goc re

—– Bài đăng trên Nhật Báo Viễn Đông —–

Vào đầu thế kỷ 20, hình ảnh một khách du lịch người châu Á ở châu Âu xem ra vẫn còn là một “hiện tượng”. Bây giờ thế kỷ 21, điều đó đã trở thành chuyện bình thường. Ngày nay, người châu Á đi châu Âu không phải chỉ để thăm thú cảnh vật mà họ di cư sang đó để làm việc nữa. Sự tiếp xúc giữa những khách du lịch và người di cư châu Á ở châu Âu cho thấy đúng là ranh giới giữa một số nước đã mờ đi khi mà hoàn cảnh văn hóa, tâm lý của họ tương đối giống nhau.

Lao động tay chân

Nếu để ý, khách du lịch sẽ thấy rằng nhân viên làm công việc phục vụ trong nhà hàng, hoặc khiêng vác hành lý, hoặc dọn dẹp phòng trong các khách sạn họ ở hầu hết đều là người di cư châu Á, còn người làm việc ở bàn tiếp tân là người da trắng, người bản xứ. Tất nhiên công việc lễ tân đòi hỏi loại kiến thức khác và những nhân viên này có một trình độ học vấn nhất định, ít nhất là đại học. Biên giới giữa các nước châu Âu lại uyển chuyển nên người châu Âu đi du lịch nhiều. Do đó người tiếp tân ở Pháp, Đức, Ý chẳng hạn thường nói được ít nhất là ba thứ tiếng. Chỉ với tiêu chuẩn này không thì người di cư châu Á cũng khó có thể bì kịp rồi.

Tuy nhiên, điều đáng nói ở đây không phải là công việc của họ mà là những nhân viên lễ tân ở khách sạn ở Pháp hoặc Ý có một thái độ tự tin, tự mãn, và tự hào thấy rõ trong cách họ hành xử công việc văn phòng. Phải nói họ rất lịch sự với khách du lịch, nhưng có lẽ lòng tự hào của họ lấn át sự thân thiện. Để so sánh cho dễ hiểu, thái độ của họ giống như những nhân viên khách sạn ở Việt Nam thời bao cấp, cái thời mà làm việc cho nhà nước trong ngành khách sạn là một đặc quyền đặc lợi. Các nhân viên lễ tân ở châu Âu mang thái độ “đặc quyền đặc lợi” như thế. Ánh mắt, nụ cười, cái nhếch môi, giọng nói, đôi vai cứng cỏi của họ nói lên rằng công việc văn phòng mà họ đang làm là cao quý đối với họ — cao quý hơn nghề lao động tay chân. Đây chẳng phải là biểu hiện của quan niệm cũ xưa còn tồn tại ở Việt Nam và một số nước châu Âu về ý thức giai cấp qua công việc?

Thế mới thấy, quan hệ xã hội ở Mỹ nhìn chung thật cởi mở. Giáo sư hay đầu bếp thì cũng như nhau. Chưa biết ai được coi trọng hơn ai đấy nhé! Người nào làm việc cật lực và đóng góp nhiều cho xã hội thì người đó được coi trọng. Đơn giản thế thôi.

Chủ nhà hàng

Một nơi khác khách thường gặp người di cư châu Á là ở các nhà hàng. Ở Nice (Pháp), khu vực gần nhà ga trung tâm, có một con đường toàn nhà hàng châu Á. Anh Thắng quê ở Phú Quốc, đã định cư ở Pháp hơn 15 năm. Vợ của anh người Kiên Giang. Công việc ở nhà hàng Việt Nam của hai vợ chồng anh tiến triển rất tốt. Nhà hàng nhỏ và ấm cúng. Chừng sáu, bảy bàn thôi và khách ra vào liên tục. Hầu hết khách đến nhà hàng của anh là khách quen. Đến 9 giờ tối phải đóng cửa không nhận thêm khách nữa, không thì họ cứ đẩy cửa vào. Có thể nói là anh sống khá thoải mái. Mỗi năm đóng cửa nhà hàng khoảng một tháng vào dip Tết để về Việt Nam chơi và thăm quê.

