Lại nói chuyện chèo vốn là một nghệ thuật sân khấu xuất phát từ nơi đồng ruộng và phải hợp thị hiếu khán giả của nó. Theo nhà viết kịch kiêm nhà nghiên cứu Vũ Khắc Khoan, “đa số khán giả nông dân muốn nghe và xem kể lại một câu chuyện cũ”, vậy cho nên chèo mang đặc tính tự sự. Theo nghiên cứu của ông, “đặc tính tự sự ảnh hưởng lớn đến […] nghệ thuật biểu diễn của người diễn viên chèo”. Theo đó, “lời nói nhiều khi không còn là lời nói thường để trở thành hoặc nói lối hoặc sử hoặc ca” (1). Nghĩa là vấn đề ca hát trong Quan Âm Thị Kính thay đổi rất đa dạng.

Theo đánh giá chuyên môn của mình, GS P.Q. Phan cũng cho rằng âm nhạc trong Quan Âm Thị Kính là tinh vi nhất trong các vở chèo Việt Nam. Sự phối hợp các loại thể (hát, sử, nói v.v..) và điệu (loại xuân mang điệu vui, loại Nam mang điệu buồn) trong Quan Âm Thị Kính rất phức tạp – từ đó ta có hát cách, hát sắp, sử rầu, sử xuân, nói thường, nói lối, nói đếm v.v… Trong lúc đó, opera phương Tây chỉ có hoặc là 3 loại hát (aria – hát giai điệu hay, dễ nhớ; arioso – hát thường, giai điệu hay nhưng không có gì đạc biệt; recitative – hát nói), hoặc là nói (2).

Vậy cho nên âm nhạc đa dạng là một đặc tính văn hóa quý giá của Quan Âm Thị Kính và là thể hiện truyền thống văn hóa cao và lâu đời của Việt Nam. Đến ngày nay, dùng tiêu chuẩn phương Tây đánh giá thì âm nhạc trong hát chèo vẫn được xem là loại hình âm nhạc mang tính văn hóa cao. Truyền thống này chẳng phải là một biểu hiện của nguồn gốc “rồng” là gì! Vấn đề nhạc trong vở opera “Chuyện Bà Thị Kính” của P.Q. Phan sẽ được bàn luận trong một bài viết khác.

Tham khảo:

(1) Vô danh thị. Vũ Khắc Khoan giới thiệu. Vở chèo Quan Âm Thị Kính. Đào Tấn: Hà Nội, 1966.

(2) Anvi Hoàng. Phỏng vấn với GS P.Q. Phan. 10/09/2011.