8 dieu hay-3
Cảnh trong phim Instant Noodle (Vũ điệu đường cong), đạo diễn Nguyễn Trọng Khoa – Hình từ trang web của ViFF.

—– Bài đăng trên Nhật Báo Viễn Đông —– Read the English version —–

Đừng hiểu lầm nhé, không phải là tôi muốn nói đến mì ăn liền đâu, mà là bộ phim truyện Mì Ăn Liền / Instant Noodle của đạo diễn Nguyễn Trọng Khoa. Đúng ra tên tiếng Việt là Mì Ăn Liền, nhưng ông Khoa cho biết nhà sản xuất muốn đổi tựa phim thành Vũ Điệu Đường Cong. Thật tình thì cái tựa đề này nghe hơi sến làm tôi muốn thối lui, nhưng tôi mừng là mình đã quyết định đi xem nó tại Đại Hội Điện Ảnh Việt Nam Quốc Tế lần thứ 6 vào tháng 4/2013 vừa qua.

Bộ phim nhắm vào giới trẻ khi tập trung miêu tả cuộc sống của một anh nha sĩ trẻ và một cô diễn viên cứng đầu trong bối cảnh chuyện làm phim ở Việt Nam, hòa trong đó là những diễn biến và hành động vừa thực vừa mang tính nghệ thuật phim. Hai nhân vật chính này, cùng với hầu hết các diễn viên khác trong phim, đại diện cho giới trẻ Việt Nam, những người đang phải tranh đấu giữa sự nghiệp, tình yêu, và gia đình.

Nếu nói đến phim về Việt Nam mà mang tính chất văn hóa Việt Nam cao thì đây là một phim như thế. Phim hay, và khó tìm được cái gì để chê. Có thể các bạn của tôi ở Việt Nam không đồng ý với tôi về điểm này, nhưng tôi vẫn cho rằng ngoài giá trị giải trí, Instant Noodle có giá trị cao về mặt khái niệm.

Một hay: Quan trọng nhất và đáng giá nhất là: bộ phim dựng lên hình ảnh người đàn bà Việt Nam mạnh mẽ, có bản lĩnh và giỏi giang. Đây là hình ảnh chính xác mà chúng ta chứng kiến hàng ngày. Hãy nhìn các chị các cô các mẹ quanh ta mà xem, họ đã bươn chải vì cuộc sống, chăm lo cho con cái, hy sinh vì gia đình như thế nào. Nếu không mạnh mẽ và bản lĩnh thì sao làm được việc. Thế nhưng hình ảnh này lại ít thấy trong những phim do Việt kiều hoặc người nước ngoài làm về Việt Nam. Ngược lại, người ta hay dựng lên những nhân vật đàn bà yếu đuối cần được cứu vớt.

Trong lúc nhiều giá trị văn hóa gia đình ở Việt Nam đang mất dần, và tình trạng bán con vì tiền, lấy chồng nước ngoài vì vật chất, rồi nhiều cô gái vì thiếu hiểu biết mà bị lừa gạt vào làm việc trong các nhà thổ ở Trung Quốc hoặc Campuchia v.v. đang gây lo ngại cho cả xã hội, bộ phim Instant Noodle chẳng phải đã tạo ra một mẫu mực đàn bà tốt để làm gương đó hay sao. Nhìn từ góc độ giáo dục, chỉ vì điểm này thôi thì Instant Noodle cũng đáng nhận được giải thưởng rồi.

Hai hay: Tựa đề Instant Noodle là hoàn toàn Việt Nam. Làm người ta liên tưởng đến một trào lưu văn hóa vào những năm 1990 ở Việt Nam khi người ta sản xuất các chương trình truyền hình và làm phim rẻ tiền, chất lượng kém. Đây cũng là điểm mà đạo diễn Nguyễn Trọng Khoa đã khai thác trong phim.

Nguyen Trong Khoa-1
Trao đổi với đạo diễn Nguyễn Trọng Khoa về phim Instant Noodle sau buổi chiếu phim tại Đại Hội Điện Ảnh Việt Nam Quốc Tế 2013.

Ba hay: Tiếng Việt trong phim đúng là tiếng Việt của người Việt, do người Việt bình dân dùng. Nó chân thật và không kiểu cách. Nếu nhắm mặt lại mà nghe, người ta vẫn biết ngay là mình đang xem một bộ phim do người Việt đóng, nói về người Việt, với cách suy nghĩ và cư xử của người Việt. Không như một số phim khác, người ta lồng tiếng thế nào ấy, và dùng từ Hán-Việt nhiều đến mức nhắm mắt lại là nghe y như một bộ phim Hongkong hoặc phim Tàu.