Cuộc sống tưởng như là êm xuôi như thế nhưng anh Thắng nói rằng làm việc bảy ngày một tuần thế này thì không hưởng thụ cuộc sống được. Anh bảo vợ chồng anh dự tính sẽ bán nhà hàng trong vòng 2-3 năm tới rồi cùng nhau quay về Việt Nam sinh sống và làm ăn với gia đình ở bên đó. Anh say sưa nói về chuyện đi Việt Nam. Khi được hỏi liệu anh có lo ngại điều kiện y tế ở Việt Nam thấp và bịnh hoạn sẽ ra sao, Thắng bảo rằng: “Chết thì ở đâu cũng chết. Tốt hơn hết là nghĩ đến chuyện hưởng thụ cuộc sống khi còn trẻ”.

Câu chuyện quay về quê cũng tương tự với một cặp vợ chồng trẻ chưa tới 30 tuổi người Campuchia, chủ nhân một nhà hàng Nhật trên cùng một con đường. Cả hai đều đã có bằng đại học, nói tiếng Pháp rành, nhưng họ cũng đang tính bán nhà hàng để quay về Campuchia sống. Hai vợ chồng trẻ bảo rằng ở đây buồn quá và họ không thích nghi được. Cả anh Thắng và họ đều nói rằng những người chủ của một loạt nhà hàng châu Á trên con đường này đang rao bán nhà hàng của họ.

Chuyện nghe qua thì có vẻ lạ, nhưng lời giải thích cho nó khá đơn giản. Cho dù là nói đến vấn đề làm ăn cật lực để kiếm sống, hoặc vấn đề hội nhập xã hội, con số thống kê cho thấy chỉ số hạnh phúc của phần đông người di cư châu Á ở châu Âu lúc nào cũng thấp hơn người bản xứ. Họ dễ rơi vào cảnh nghèo khổ hơn và hội nhập xã hội lúc nào cũng là một vấn nạn cho họ, ngay cả khi họ có việc làm. Thế hệ người di cư thứ hai có khá hơn nhưng chỉ số hạnh phúc vẫn thấp hơn người bản xứ. Việc chủ một loạt nhà hàng châu Á ở Nice đều đang tìm cách bán nhà hàng để thoát khỏi cuộc sống nơi đất khách là một trường hợp cụ thể.

Đồng cảm

Có lẽ vì tình trạng “bật gốc” này mà nhiều người di cư châu Á ở châu Âu khi gặp khách du lịch người châu Á, họ tỏ ra có một sự đồng cảm nhất định. Hai vợ chồng trẻ người Campuchia đón những người khách Việt Nam vào nhà hàng với nụ cười thân thiện hơn. Khách Việt gặp chủ Việt trong nhà hàng Việt thì vui rồi. Gặp những người phục vụ từ Phillipines trong khách sạn ở Florence (Ý) cũng thế, chạm mắt lần đầu cả hai phía đều cười chào nhau nhẹ nhàng, rồi hỏi thăm ngay và câu chuyện xoay qua vấn đề quê nhà và việc sinh sống làm ăn trên quê người… Sự kết nối với người lạ trong những trường hợp này hay ở chỗ nó làm cho người ta cảm thấy tự tin hơn về tính người trong nhân loại. Vả lại, gặp người lạ nơi đất lạ, có một mối liên hệ lạ ngắn ngủi, tất cả đều như những giấc mơ hoang trong tâm thức trẻ thơ của mỗi người. Ai mà không thích.

Đó là nói chuyện cả hai phía đều muốn mở lòng. Đối với những khách du lịch láu cá, hoặc kênh kiệu, cho dù họ là người châu Á đi chăng nữa cũng không dám chắc là người di cư và khách du lịch sẽ có chút gì để lại trong nhau, để gặp nhau trong một giấc mơ lành nơi đất khách…