—– Bài đăng trên Nhật Báo Viễn Đông —– Read the English version —–
Mỗi lần không biết tự bảo vệ mình là sinh ra bực bội. Toàn là chuyện nhỏ, nhưng tinh tế. Chồng chất bực bội kiểu này làm cho con người ta trở nên cay cú, bởi vì cái bực bội này sẽ nằm hoài trong lòng mà không thể nào tan, cho đến khi nó được giải thoát. Cũng giống như chuyện gì mình cho là đúng mà không làm thì cứ áy náy mãi thôi. Chỉ có hành động đúng mới giải thoát cho tinh thần nô lệ được.
Thời ngây thơ: Chịu trận
Ngày xửa ngày xưa, khoảng năm một ngàn chín trăm chín mấy, khoảng năm thứ nhứt thứ hai đại học gì đấy, cái thời mà người Mỹ tới Việt Nam là được… chụp liền, cho dạy các lớp đại học, tôi có học với một bà cô Mỹ trong những trường hợp như thế.
Bà cô trẻ lắm, hơn tụi tôi chừng vài tuổi là cùng, chắc là mới ra trường. Học với một cô giáo Mỹ trẻ tuổi và xinh đẹp, có vẻ hào hứng đây. Bà cô được phân công dạy môn Nói (Speaking) cho chúng tôi. Và cô có vẻ rất thân thiện, hiền lành, và dễ thương.
Đâu chừng vào buổi học thứ 2, bà cô vào lớp và nói rằng: “Tên tiếng Việt của mọi người khó đọc khó nhớ quá, tôi không nhớ được. Thôi thì mọi người đổi tên đi. Mỗi người chọn một cái tên Mỹ để tôi có thể học mà nhớ tên mọi người.”
Ôi cái chữ ‘thôi thì’ nghe sao mà tiện lợi. Tôi nghe tới đó thì nổi điên lên. Máu trong người sôi lên sùng sục. Máu dồn lên đầu. Đầu tôi nóng bừng tưởng chừng muốn nổ tung. Giận không thể tả. Thế là từng tràng chửi rủa không kiểm soát được tuôn ra ào ào: “Bà có bị điên hay không đấy! Người ta có câu ‘đi đến đâu thì theo phong tục nơi ấy’. Trong tiếng Anh cũng có câu ấy đấy thôi. Bà qua Việt Nam chẳng phải là để tìm hiểu về văn hóa, con người và cuộc sống ở Việt Nam là gì. Có cái tên Việt Nam mà không muốn học thì bà học cái con khỉ gì đây? Bà là cái thá gì mà qua Việt Nam bắt người Việt Nam đổi tên để bà gọi cho tiện lợi! Mụ nội bà!”
Trời, nói cho oai. Tôi chỉ là chửi rủa trong đầu thôi. Chứ thời đó làm gì có chuyện sinh viên cãi giáo viên. Tôi chỉ nhớ đầu óc nóng bừng, người căng ra vì giận tím gan, mà không biết làm sao. Chửi thì không dám. Chỉ có một suy nghĩ trong đầu là: “Không đời nào mình lại đi đổi cái tên cha mẹ đặt cho mình vì cái chuyện ngu xuẩn như thế này. Chắc chắn là mình không thể đổi tên được. Nhưng nói làm sao đây!” Thế là vừa tức vừa run, đến lượt tôi nói, tôi bảo bà cô rằng: “Tên của tôi rất dễ đọc nên tôi thấy không cần phải đổi. Cô cứ thế mà đọc.” Trời, gan cùng mình! Lần đầu tiên tôi cãi lại thầy cô trước mặt mọi người mà. Run quá không biết bà cô sẽ phản ứng ra sao. Bà cô chỉ ừ mà không nói gì.
Tôi cãi bà cô Mỹ mà lại không sao thật ư. Tôi cảm thấy một sự chiến thắng nho nhỏ, nhưng vẫn tiếp tục run. Rồi sau đó tôi không nhớ là mình tiếp tục chửi rủa bà cô trong đầu, hay suy nghĩ gì, mà đến nỗi không nhớ được là có ai khác trong lớp cũng hành động như mình hay không. Hình như là có thì phải.
Thời chín chắn: Học và suy nghĩ
Thế kỷ 21 bắt đầu. Tôi qua Mỹ học, để ý thấy rằng khi người Mỹ đọc và viết tên người Pháp hoặc người Đức chẳng hạn thì họ vẫn giữ đúng cách đọc và cách viết kiểu Pháp và Đức với dấu móc dấu chấm hẳn hoi. Nhưng đến khi họ đọc và viết tên Việt Nam thì họ lại đọc và viết theo kiểu Mỹ – nghĩa là đọc không dấu và viết không dấu. Rõ ràng chuyện này như thế là không ổn.

