Quá trình dàn dựng vở opera Chuyện Bà Thị Kính/The Tale of Lady Thị Kính
—– Read the English version —–
Photo: Anvi Hoàng
Trong khi quý vị đang đọc những dòng chữ này thì các buổi tập dợt đang diễn ra đầy căng thẳng tại trường nhạc Jacobs thuộc trường đại học Indiana Univertsity. Lịch làm việc là 6 ngày/tuần. Nào là tập dợt với dàn đồng ca, nào là tập hát và diễn xuất với nhạc trưởng và đạo diễn sân khấu, nào là dợt với dàn nhạc. Họ còn chưa đầy hai tuần nữa là vở opera “Chuyện Bà Thị Kính” (The Tale of Lady Thị Kính) của nhà soạn nhạc P.Q. Phan (Phan Quang Phục) sẽ được mở màn tại sân khấu lớn của trường nhạc Jacobs thuộc trường đại học Indiana University, vào ngày 7, 8, 14, 15 tháng 2 năm 2014.

Tôi đã có dịp miêu tả không khí tập dợt vào dịp trình diễn hội thảo rồi. Những quan sát đó vẫn đúng tới nay. Nếu chưa đọc mời các bạn đọc trước. Đây là lần thứ hai tôi chứng kiến tập dợt một vở opera. Lần này tôi có thêm những nhận xét sau.
Đào bới lớp lớp hát và diễn xuất
Phải nói là tôi kinh ngạc khi thấy sự cảm nhận tinh tế của nhạc trưởng về vở opera cộng với kiến thức về âm thanh của ông được thể hiện như thế nào trong cách ông điều khiển. Nhạc trưởng David Effron có thể hướng dẫn ca sĩ như sau: “Các bạn phải hát như nhân vật Mimi trong vở La Bohème lúc cô ta sắp chết ấy – tức là với sự yêu thương, trìu mến – chứ không phải lúc cô đã chết ngắt!” [Mọi người cười]. Cho dù bạn không biết Mimi là ai hoặc chuyện La Bohème là về cái gì, bạn vẫn có thể hiểu được sự khác biệt giữa ‘sắp chết’ và ‘chết ngắt’. Hoặc ông nói thế này: “Khi các bạn nói, thật ra đó vẫn là hát mà không có tông, bởi vì nói bình thường không đủ mạnh. Nói một cách khác, các bạn phải ném giọng nói của mình vào cuối phòng cơ, nếu không thì chả ai nghe được các bạn”.

Lỗ tai người thường của tôi không phải nghe ra hết tất cả những thay đổi trong giọng hát của ca sĩ sau lời nhận xét ấy. Nhưng những lời hướng dẫn như thế làm tôi thấy được những nét tinh tế, sự tinh xảo, và sức mạnh của một người có khả năng dùng giọng hát để bộc lộ những nét cảm xúc khác nhau trong toàn bộ các gam màu tình cảm của con người. Chúng làm cho tôi nhận ra rằng giọng hát của người ta có thể được tập luyện để lột tả không những một lớp tình cảm, màu sắc, cảm xúc, chất liệu mà con người có thể cảm nhận được bằng tinh thần hoặc thể xác, mà lột tả nhiều lớp cảm xúc như thế cùng một lúc. Đây là một kỹ năng và một tài năng mà phải mất hàng bao nhiêu năm mới tập được.
“Các chi tiết về việc nhịp điệu ảnh hưởng đến cảm xúc của một nhân vật như thế nào là điều quan trọng. Hoặc nhịp điệu liên quan thế nào đến việc miêu tả bầu không khí của thời điểm đó hoặc bầu không khí của câu chuyện nói chung. Tôi cố gắng hướng dẫn những chi tiết này. Nhưng tôi chỉ có thể thực hiện những chi tiết này sau khi tôi đã có được khái niệm chính về chuyện nên điều khiển vở opera như thế nào.
Các ca sĩ hiện nay đã có được một sự hiểu biết tốt hơn về tính cách nhân vật. Việc tập dợt diễn xuất đã giúp họ trong chuyện này. Họ bắt đầu hiểu được các nhân vật. Lời thoại cũng trở nên có ý nghĩa hơn đối với họ. Và tôi cũng có thể hướng dẫn họ với những chi tiết mà trước kia họ nghe qua sẽ không thấy có ý nghĩa gì mấy. Các nhân vật đến thời điểm này trở nên sống động hơn và các ca sĩ hiểu được tôi muốn họ làm cái gì. Quá trình làm việc diễn ra như thế. Hai tuần sau, họ sẽ trở thành nhân vật họ đóng, chứ không phải chỉ hát về nhân vật họ đóng. Lý tưởng nhất là họ biến thành nhân vật mình đóng vai.”

