om—– Read the English version —– 

Thử xem xét các hoạt động người ta làm hàng ngày sẽ thấy rằng hầu hết người ta hành động theo thói quen. Nghĩ lại xem, mỗi ngày trôi qua, có điều gì ta làm mà không theo thói quen không?? Vậy có nghĩa là nếu muốn người ta thay đổi trong hành động thì chỉ cần họ tập thói quen mới! Nghe thì đơn giản, mà khó làm. Nhưng là chuyện hoàn toàn có thể làm được. Vì vậy sau chuyến đi Việt Nam vừa rồi, tôi đang mơ có một thói quen mới mà ước gì người Việt Nam, trong đó có tôi, sẽ tập được.

Tình 

Theo triết gia Kim Định, “sự sống sinh ra tình” và tình ở đây gồm “bao mối tình muôn mặc kể từ yêu ghét đến vui buồn, từ giận dữ đến an lạc…”.

Sự sống càng nhiều thì tình càng nhiều. Nói như thế thì có nghĩa là ở Việt Nam và các nước đang phát triển tình nhiều lắm nhỉ? Đúng như thế, bởi vì ở những nước như Việt Nam, cuộc sống đầy chuyển động, đầy sự thay đổi, nhanh và không ngừng, không chỉ về không gian vật chất mà cả trong các giá trị văn hóa, xã hội. Do đó sự sống ở Việt Nam tươi roi rói, và nó sinh ra nhiều tình. Người nào chạm trán với sự sống tràn trề như thế mà không nảy sinh mối tình cảm nào thì mới là lạ. Trong môi trường sự sống tươi roi rói này, người Việt Nam giận dữ và ghét nhiều, mà vui vẻ yêu thương cũng nhiều. Tuy nhiên biểu hiện tình cần biết cách và đúng cách, và cần sự tập luyện – để cuộc sống nhiều tình diễn ra êm thắm, vui tươi.

Khi tình tràn đầy…

Khi tình đầy thì nó phải tràn. Có nghĩa là sự cảm nhận không chịu nằm trong suy nghĩ mà cần được phát ra ở hành động. Không bàn đến những mối tình muôn mặt trong cuộc sống của con người, ở đây chỉ bàn đến một khoanh tình thôi: tình vui của người Việt Nam trong việc chào hỏi.

Có bao giờ bạn ở trong tình huống như thế này: 5, 10 năm không gặp bạn thân, hôm nay đây hai đứa đối mặt nhau, vui mừng quá, muốn chạy tới ôm bạn một cái, mà tay chân cứ thõng thược ra đó, không cử động được. Miệng muốn reo lên vui sướng, mà mở không ra. Khi tình tràn đầy thì nó được thể hiện ra trong hành động, đây là chuyện rất tự nhiên. Vậy thì điều gì ngăn cản hành động ‘ôm’ và ‘reo’ của bạn, để cuối cùng tay chân đơ cứng và chỉ chào bạn bằng một câu thật vô duyên “Bạn khỏe không?” Chính là vì mình không có sự tập luyện để biểu hiện tình vui trong trường hợp này.

Trong khi đó, bạn lại có thể chào và ôm một người bạn Mỹ rất tự nhiên và thoải mái, cho dù là mới gặp nó tuần trước. Mà cũng không nhất thiết là bạn thân. Chúng ta hay chào và ôm những người bạn Mỹ quen lâu ngày, cho dù là có thật sự có tình cảm với người ta hay không, chỉ bởi vì người Mỹ có thói quen ôm (hug) khi gặp nhau. Khi họ muốn ôm mình thì họ có hành động và mình phải phản ứng theo. Vậy thói quen “không thể ôm bạn người Việt khi gặp nhau hay tạm biệt” của phần nhiều người Việt Nam là từ đâu ra?

Có nhiều lý do. Nhưng tôi thì mắng Khổng Tử và Nho Giáo. Vì ảnh hưởng của triết lý Khổng mà người ta tách rời đời sống tinh thần và thể xác ra riêng, và cho rằng những gì thuộc thể xác là hèn hạ và không đáng nói đến. Chính vì triết lý Khổng mà đàn bà phải “công dung ngôn hạnh”, rằng đàn bà con gái phải đi thế này đứng kiểu nọ ngồi kiểu kia, nói năng thỏ thẻ, không được cười to, vân vân và vân vân. Một sự kiểm soát hành vi con người trái tự nhiên và mang tính cực đoan, phân biệt làm trì trệ sự phát triển.

