nhân tôi cảm thấy năm 2010 là thời điểm thiên thời, địa lợi, nhân hòa. Tôi bước sang tuổi 30, là thời điểm quyết định chính con đường đi của mình. Trước đó thì tôi làm việc kiếm tiền, làm kinh tế, đi dạy học ở trường đại học. Nhưng giờ đã là lúc sống giấc mơ đời mình. Đây là thông điệp cho bản thân tôi, và cũng là cho những người đã chung tay vào làm YxineFF. Tôi đưa ra kế hoạch và may mắn được những người bạn cùng chí hướng, có thời gian, có khả năng cùng góp sức thực hiện. Rồi những người làm trong nghề điện ảnh chuyên nghiệp đồng ý làm giám khảo, đi kêu gọi tài trợ giúp, tuyển phim giúp. Lúc chuẩn bị chúng tôi cũng không chắc chắn nó sẽ thành công hay không. Thực sự chúng tôi làm với tâm thế là mình cứ đi thôi.
Vấn đề tuyển phim được tiến hành ra sao?
Marcus: Lúc đầu là tuyển phim theo kiểu cuốn chiếu, nghĩa là tuyển đến đâu chiếu đến đó. Tuyển được một số phim thấy hay là chúng tôi chiếu ngay, rồi tuyển tiếp, cứ như thế.
Năm đầu chúng tôi làm việc chỉ mang tính chất thăm dò. Phải suy nghĩ tính toán xem mình có nhận được đủ phim không, chất lượng phim có đủ tốt để chiếu không. Chúng tôi biết rằng công tác thuyết phục rất quan trọng do đó năm đầu tôi đã bỏ nhiều thời gian về Việt Nam để gặp gỡ các nhà làm phim, trình bày ý tưởng của mình. Từ năm thứ hai thì việc tuyển phim diễn ra đúng trình tự một liên hoan phim thật sự. Chúng tôi có thời gian kêu gọi gởi phim. Rồi ban tuyển phim chọn lọc phim để chiếu. Rồi ban giám khảo bình chọn trao giải. Mọi người làm việc qua email và chỉ gặp nhau ở lễ trao giải.

Tại sao lại là Tiệc Phim Trực Tuyến (online film festival)?
Marcus: Thứ nhất: Online vì mong muốn tìm đến lượng khán giả lớn hơn. Để người có máy tính hoặc điện thoại mà có kết nối internet cũng coi phim được vào bất cứ lúc nào, ở bất cứ nơi đâu. Bạn hãy tưởng tượng phòng chiếu phim không nằm một chỗ, mà nó di chuyển khắp nơi, nhưng chỉ ra từ một nguồn, đó là trang mạng của YxineFF.
Thứ hai: Online cũng không tốn tiền vì không phải thuê mặt bằng tổ chức sự kiện và chiếu phim.
Thứ ba: Các phim ngắn hiện nay, công nghệ đủ phát triển để người ta xem online nhưng vẫn cảm nhận được phần về nghệ thuật của chúng.
Ngoài các buổi chiếu phim trên mạng, YxineFF còn tổ chức một số buổi sự kiện và chiếu phim ngoài rạp thật?
Marcus: Đúng thế. Bởi vì mục tiêu không chỉ là chiếu phim cho mọi người xem, mà còn là tạo dựng ra một cộng đồng những nhà làm phim ở khắp nơi trên thế giới, để họ hỗ trợ lẫn nhau và tạo ra một network. Đó là lý do tại sao YxineFF tổ chức những buổi sự kiện khởi động (kick off), những buổi giao lưu, chiếu phim, chia sẻ kinh nghiệm tại chỗ ở các thành phố lớn trên thế giới. Ở Việt Nam thì là Hà Nội, Đà Nẵng, Sài Gòn. Ở Mỹ thì Quận Cam, Pháp thì Paris – một năm ít nhất tổ chức hai lần ở Paris. Rồi Phnom Penh, Vancouver (Canada), Berlin (Đức). Những buổi tổ chức như vậy, người đến xem phim không phải chỉ là khán giả bình thường mà là những người làm phim trẻ. Khi đến, họ có cơ hội gặp gỡ nhau, tìm hiểu và biết rằng mình có một cơ hội giới thiệu tác phẩm của mình đến với người khác. Điều đó tạo cho người ta niềm đam mê, thúc đẩy người ta đi con đường mà người ta chọn dài lâu được.