Để đắp thêm vài lớp phức tạp vào việc hát và biến nó thành một phần hoàn chỉnh của một kinh nghiệm tổng hợp trên sân khấu, diễn xuất phải được kể đến. Các bạn có biết rằng Thiện Sĩ không được bước đi theo đúng nhịp khi anh chàng xuất hiện trên sân khấu không? Đạo diễn sân khấu đã bảo với ca sĩ như thế. Tại sao ư? Tôi nghĩ rằng vì opera không phải là ba lê! Vả lại, Thiện Sĩ không phải là một nhân vật hài như Nô cho nên phải cư xử đúng mực. Bước đi theo đúng nhịp nhạc rất là hề. Và khi các ca sĩ dùng quạt, thời điểm họ mở hoặc xếp quạt lại không phải là được tự do đâu nhé. Chính xác là việc xếp hoặc mở quạt là biểu hiện của một sự thay đổi trong suy nghĩ hoặc tâm trạng của nhân vật. Thêm nữa, khi các bạn xem trên sân khấu mà nghe tiếng xếp quạt cái rẹt thật mạnh thì âm thanh đó đã được cố tình tạo ra để làm tăng thêm phần kịch tính của thời điểm. Rồi khi các ca sĩ ham diễn mà quên hát biểu cảm đúng mức, đạo diễn sân khấu cũng nhắc nhở họ, ví dụ như “chọn cách dùng chất giọng nhẹ nhàng hơn để diễn tả những suy nghĩ về hạnh phúc” chẳng hạn.


Hãy tưởng tượng rằng mỗi câu hát hoặc nhiều khi một phần câu hát đều liên quan đến những cử chỉ nào đó hoặc sự thay đổi trong một cảm xúc nào đó. Khi tính cách mỗi nhân vật dần dần được bộc lộ và rồi phát triển theo dòng chảy của câu chuyện, có hàng lớp những ý tưởng, chi tiết, suy nghĩ, cảm xúc, cử chỉ điệu bộ, vân vân cần được lồng vào phần hát và diễn xuất để miêu tả quá trình phát triển đó. Vì vậy mà mỗi một cử chỉ, mỗi một bước đi, một chuyển động của cơ thể, một biểu hiện nét mặt, một sự thay đổi trong chất giọng, hoặc cả cách phát âm một số chữ, đều được nghĩ tới, tính toán trước, và tập cho ca sĩ bởi đạo diễn sân khấu – với phần hát được nhạc trưởng kiểm soát chặt chẽ.