Bốn hay: Tính hài trong phim trong sáng, gần gũi thực tế, đồng thời cũng là hài kiểu Việt Nam. Ví dụ một nhân vật đồng tính trong phim đùa giỡn với bạn bè mình, điệu bộ và giọng nói có phần “ẻo lả” cho ra dáng một người đồng tính. Có thể là cái hài ở đây hơi được cường điệu một chút, nhưng là cách cường điệu để cố tình chọc cười mà người Việt bình dân rất thích và luôn cười theo. Theo tiêu chuẩn Việt Nam là không phô chút nào. Đây không phải là điều dễ làm trong vấn đề gây hài.

Năm hay: Phim mang tính giải trí cao. Khán giả được dịp cười hầu như là từ đầu tới cuối. Cười vì các anh đồng tính, cười vì anh chàng nha sĩ cù lần, cười vì hai vợ chồng già tình tứ, cười vì ông chồng mê lời nói ngọt ngào của vợ v.v. Tất cả lời thoại và diễn xuất đều thể hiện cách suy nghĩ và cư xử của người Việt Nam. Nhưng hay hơn nữa là phim cũng làm người ta khóc được. Một số cảnh phim nói đến cái chết và sự hối hận của người con trai, là anh nha sĩ trẻ tuổi. Khi nhận được tin mẹ mình mất, anh phóng như bay về nhà. Người cha ra đón anh ở cửa, không nói lời nào, chỉ lắc đầu mếu máo, rồi hai cha con ôm nhau khóc. Không nhiều lời, nhưng hành động và diễn xuất chuẩn, cảnh quay gần mặt đúng góc độ cộng thêm không gian, ánh sáng của buổi đêm làm cho tính bi kịch của phim tăng lên và người xem thành thật cảm động.

Nguyen Trong Khoa-2
Đạo diễn Nguyễn Trọng Khoa và khán giả sau buổi chiếu phim Instant Noodle tại Đại Hội Điện Ảnh Việt Nam Quốc Tế 2013.

Sáu hay: Cách dùng hình ảnh múa bụng mới mẻ, đúng ra là không liên quan gì đến văn hóa Việt Nam, nhưng được đạo diễn Nguyễn Trọng Khoa dùng ở đây để nói lên sự phát triển của phong trào phụ nữ ở Việt Nam khi mà họ trở nên độc lập và tự do hơn. Ông nói rằng múa bụng chỉ là một mình mà không cần bạn nhảy, và như thế là tượng trưng cho sự tự lập và thành đạt của thế hệ những người đàn bà Việt Nam hiện đại ngày nay. Rõ ràng hình ảnh múa bụng có tính sáng tạo mới mẻ.

Bảy hay: Phim đề cập đến nhiều vấn đề xã hội nóng bỏng. Chúng vừa phản ánh thực tế cuộc sống ở Việt Nam hôm nay, vừa là đề tài để người xem suy nghĩ và chiêm nghiệm. Cho nên sau khi xem phim xong thì có nhiều chuyện để bàn luận lắm. Ngoài chủ đề đồng tính ra, một vấn đề chính khác là tốc độ quay trong cuộc sống hiện đại ở Việt Nam. Những người trẻ ai cũng bận rộn làm ăn, đến mức họ có thể bỏ quên việc thăm nom cha mẹ, đến khi lỡ làng thì hối hận cũng đã muộn. Rồi cũng vì cuộc sống bận rộn mà người ta quên đi những tình cảm hay những chuyện quan trọng trong cuộc sống của mình và làm ảnh hưởng đến những người thân xung quanh, như việc người yêu hay vợ chồng phải chăm sóc lẫn nhau để vun đắp tình cảm của mình và giữ gìn hạnh phúc. Bộ phim kết thúc với sự ý thức của anh nha sĩ rằng cuộc sống ngắn ngủi và anh phải nắm lấy cơ hội hạnh phúc của mình để không phải hối hận về sau.

Tám hay: Phim Instant Noodle chân thật, nói đến những chuyện hoàn toàn có thể xảy ra ở Việt Nam, không thêu dệt màu mè gì.

Trong tiếng Việt có câu “mười thương”, nhưng trang giấy có hạn, thôi thì bàn tới tám hay thôi!

—– Đọc bài tiếng Anh —–