Cho tới nay, tài trợ cho YxineFF ở nơi nào là tốt nhất?
Marcus: Năm đầu tiên, tôi là người phải bỏ tiền túi ra cho một số chi tiêu cần thiết. Đến năm thứ hai chỉ bỏ một phần. Năm thứ ba, là năm 2012, thì không phải bỏ ra đồng nào. Có thể nói tài trợ khá tốt, đủ để làm các việc cần làm, vì mọi người vẫn làm tự nguyện. Cho đến nay, hầu hết tài trợ là từ Việt Nam. Chúng tôi vẫn lấy đại bản doanh để tổ chức các sự kiện lớn là ở Việt Nam. Ví dụ trao giải là làm ở Sài Gòn. Lý do là vì đối tượng chính của YxineFF là cộng đồng Việt ngữ, cộng đồng người gốc Việt. Trang web của YxineFF năm đầu chỉ có tiếng Việt, năm thứ hai thì là Anh-Việt. Bây giờ chúng tôi đang mở rộng tìm kiếm thêm nhiều nguồn tài trợ khác.
Nếu cần họp hành thì ra sao?
Marcus: Chúng tôi làm việc chủ yếu qua email. Những cuộc họp quan trọng thì qua Skype.

Một số buổi chiếu phim ngoài rạp vì mục đích giao lưu của YxineFF là được tài trợ. Vậy người tài trợ rạp chiếu phim được lợi gì từ việc này?
Marcus: Họ được sự chú ý của truyền thông bởi vì khi tổ chức Tiệc Phim chúng tôi thực hiện vấn đề truyền thông rất chuyên nghiệp. Đồng thời, họ cũng thấy được rằng khi họ làm chuyện này thì họ chung tay đưa nền điện ảnh Việt Nam lên. Họ biết rằng nếu muốn có người đi xem phim thì phải có nhà làm phim giỏi, muốn có người làm phim giỏi thì phải có những nơi như YxineFF để đào tạo, chung tay nâng đỡ các bạn trẻ đi trên con đường nghệ thuật của mình dài lâu.
Anh nhìn thấy tương lai của YxineFF như thế nào?
Marcus: Mình phải tin tưởng vào tương lai việc mình đang làm thì mới làm được. Đồng thời tự mình cũng phải thấy những lối ra khác cho phim, ví dụ YxineFF đã phát hành được các bộ phim trên truyền hình Việt Nam. Ngoài việc tổ chức liên hoan phim, YxineFF cũng đại diện phát hành các bộ phim mà các nhà làm phim giao cho mình quyền phát hành. YxineFF đã ký được một số hợp đồng phát hành chương trình ở Việt Nam. Và sau đó có thể vươn ra thế giới nữa. Một số đầu ra khác cho phim là các chương trình giải trí trên máy bay của các hãng hàng không.
Mình phải tin thì mới làm được. Do đó chủ đề năm thứ hai của YxineFF là “Niềm tin”, và đến năm thứ tư này là “Lựa chọn” – nghĩa là chúng ta đã lựa chọn con đường đó thì chúng ta phải đi tiếp.
Theo anh YxineFF cầi gì để tiếp tục phát triển?
Marcus: Quan trọng nhất là mỗi năm phải làm được tốt hơn năm trước. Để làm được chuyện này lâu dài thì tài chính rất quan trọng. Đến một lúc nào đó phải có người làm chính cho YxineFF chứ mọi người không thể làm tự nguyện mãi được. Nhưng đây chỉ là điều kiện cần. Điều kiện đủ là mình phải tiếp tục thuyết phục được những người làm nghề, thuyết phục được khán giả là tương lai của điện ảnh nằm trong tay của những người bây giờ tham gia vào YxineFF. Rằng chúng tôi sẽ ngày càng làm phim tốt hơn, chú trọng chất lượng, nội dung – bởi vì không có nội dung, chất lượng thì quảng cáo bằng trời cũng không đi đến đâu.
* Tìm hiểu thêm về YxineFF tại: www.yxineff.com.
—– Đọc bài tiếng Anh —–
–> Trở về Chân dung người Việt TK21