Tôi nhanh chóng hiểu rằng Việt Nam chẳng là cái đinh gì đối với người Mỹ nói riêng và người châu Âu nói chung, nhưng cũng học được là mình phải có sự tranh đấu về phía mình. Trong tiếng Anh có câu: “Bánh xe nào kọt kẹt thì được bôi dầu” đó mà. Thế là tôi tự nghĩ: liệu người Việt đã bao giờ đòi hỏi người ta phải tôn trọng mình hay chưa bằng cách đọc đúng tên mình? Nói gì đâu xa, bản thân tôi khi ở Việt Nam và bao nhiêu năm ở Mỹ, khi giới thiệu mình cũng đọc tên của mình theo kiểu không dấu đấy thôi, còn trách ai! Mà tại sao tôi lại bắt chước người Mỹ một cách vô ý thức đến như thế nhỉ? Phải chăng trong DNA của tôi đã có cái gen “phục người nước ngoài” do cha ông tích lũy ngàn đời và truyền lại?
Tôi thì không muốn đổ lỗi cho cha ông đâu, ít nhất thì bây giờ tôi đã học được điều đáng học, và đã đủ khôn lớn để thay đổi cách suy nghĩ và hành xử của bản thân. Và tôi phải tự xử lý những thông tin mới tôi học được cũng như chịu trách nhiệm về mọi hành động của mình.
Và điều quan trọng mà tôi sớm học được khi qua Mỹ là: cách cư xử như kể trên của người Mỹ (đọc tên Pháp đúng kiểu Pháp và đọc tên Việt kiểu Mỹ) là một biểu hiện của sự phân biệt đối xử của những người mang đầu óc đế quốc (imperialist). Họ cho rằng chỉ có văn hóa phương “Tây” (trong đó có Mỹ) là đáng giá, và người phương “Tây” (trong đó có người Mỹ) là người có cái để dạy cho những dân tộc khác trên thế giới.
Và tôi đã học và biết được rằng cách cư xử của bà cô Mỹ đối với sinh viên Việt Nam chúng tôi hồi đó là rất phổ biến với nhiều người Mỹ mang đầu óc đế quốc. Họ đi đến đâu cũng chỉ muốn làm những điều tiện lợi theo kiểu Mỹ, thẳng tay đè bẹp văn hóa bản xứ không cần suy nghĩ gì cả. Ở Mỹ, số người này đông lắm. Đi đâu cũng có thể gặp. Chả là chính sách ngoại giao của Mỹ vẫn chính thức là mang tính đế quốc mà. Nó đi vào thông tin đại chúng, thế là toàn dân cứ thế mà theo mà làm. Chỉ một số ít ỏi những người có đầu óc cởi mở, tinh thần độc lập cao, hiểu biết nhiều, biết tôn trọng văn hóa nước khác thì mới thoát ra khỏi cái khuôn suy nghĩ đế quốc này thôi.
Thời cứng rắn: Hành động
Thế là từ đó tôi rất cẩn thận mà quan sát cách người Mỹ đối xử với tôi. Nếu họ tỏ thái độ phân biệt đối xử vì mình là người châu Á, tôi cố gắng cự họ ngay. Mỗi lần làm được chuyện này, tôi trở nên mạnh mẽ hơn, và người ta tôn trọng tôi hơn.
Tôi vẫn đang cố gắng nhớ xem tên họ của bà cô Mỹ trước kia là gì mà chưa nhớ ra. Nếu nhớ ra hoặc ai biết mà chỉ cho, việc truy tìm địa chỉ liên lạc của bà ta không phải là khó. Chừng đó, tôi sẽ nhắn tin Facebook hoặc viết thơ gởi tới nơi làm việc của bà ta, mắng cho một trận về hành động thiếu văn hóa, đầy tính phân biệt đối xử của bà ta ngày xưa. Có thể là chưa có người Việt Nam nào từng nói cho bà ta biết hành động của bà là phân biệt đối xử. Cũng có khả năng chính bà ta cũng không biết mình đã phân biệt đối xử, bởi vì bản tính của một dân tộc thường thể hiện rõ nét qua những hành động vô thức của người ta. Đôi khi phải cần người ngoài chỉ ra thì người ta mới thấy được. Biết đâu chừng, bà ta có thể thay đổi. Nếu tôi là một trong những người đầu tiên nói ra cho bà ta nghe thì cũng tốt chứ sao. Cũng có thể bà ta sẽ chẳng thay đổi. Nhưng chả sao. Điều quan trọng nhất đối với tôi là: chống cự (confront) trước hành động sai của người khác để bảo vệ lòng tự trọng của mình thì không bao giờ muộn. Sự giải thoát đến trễ còn hơn là không. Lúc trước tôi chỉ cự bà cô phân nửa, nếu bây giờ viết thơ cự nữa thì mới coi như là có được sự chiến thắng trọn vẹn đối với bản thân. Ngay việc tôi đang viết những dòng này đã là một hành động dẫn tôi đến gần với chiến thắng đó hơn.
Mỗi lần không biết tự bảo vệ mình là sinh ra bực bội. Toàn là chuyện nhỏ, nhưng tinh tế. Chồng chất bực bội kiểu này làm cho con người ta trở nên cay cú, bởi vì cái bực bội này sẽ nằm hoài trong lòng mà không thể nào tan, cho đến khi nó được giải thoát. Cũng giống như chuyện gì mình cho là đúng mà không làm thì cứ áy náy mãi thôi. Chỉ có hành động đúng mới giải thoát cho tinh thần nô lệ được.
—– Đọc bài tiếng Anh —–
–> Trở về 1001 thay đổi