ViFF

* Bài đăng trên Việt Tide, báo tuần Việt-Anh. Read the English version.

Tôi đến Đại Hội Điện Ảnh Việt Nam Quốc Tế (Vietnamese International Film Festival gọi tắt là ViFF) không trông đợi gì. Tôi xem phim. Rồi tôi bị chinh phục. Tôi không những nể nang công sức mà các nhà tổ chức và người tình nguyện đã đổ vào liên hoan phim kéo dài hai tuần lễ này, mà còn thích thú thưởng thức những bộ phim hay được chiếu ở đây.

Part of the ViFF team - Photo from ViFF website.
Đây là một phần đội ngũ hùng hậu của ViFF – Hình từ trang web của ViFF.

Một chút về phim truyện dài

Trước khi liên hoan phim bắt đầu, tin tức và các buổi phỏng vấn trên báo, đài, TV thường nhắc đến một số phim truyện dài cho buổi Khai mạc và Bế mạc. Điểm sơ qua thì thế này.

Ai thích giải trí nhẹ nhàng, muốn cười thư giãn, không muốn suy nghĩ nhức đầu, hoặc muốn xem chuyện tình éo le đầy máu me, xin mời xem các phim truyện dài. Beyond the Mat – đạo diễn Van Phạm, Thiên Mệnh Anh Hùng (Blood Letter) – đạo diễn Victor Vũ, Cưới Ngay Kẻo Lỡ (Love Puzzle) – đạo diễn Charlie Nguyễn, Lấy Chồng Người Ta (In the Name of Love) – đạo diễn Lưu Huỳnh, Đó… Hay Đây? (Here… or There?) – đạo diễn Síu Phạm, Vũ Điệu Đường Cong (Instant Noodle) – đạo diễn Khoa Trọng Nguyễn, đều là phim truyện dài. Một điểm chung của những phim này là chúng đều do các đạo diễn Việt Kiều thực hiện. Trừ phim Beyond the Mat và Đó… Hay Đây?, các phim còn lại là nói tiếng Việt. Tuy nhiên, tính chất Việt Nam trong mỗi phim đó, từ cách ăn mặc, cách nói năng, cách suy nghĩ, cách cư xử kiểu Việt Nam thì thay đổi ít nhiều tùy theo từng phim, và tùy cách từng đạo diễn cảm nhận thế nào là ‘Việt Nam’. Làm tôi thật thắc mắc không biết các phim này có đắc khách lúc được chiếu ở Việt Nam hay không, và người Việt trong nước nghĩ gì về chúng.

Viff-2
Trao đổi với đạo diễn Nguyễn Trọng Khoa (ngồi giữa) về phim Vũ Điệu Đường Cong (Instant Noodle).

Tha hồ phim ngắn nghệ thuật

Đối với những người muốn biết và thích suy nghĩ về các vấn đề văn hóa, xã hội, con người Việt Nam, các phim ngắn sẽ làm hài lòng quý vị. Những phim ngắn này từ 8 phút đến 22 phút. Chúng mang tính nghệ thuật cao. Các chi tiết đều được suy nghĩ và tính toán kỹ, và mang ý nghĩa tượng trưng cao. Về nội dung, chúng miêu tả từ cảnh nghèo của cai nghiện trong Chung Sống (Living Together) – đạo diễn Đặng Đức Lộc, đến nghèo đơn chiếc trong Sữa Mẹ (Mother’s Milk) – đạo diễn Andy Dejohn. Phim mang tựa “16:30” của đạo diễn Trần Dũng Thanh Huy lại là câu chuyện bất ngờ, và có thể là mới biết lần đầu đối với nhiều người, về cuộc sống của các trẻ em bụi đời lăn lộn bán vé dò (là tờ kết quả số đề) kiếm cơm hàng ngày. Một bức tranh thực tế sống động, tội nghiệp, cảm động và đẹp.

A scene from the film 16:30 - Photo from ViFF website.
Cảnh trong phim 16:30 – Hình từ trang web của ViFF.

Tình cảm con người với những thách thức trong cuộc sống hàng ngày là một mảng đề tài khác. Một người cha già đơn chiếc lo lắng cho con gái lớn như thế nào, đạo diễn Lê Hà Nguyên miêu tả nó trong Những Mùa Đông Khác (The Other Winters). Cảnh quay một đôi giày hoặc hai đôi giày được lặp đi lặp lại, đưa khán giả vào trong cuộc sống tình cảm của hai cha con họ, mỗi người một lối sống một thế hệ khác nhau. Nhưng một đứa con trai lớn thì suy nghĩ lại và thay đổi cách sống và tình cảm đối với mẹ (đã mất) nhờ vào cái gì đây? Phim hoạt hình Năm Điều Phạt (Five Punishments) của đạo diễn Dương Minh Lộc cho anh chàng nhân vật chính cơ hội vô tình này.

A scene from the film The Other Winters - Photo from ViFF website.
Cảnh trong phim Những Mùa Đông Khác – Hình từ trang web của ViFF.

