Chuyện kể rằng ở xứ Cao Ly, nhà họ Mãng có cô con gái tên là Thị Kính tài sắc nết na. Thị Kính đến tuổi lấy chồng nhưng chưa chịu lấy ai vì muốn ở nhà chăm sóc cho cha già trong cảnh đơn côi. Một ngày kia, có một học trò tên là Thiện Sĩ, con nhà họ Sùng, nghe tiếng nên đến xin làm rể Mãng Ông. Thấy Thiện Sĩ con nhà có học nên Mãng Ông đồng ý gả Thị Kính. Về phần mình, Thị Kính chịu lấy chồng để làm vui lòng cha. Hai vợ chồng chung sống hạnh phúc với nhau.
Ở nhà, Thiện Sĩ chăm chỉ học bài, Thị Kính bên cạnh chăm lo việc đèn đóm, khâu vá. Một đêm nọ, thức khuya học bài đã mệt, Thiện Sĩ bèn ngả lưng trên lòng Thị Kính để nghỉ một giấc ngắn. Thị Kính chợt nhìn thấy nơi cằm chồng nmột sợi râu mọc ngược. Cho rằng đó là một điềm xấu, sẵn có dao khâu, Thị Kính định dùng để cắt nó đi. Mới với tay định cắt thì bất ngờ Thiện Sĩ choàng tỉnh dậy và gạt tay vợ, đứng dậy hét toáng lên kêu cha mẹ. Sùng Ông, Sùng Bà chạy vào, nghe con trai kể, cho rằng con dâu có ý giết chồng. Họ mắng chửi và rồi đuổi Thị Kính về nhà cha đẻ.
Với áp lực xã hội mạnh mẽ trong hoàn cảnh như vậy, Thị Kính muốn tránh tiếng xấu cho cha, đồng thời nghĩ thương thân xót phận đành cải trang thành đàn ông, xin vào chùa đi tu, nguyện dâng hiến cuộc đời mình cho phật pháp. Được Sư Cụ nhận lời, đặt cho hiệu là Tiểu Kính Tâm.
Trong làng có Thị Mầu tính nết lẳng lơ, con của Phú Ông, một trưởng giả giàu có ở vùng ấy. Nhân lên chùa dâng hương trong dịp đi trẩy hội xuân, thấy Tiểu Kính Tâm đẹp người tốt nết, đem lòng yêu mến và tìm mọi cách dụ dỗ. Tiểu Kính Tâm nhất định trốn tránh khước từ. Bị cự tuyệt, Thị Mầu thất tình về nhà dan díu với tên đầy tớ trai tên là Nô. Phú Ông bắt gặp, sợ mang tiếng với dân làng bèn cho tiền và đuổi tên đấy tớ ra khỏi làng.
Kết quả của vụ thông dâm là Thị Mầu chửa hoang. Dân làng bắt khoán việc hoang thai, tra hỏi mãi thì Thị Mầu đổ cho Kính Tâm. Làng mời Sư Cụ và Tiểu Kính Tâm ra đối chất, Tiểu Kính Tâm một mực kêu oan, nhưng Thị Mầu cứ đổ riệt. Kính Tâm bị làng đem ra đánh đập tàn tệ. Nhớ lời Phật dạy, Tiểu Kính Tâm đành nhận tội về mình để giải thoát cho Thị Mầu.
Về lại chùa, Tiểu Kính Tâm van xin Sư Cụ cho mình ở lại nương nhờ cửa Phật, nhưng Sư Cụ vì cớ rằng lệ làng khắt khe, không thể bao che cho Tiểu Kính Tâm được. Không còn cách nào khác Tiểu Kính Tâm đành phải rời bỏ chùa ra đi. Lúc đó, Thị Mầu đẻ con trai và đem đứa bé sơ sinh để ở cửa chùa rồi đi thẳng. Tiểu Kính Tâm đi ra nghe tiếng khóc, thấy thương xót nên ẵm về nuôi.
Hàng ngày Tiểu Kính Tâm bế trẻ đi khắp nơi xin sữa nuôi dưỡng. Cảnh một sư ông bế con đi xin thật là chướng mắt người ta. Họ phỉ nhổ vào Tiểu Kính Tâm và đứa trẻ sơ sinh. Ròng rã 3 năm, sức cũng hao mòn, Tiểu Kính Tâm viết thư tuyệt mệnh kể lại hết nguồn cơn tâm sự, hy vọng một người tốt bụng sẽ nhận đứa bé trai về nuôi, rồi hoá. Sau đó mọi người mới hay Tiểu Kính Tâm là gái giả trai. Nhà chùa lập đàn giải oan cho nàng. Đức Phật động long trước những hy sinh không tính toán của Thị Kính, trong lúc mọi người đang tụng niệm, một đám mây ngũ sắc hạ xuống đàn chay, truyền cho Thị Kính thành đức Phật Quan Âm Thị Kính.
Phỏng theo: Vở chèo Quan Âm Thị Kính, do Vũ Khắc Khoan giới thiệu, Nhà xuất bản Đào Tấn, 1966; và Synopsis of “The Tale of Lady Thị Kính” của P.Q. Phan.
English version here.
Đề nghị An Vi sửa hai chỗ:
1/Thị Kính ……….(.đổi dạng thành đàn ông ) sửa lại: cải trang thành đàn ông…
2/ (Khi ) Thị Mầu đẻ con trai đem đứa bé sơ sinh để ở cửa (nhà )chùa rồi đi thẳng.
( Bỏ chữ ‘khi ‘ và chữ ‘nhà’)