Một trong những hậu quả tai hại nghiêm trọng của Nho Giáo là phần lớn người Việt Nam từ nhỏ tới lớn không biết “chơi” – chơi nghĩa đen đấy các bạn à. Trẻ con cần phải chơi, vì chơi là để chúng phát triển cơ, xương, cũng như các kỹ năng sử dụng các bộ phận tay chân mình mẩy của cơ thể (motor skills). Chơi chính là cách để chúng quan sát và học cách xử lý những gì diễn ra trong môi trường xung quanh. Qua việc chơi, chúng học cách giải quyết vấn đề, có nghĩa là chúng học cách sáng tạo. Vì không biết chơi và vì không được khuyến khích tự suy nghĩ, tìm tòi, sáng tạo, người Việt Nam nói riêng, và người châu Á nói chung, có tính sáng tạo kém xa người phương Tây. Do đó không lạ là trong lịch sử hiện đại của con người, những phát minh, khám phá, sáng tạo đều đến từ châu Âu và Mỹ chứ không phải từ châu Á. Đó là hậu quả sâu xa của việc không biết chơi.

Còn trước mắt, vì không biết chơi mà tay chân lóng ngóng không biết làm gì, dẫn đến chuyện là muốn ôm bạn một cái để thể hiện sự vui mừng cũng không làm được! Nhưng chuyện này có thể sửa được.

Tất cả đều là thói quen

Người Âu, Mỹ có thói quen ôm hoặc hôn má khi chào nhau. Điều này không có nghĩa là họ nhiều tình cảm hơn người Việt Nam. Chẳng qua là văn hóa họ chuộng khoa học, cái gì họ cũng nghiên cứu cặn kẽ, tổ chức chặt chẽ, cái gì cũng có tên, có chỗ của nó. Cuộc sống được sắp xếp, tổ chức kỹ lưỡng thành nề nếp, thành thói quen. Những thói quen rồi trở thành thông lệ của mọi người và trở thành truyền thống của dân tộc. Nhỏ lớn gì cũng cứ thế mà làm. Người Mỹ gặp nhau lần đầu thì bắt tay. Gặp nhiều lần mà thấy thân quen thì ôm. Đơn giản thế thôi.

Thế ra trong nhiều trường hợp, tình tràn đầy cũng không bằng thói quen nhỉ! Nếu muốn tập thói quen ôm của Mỹ, lần sau gặp bạn thân, cứ nhào tới ôm đại một cái. Làm vài lần là thành quen thôi. Coi như mình tự tập cho mình một thói quen mới, là một cách để điều tiết tình cảm của mình đúng cách, đúng chỗ. Không phải suy nghĩ rắc rối lôi thôi gì nữa. Mà nếu biết điều tiết tình vui trong việc ôm thì cũng có thể làm như thế đối với bao mối tình muôn mặt khác. Chẳng bao lâu, ta cũng sẽ có một cuộc sống được sắp xếp tổ chức bài bản.

Cái hay của một cuộc sống được sắp xếp tổ chức có suy nghĩ là nó có những ‘kênh’ chuyển tải (chanel) để người ta bộc lộ bản thân trong các vấn đề vui buồn tức giận. Ví dụ bực bội trong công việc ư, ra phòng tập yoga hay thể dục 30 phút là hóc môn stress trong người tiêu tan ngay. Do đó, nếu biểu hiện tình đúng cách thì rất có hiệu quả.

Nhân nói đến chuyện điều tiết tình, thử tưởng tượng ngày nay, nếu có thể dồn tình giận của tất cả người Việt Nam vào một kênh và dùng nó vào một mục đích chính là phát triển đất nước! Wow! Đó sẽ là một sức mạnh vô cùng hiệu quả. Hiện tại, ngay cả người Mỹ cũng đang thất bại trong chuyện này (dẫn đến chuyện Chính phủ đóng cửa!) vì những thói quen tốt trong việc biểu hiện tình của họ đang bị thui chột. Người Việt Nam rất giỏi trong việc sử dụng sự tức giận của cả dân tộc trong chiến tranh. Nếu biết sử dụng tình giận này đúng cách trong hòa bình thì chỉ có một đường là đi lên.

–> Đọc bài tiếng Anh 

–> Trở về 1001 thay đổi