Mua bán người (human trafficking) là một tội ác đã được đưa vào luật pháp trong các nước trên thế giới. Hồi trước, việc mua bán người chỉ tập trung vào đối tượng là con gái trẻ để đưa vào nhà thổ làm việc. Ngày nay, các đường dây mua bán người trên thế giới hoạt động rất tinh vi, rất đa dạng, đến nỗi Giáo Sư Silvia Scarpa đề cập trong cuốn sách “Mua Bán Người” (Human Trafficking) rằng, đây là một trong những hiện tượng đáng lo ngại nhất cho nhân loại trong thế kỷ 21. Cưỡng bức lao động trẻ em ở các đồn điền ca cao châu Phi, bắt cưỡi lạc đà đua ở các nước Trung Đông, cưỡng bức con gái bán dâm ở Trung Quốc, hoạt động của các nhà thổ ở châu Âu, nô lệ làm việc nhà ở Mỹ – ở đâu người ta cũng tìm thấy dấu vết người nô lệ thời đại mới.
Tội ác mua bán người
Hồi xưa người ta không gọi là mua bán người bởi vì việc mua bán nô lệ hay chế độ nô lệ (slavery) là hợp pháp. Từ thế kỷ 18 chế độ nô lệ trên thế giới bắt đầu được bãi bỏ. Thế nhưng việc mua bán người ngày nay cũng chẳng khác gì việc mua bán nô lệ ngày xưa. Ước tính có khoảng từ 12 -27 triệu người bị mua bán trên thế giới ngày nay, trong đó 50% là trẻ em, 70% là đàn bà, con gái. Điều khác biệt tệ hại là ngày nay, thứ nhất: người bị bán – vẫn gọi là nô lệ (slave) – với giá rẻ mạt nhưng lợi nhuận làm ra từ họ cho người chủ thì rất cao. Ngành công nghiệp mua bán người kiếm lời lên tới 32 tỉ mỹ kim mỗi năm. Thứ hai: quan hệ chủ và nô lệ là ngắn hạn, có nghĩa là người nô lệ có thể bị giết hoặc thay thế liền liền. Thứ ba: nguồn cung cấp nô lệ thừa mứa và mua bán người không phân biệt màu da.
Lái buôn người có thể nói rằng làm giấy tờ để kết hôn đi nước ngoài hoặc đi bán hàng ở cửa tiệm nước ngoài, nhưng thực chất các cô gái trẻ này, và cả trẻ em, bị bán vào nhà chứa rồi bị bóc lột tình dục, bị làm nô lệ tình dục, bị ép làm máy đẻ, hoặc bị bắt làm gái mại dâm. Một năm có tới mấy trăm cô gái Việt Nam bị bán vào các nhà chứa ở các tỉnh dọc theo biên giới Việt Nam với Trung Quốc, Campuchia và qua Thái Lan, Malaysia qua con đường Campuchia và Lào.
Lái buôn người có thể nói làm giấy tờ để đi lao động nước ngoài, phụ giúp buôn bán, hoặc giúp việc nhà ở thành phố, nhưng thực tế là những người đàn ông, đàn bà, và trẻ em này bị bán cho các lò chứa cung cấp nhân công cho các nhà máy, hầm mỏ, trang trại, các đường dây buôn lậu thuốc phiện – nơi đó họ bị cưỡng bức lao động và không trở về nhà được.
Lái buôn người có thể bắt cóc trẻ con, làm giấy tờ giả, rồi bán chúng làm con nuôi cho người khác. 10 triệu đồng Việt Nam là dư mua một trẻ.