Quan sát cả quá trình này, tôi bắt đầu có suy nghĩ khác trước về opera. Đúng là âm nhạc là một phần rất quan trọng của một vở opera, nhưng diễn xuất cũng không thể lơ là. Nếu như trên sân khấu không có sự thay đổi, chuyển động, giọng hát đều đều, hoặc chuyển động sai và hát lạt lẽo, thì khán giả sẽ nhận ra ngay sự ngột ngạt, đơ cứng trong không gian. Và đây chính là lúc người ta hết hứng thú và không tập trung nữa. Trong lúc ca sĩ đang học vai, đạo diễn sân khấu có trách nhiệm hướng dẫn tất cả mọi bước đi đứng cho họ. Đến khi họ nhập vai được rồi thì họ sẽ có một chút chủ động hơn trong vai diễn.
Đạo diễn sân khấu Vince Liotta:
“Chúng tôi đang phát hiện ra là mình không rập khuôn bắt chước tất cả những gì bạn sẽ thấy trên một sân khấu Việt Nam […] mà chỉ giữ lại những biểu tượng và ước lệ làm cho người ta cảm thấy Việt Nam, như [P.Q. Phan] đã nói với tôi hôm nọ: rằng nếu người Việt Nam nào nhìn vào thì người ta sẽ nhận ra ngay đây là Việt Nam, tuy nhiên, chúng tôi làm cho vở diễn tiến triển và mang hình hài phương tây. Tới thời điểm này, chúng tôi đạt được điều đó bằng cách dường như đã chọn đúng các biểu tượng và đúng các thời điểm, cho dù đó là cách dùng quạt, hoặc cách nhân vật bước đi, hoặc cách nhân vật đứng, hoặc các mâm đồ cưới. Chúng tôi có dùng một vài cái lọng. Đây không hẳn là một lễ cưới chính thức nhưng một số biểu tượng chúng tôi dùng ở đây là ngụ ý nói rằng chúng tôi cố gắng truyền đạt sao cho, đối với người không biết [về văn hóa Việt Nam] thì họ sẽ cảm thấy một sự khác biệt về mặt văn hóa, còn đối với người biết chuyện thì cũng có đủ những thứ để họ cảm thấy hợp lý về mặt văn hóa.

Khi các ca sĩ bắt đầu hiểu được là chúng tôi muốn đạt được mục đích gì thì họ sẽ có thể đưa nó vào trong kiến thức hiện có của mình. Họ đến với phần diễn xuất khi đã biết âm nhạc. Vì vậy trước hết là chúng tôi phải có khái niệm về hình thể vật chất của nhân vật [nhân vật này sẽ đi đứng nói năng thế nào], chúng tôi phải hiểu về khái niệm nơi chốn câu chuyện xảy ra [chùa Việt Nam, nhà nông dân], và xây nhân vật lên từ đó. Hy vọng rằng chúng tôi sẽ thể hiện được đúng cảm xúc và tạo ra những tình huống thích hợp. Nhưng như bạn đã nói đến ở trên về lớp lớp các chi tiết, về phía tôi, chính xác đó là cách diễn viên tập: họ đắp từng lớp từng lớp lên nhân vật.”

Cuộc sống của chúng ta bình thường là xảy ra trong không gian ba chiều. Đối với các ca sĩ trong trường hợp này, họ phải kết hợp thêm hai yếu tố khác nữa là hát và diễn xuất vào, họ phải nghe cả nhạc trưởng và đạo diễn cùng một lúc. Những yếu tố này đã biến ‘cuộc sống sân khấu’ của họ thành năm chiều. Chỉ quan sát họ làm việc không cũng thấy choáng ngợp rồi. Khi các bạn thể nghiệm vở diễn trên sân khấu, hãy nhớ rằng mỗi một câu hát và mỗi một điệu bộ trên sân khấu là đã được tập luyện ít nhất 100 lần. Thì là không gian 5 chiều mà, bạn phải cố hình dung ra thôi.