Chưa chìm vào trạng thái suy nghĩ miên man được bao lâu thì khán giả bị Một Ngày của đạo diễn Nguyễn Vũ Minh Đức đánh thức. Bộ phim bắt đầu với câu chuyện một anh chàng cứ lết cái xẻng đi từ nơi này qua nơi khác. Phải chăng anh ta là một kẻ giết người? Dễ đoán như thế thì còn gì là phim hay. Hóa ra anh ta dùng cái xẻng để đào mồ, lôi lên một cô người yêu … nửa sống nửa chết. Tình yêu zombie ấy mà! Không tài nào đoán ra. Hấp dẫn và lôi cuốn khán giả cả 20 phút mà không cần nhiều lời như thế, đúng là hay.

Viff-1
Cảnh bên trong và bên ngoài rạp Edwards Cinemas trong khuôn viên trường đại học UC Irvine tại buổi khai mạc Đại Hội Điện Ảnh Việt Nam Quốc Tế ngày 4/4/2013.

Một khía cạnh khác trong tình cảm con người diễn ra trong phim Bán Sách Và Bán Giày (Bookseller and Shoe Seller) của đạo diễn Nguyễn Trí Viễn. Ông bán sách và ông bán giày thì có gì chung? Họ đều là buôn gánh bán rong kiếm cơm qua ngày. Ngồi sát nhau trên một vỉa hè, cùng bị du côn bắt nạt mà không gíup đỡ lẫn nhau thì chỉ làm cho cuộc sống của nhau thêm khốn khổ. Chi bằng bắt tay cười trừ làm bạn cho vui tháng vui ngày. Phim kết thúc với một chi tiết mang tính triết lý sâu sắc: ông bán giày chính là người dạy cho ông bán sách một điều ông học được trong sách. Cuộc sống đôi khi đầy nghịch lý đến thế là cùng!

A scene from the film Bookseller and Shoe Seller - Photo from ViFF website.
Cảnh trong phim Bán Sách Và Bán Giày – Hình từ trang web của ViFF.

Tư tưởng mới hợp thời đại

Ngẫm nghĩ tới lui, một điểm chung được tìm thấy trong nhiều phim ngắn và một số phim dài là cách miêu tả hình tượng nhân vật đàn ông trong các phim. Ở đây, ông nào ông nấy lo làm ăn hết mình. Có lười như anh bán đá lạnh trong Chở Đá Đi Chơi (Go Playing with Ice) của đạo diễn Trần Ngọc Sáng cuối cùng cũng phải thay đổi để trở thành người chồng người cha có trách nhiệm. Nhẹ nhàng và biết chăm lo, những người đàn ông trong phim đang tạo lập lại các mối quan hệ của họ với vợ con, với xã hội, trong hoàn cảnh một nước Việt Nam đang ‘trăn trở’ ở thế kỷ 21.

viff-9
Cảnh trong phim Chở Đá Đi Chơi – Hình từ trang web của ViFF.

Ngoài ra, thật vui là các vấn đề xã hội bức xúc như bắt nạt trong trường học (bully), hoặc vấn đề đồng tính đã được các phim ngắn Việt Nam xử lý rất hay và nghệ thuật. Trực Nhật Với Thư Kỳ (On Duty with Shi Qi) làm khán giả vừa tức giận với bọn ỷ đông ăn hiếp lẻ, vừa cảm thương với Hoa, cô bé mơ mộng và ăn diện khác người. Thông điệp của đạo diễn Đỗ Quốc Trung về việc bắt nạt cả về thể chất và tinh thần người khác như thế là quá rõ ràng.

viff-5
Cảnh trong phim Trực Nhật Với Thư Kỳ – Hình từ trang web của ViFF.

Dawn của đạo diễn Leon Lê dựng cảnh sống ồn ào ở New York, đưa khán giả vào ngay một xe điện ngầm đang chạy băng băng, ồn điếc tai. Trong khi đó Hai Chú Cháu (Uncle and Nephew) của đạo diễn Nguyễn Đình Anh nhẹ nhàng đưa khán giả qua con sông yên lành đến với cảnh nhà quê thơ mộng của Việt Nam. Ở Dawn, sự bạo hành trong cảnh trấn lột bên ngoài nhà ga kết thúc một cách êm đẹp khi có sự nhận thức về mối quan hệ đồng tính giữa một người Mỹ gốc Á và một người Mỹ đen. Trong khi đó, cuộc sống tưởng như an lành của hai chú cháu Hùng ở quê lại chấm dứt một cách đau lòng khi người cháu không chịu đựng được nữa tính bạo lực trong lời nói châm chọc của những người hàng xóm nhiều chuyện về hoàn cảnh của chú mình. Hai chú cháu cuối cùng lạc mất vào một chốn nào đó ở Sài Gòn náo nhiệt đầy bon chen.

viff-10
Cảnh trong phim Dawn – Hình từ trang web của ViFF.
viff-11
Cảnh trong phim Hai Chú Cháu – Hình từ trang web của ViFF.

*****

Tuần một của liên hoan phim kết thúc. Phim truyện dài có nhiều phần ‘thú vị’, và phim ngắn thì mới mẻ, sống động. Làm tôi muốn đi xem tuần phim thứ hai…

Viff-4
Băng rôn ViFF tại Bowers Museum, Santa Ana.

Read the English version.