Lái buôn người có thể nói rằng trả tiền làm giấy tờ để đi lao động ở châu Âu, nhưng giữa đường thì chặn bắt làm con tin. Nếu người nào không có tiền chuộc thì bị lấy một trái thận để bán cho chợ đen – như đã xảy ra cho những di dân người Eritrea. Ở Việt Nam, một người bán thận nhận được hơn 2 ngàn đô la. Nhưng bán nội tạng để lấy tiền, để đổi lấy một chuyến đi nước ngoài, hoặc để mua một món hàng xa xỉ là một một hành vi phạm pháp ở tất cả các nước trên thế giới, ngoại trừ ở Iran nơi người bán thận hợp lệ nhận được 6 ngàn đô la. (Về phía người nhận thận, họ phải trả trên 100 ngàn đô la cho ca phẫu thuật của mình. Tổ Chức Y Tế Thế Giới WHO ước tính rằng nội tạng bán ngoài chợ đen chiếm 5-10% tổng số các vụ thay thận trên toàn thế giới.)
Nói chung tất cả các hành động kể trên đều là tội ác liên quan đến việc mua bán người.
Người di cư và người nô lệ thế kỷ 21
Theo thông tin của Tổ Chức Di Cư Quốc Tế, Văn Phòng Tại Việt Nam (IOM Viet Nam), mỗi năm hơn 80 ngàn người Việt Nam đi nước ngoài làm việc, từ chân tay đến làm việc trí óc. Di cư tìm việc trong nước 10 năm qua đã tăng từ 2 triệu lên 3.4 triệu. Việt Nam ngày nay không còn là nước định căn định cư nữa. Di cư trở thành một khuynh hướng phát triển mới. Những thay đổi nhanh chóng về kinh tế, xã hội khiến tiền lương và cơ hội tìm việc làm ở nông thôn thì giảm và ở thành phố thì cao, tạo ra một lực hút cuốn người di cư từ các vùng thôn quê lên các thành phố lớn. Các tổ chức mua bán người thấy ngay rằng số người di cư này, đặc biệt là những người sống ở các vùng quê hẻo lánh, chính là các con cừu ngây thơ dễ dụ cho họ.
Trong khi khuynh hướng di cư trong nước và ra nước ngoài ở Việt Nam gia tăng vì lý do hôn nhân, kinh tế, hoặc gia đình, Việt Nam đồng thời cũng trở thành một trong những nước mà vấn đề mua bán người trở nên bức thiết vì là địa điểm cung cấp nô lệ và lao động rẻ tiền. Những người di cư bị lọt vào đường dây mua bán người chủ yếu là vì nghèo khó, nợ nần, ít học, thiếu hiểu biết, thiếu thông tin và hướng dẫn, bất bình đẳng giới tính trong xã hội, cơ hội và điều kiện tìm việc ở quê thấp, hoặc vì mong muốn một cuộc sống giàu sang hơn. Trong làn sóng người Việt đi lấy chồng ở Hàn Quốc, Đài Loan, Trung Quốc, cũng có nhiều cô có nhiều tiền gởi về nhà. Các cô gái trẻ Việt Nam ở quê thấy đó là giấc mơ di cư của họ về một cuộc sống khá giả hạnh phúc, nên nghe lấy chồng hoặc phụ việc nước ngoài, hoặc lên thành phố làm việc là họ đi thôi. Cái họ không thấy là cuộc sống đau khổ của những cô gái bị cưỡng bức bán dâm hoặc cưỡng bức lao động. Mà con số này thì không ai biết là bao nhiều cả. Chỉ biết là trong 5 năm qua, cảnh sát ở Việt Nam đã cứu thoát được hơn 4 ngàn nạn nhân.
Con số thống kê chỉ phản ánh một phần những trường hợp thật sự xảy ra. Vì là tội ác nằm trong bóng tối và bí mật, khó mà có con số thống kê chính xác. Chưa kể nhiều nạn nhân không dám khai báo. Hoặc là các hình thức phạm tội thay đổi nhanh đến nỗi người ta không cập nhật luật pháp kịp để mà thống kê. Ví dụ trường hợp dụ dỗ người bán nội tạng và bắt cóc con gái trẻ làm máy đẻ thuê là tương đối mới và con số thống kê trong vấn đề này còn thiếu sót nhiều.