Tôi cảm thấy đất dưới chân vững chắc. Họ còn phải đào rất nhiều rất nhiều lớp nữa. Đến khi họ bước ra sân khấu là lúc họ đã đứng ở tâm của trái đất.
Nhảy múa trên trời với dàn đồng ca và dàn nhạc
Các bạn đã thấy nhạc trưởng làm việc với ca sĩ rồi đấy, để mà vẽ nửa bức tranh âm nhạc của vở opera mà ông đang nghe, thấy trong đầu. Còn nửa kia của bức tranh chính là dàn nhạc.
Có một trăm lẻ một những điều thú vị tôi có thể kể ra về một buổi tập dợt của dàn nhạc, từ việc họ lên giây nhạc cụ như thế nào lúc đầu, và những âm thanh tôi nghe được trong 5 phút giải lao của họ. Tóm tắt công việc một mình của tôi vào thời điểm cấp bách lúc này (10 ngày nữa là tới lúc mở màn), tôi sẽ nói thế này: Một điều thích thú khi nghe dàn nhạc là tìm xem âm thanh đầu tiên mình nghe phát ra từ góc nào, từ loại nhạc cụ nào, và nó làm cho mình có cảm xúc ra sao. Khi nhiều nhạc cụ khác bắt đầu hòa vào, âm nhạc thay đổi từ từ, và bạn nhận ra rằng cảm xúc của mình cũng đang thay đổi theo nó (tất nhiên tôi đang nói đến nhạc hay và người điều khiển giỏi ở đây). Rồi bạn ý thức được một cảm giác tuyệt vời, thậm chí kỳ diệu, khi quan sát thấy âm nhạc đã tác động đến mình như thế nào và những rung động bên trong con người mình.
Trong khi nghe nhạc, lúc thì bạn thấy một bông hoa, lúc thì cả một vườn đầy hoa; bạn cảm nhận được sự đau buồn, niềm hạnh phúc, sự xấu xa của linh hồn con người ta; bạn thấy những khoảng không gian mỏng và dày; bạn thấy ánh sáng và bóng tối trong không gian; bạn cảm thấy các chất liệu. ‘Đầy màu sắc’ là cụm từ đến trong đầu bạn và bạn cản thấy hợp lý quá. Rồi bạn ngỡ ra rằng, thì ra khi các nhạc sĩ nói đến ‘âm nhạc đầy màu sắc’ là thế này đây. Nói gì thì nói, âm nhạc của Chuyện Bà Thị Kính đầu màu sắc sống động.

Tất nhiên người ta không thể quên sức mạnh của một dàn nhạc hơn 60 người và sự hiện diện của 30 cái cồng hiếm có. Trong sự hòa hợp và đồng loạt, họ phát ra một sức mạnh có thể hút tâm trí bạn. Bạn cảm thấy như thời gian dừng lại trong giây lát, bạn quên mình trong một mảnh thiên đàng nơi đây. Thế còn một mảnh thiên đàng khác nữa à? Đúng thế, cái mảnh đó xuất hiện khi dàn đồng ca xuất hiện.
Không khí tập dợt của dàn đồng ca có thể phấn khích đến nỗi bạn như đang bay trên đôi chân của mình trong điệu nhạc như nhạc rock và tiếng hát như nhạc ráp. Người ta có thể cho rằng miêu tả dàn đồng ca như thế là một sự sỉ nhục nhưng đối với đôi tai người thường của tôi thì những giây phút đầu tiên của việc tập dợt nghe giống như thế. Tôi đoán đó là một cách họ tập giữ đúng nhịp để mọi người biết nhịp nào thì vào và làm sao để giữ nhịp điệu đó cho đúng.


Rồi thì tiếng hát thật sự vang lên. Nhạc trưởng dàn đồng ca hướng dẫn như sau về cảnh phiên xử Thị Mầu: rằng các ca sĩ phải thể hiện được tính châm biếm trong chất giọng của họ, sao cho nó nhẹ nhàng và sáng sủa hơn. Kết quả là các bạn sẽ nổi da gà khi nghe họ hát. Có một cách tôi có thể dùng lời để diễn tả nó: đó là ‘một nét đẹp kỳ diệu của đám đông’. Tôi không có ý ‘tình cảm’ quá đáng, nhưng khi nghe 36 ca sĩ trong dàn đồng ca hát, các bạn có cảm giác như nghe thiên thần hát vậy!
Nói rằng cả đất trời ở đây, nhưng đừng tưởng rằng bạn sẽ ‘chạy thoát’ nếu hát sai một nốt nhạc hoặc có một cử chỉ không hợp cảnh nhé. Nhạc trưởng David Effron hoặc đạo diễn sân khấu Vince Liotta hoặc nhạc trưởng dàn đồng ca Walter Huff sẽ ‘bắt’ bạn ngay!
© 2014 Anvi Hoàng
–> Trở về Loạt bài Quá trình dàn dựng