Quá trình dàn dựng vở opera “Chuyện Bà Thị Kính”/ The Tale of Lady Thị Kính

—– Bài in + online Nhật Báo Viễn Đông —– Read the English version —–
Vở opera lớn (grand opera) “Chuyện Bà Thị Kính” (The Tale of Lady Thị Kính) của nhà soạn nhạc P.Q. Phan (Phan Quang Phục) sẽ được mở màn tại sân khấu lớn của trường nhạc Jacobs School of Music tại trường đại học Indiana University vào ngày 7, 8, 14, 15 tháng 2 năm 2014. “Chuyện Bà Thị Kính” là vở opera lớn về đề tài văn hóa Việt Nam đầu tiên của nhà soạn nhạc người Mỹ gốc Việt được dàn dựng quy mô và chuyên nghiệp trên sân khấu Mỹ, do đó Viễn Đông sẽ tiếp tục tường thuật những diễn biến này tới độc giả. Việc dàn dựng đã bắt đầu “chuyển động” từ nhiều tháng nay và đang đến hồi hấp dẫn. Đạo diễn sân khấu, nhạc trưởng, nhà soạn nhạc, nhà thiết kế trang phục, Giám Đốc điều hành đã được phỏng vấn. Bài kỳ này là cuộc phỏng vấn với Giám đốc Kỹ thuật Alissia Lauer về việc dựng phông cảnh và sân khấu.
Photos by Anvi Hoàng
Trong phân xưởng (paint shop), là nơi phông cảnh được dựng trong ngổn ngang gỗ miếng và gỗ cây và sơn và đủ các loại vật liệu khác nhau, cô Alissia Lauer kể cho tôi nghe về những mẫu kim loại ‘đực’ và những mẫu kim loại ‘cái’, và rồi chúng sẽ ‘hợp’ lại với nhau ra sao. Trời, đinh với búa mà sao nghe rất ‘sexy’ và đầy sức mạnh đến thế. Sexy chính là vì thái độ tự tin, sự đam mê, và sự nhiệt tình cống hiến mà cô Alissia đặt vào trong việc làm của mình, và nó thể hiện ra khi cô kể về công việc của cô ở nhà hát opera IU. Ở đây, người ta đang xây dựng phông cảnh cho vở opera “Chuyện Bà Thị Kính”/”The Tale of Lady Thị Kính” dưới sự giám sát trực tiếp của cô. Đến khi vở diễn mở màn, cô lại ở phía sau sân khấu làm việc với nhà thiết kế ánh sáng. Chỉ có mùa hè là lúc cô được rảnh rỗi nhất để trò chuyện mà thôi. Phải tranh thủ.
Có bao nhiêu người làm việc cho cô?
Tôi có hai thợ mộc làm việc full-time cho tôi, và khoảng 40 sinh viên làm việc dưới quyền của tôi. Thật ra các sinh viên không cắt đẽo gì, họ chỉ lắp ráp những thiết kế đã được các thợ mộc làm ra.
Về mặt thiết kế, có gì mới trong phông cảnh của “Chuyện Bà Thị Kính” không?
Không thể nói là không có gì mới và lạ. Cái khác biệt kỳ này là có dùng tre. Thường thì chúng tôi sơn ván ép cho nó giống tre, nhưng lần này chúng tôi muốn cảnh mang tính đặc trưng Việt Nam đúng điệu nên sẽ dùng đúng vật liệu tre.

Thông thường, phông cảnh có đúng như thật không?
Thường thì không. Ví dụ nếu cần một đà gỗ thì chúng tôi sơn cho nó giống đà gỗ, chứ không lấy cái đà mà bạn thấy trong nhà. Tất cả đều là vấn đề kỹ thuật dựng cảnh.
Quá trình xây dựng sân khấu về mặt kỹ thuật diễn ra như thế nào: từ khái niệm thiết kế và các bức vẽ của nhà thiết kế cảnh, cho đến việc tạo ra cảnh thật?
Ngay từ đầu, tôi đã nói chuyện qua điện thoại với nhà thiết kế cảnh. Tôi cũng trao đổi qua email với ông ta cả trăm lần để bảo đảm rằng mình hiểu nhà thiết kế cảnh muốn gì. Tôi nhìn vào bản vẽ thì tôi hiểu ý ông ta muốn như thế nào. Chúng tôi liên lạc thường xuyên và gởi bản vẽ qua lại nhiều lần.
Thông thường tôi phải làm việc liên tục với nhà thiết kế và phân xưởng, ví dụ để tìm cách che chỗ nối này đi chẳng hạn. Đó mà một trong những chuyện tôi phải lo vì nhà kho của chúng tôi có giới hạn. Tôi không thể xây cái gì mà bề ngang hơn 2.5 mét. Nếu phông cảnh cho người ta thuê lại sau này thì nó không thể rộng hơn 2.8 mét, không thì nó không lọt vừa xe tải chuyên chở. Đại khái là những chi tiết như thế tôi phải nghĩ tới. Tấm phông này chẳng hạn, nó cao hơn 9 mét và rộng hơn 3 mét, có nghĩa là tôi phải cắt ghép nó tại một điểm nào đó, không thì không cho lọt vào xe tải được.
Tôi cũng phải nghĩ đến những loại vật liệu nào tôi có thể dùng tới. Tất nhiên phải tính tới ngân sách nữa, ví dụ nên dùng nhôm cho dù nó mắc hơn, hay thiết, hay gỗ. Khi tôi phải dựng cây tre thì tôi phải nói chuyện nhiều với nhà thiết kế và Trưởng bộ phận sơn để xem nhà thiết kế muốn nó nhìn giống thật tới cỡ nào. Cái cây sẽ dày để nó nhìn như có chiều kích, có nghĩa là nặng, cho nên chúng tôi phải tính toán, vì rồi sau này phải khiêng nó ra vào sân khấu nữa.

Cô được tự do đến cỡ nào trong việc tạo dựng phông cảnh?
Thật ra tôi không có nhiều tự do lắm bởi vì tôi chỉ cố gắng làm sao cho phông cảnh càng giống thiết kế mà đạo diễn và nhà thiết kế muốn bao nhiều càng tốt bấy nhiêu. Tôi là người quyết định dùng vật liệu gì, nhưng ngoài chuyện đó ra thì tôi thường đáp ứng những đòi hỏi của họ về mặt thiết kế và thẩm mỹ.
Cô phải tìm hiểu nghiên cứu những gì để xây dựng phông cảnh cho “Chuyện Bà Thị Kính”?
Tôi tìm hiểu nhiều trên mạng về các loại vật liệu khác nhau tôi có thể dùng và xem chúng tốn kém cỡ nào. Trước khi có bản vẽ tôi đã nói chuyện điện thoại với nhà thiết kế và đã hình dung trong đầu phông cảnh sẽ như thế nào. Thế là tôi bắt đầu tìm hiểu về tre. Tôi tìm thấy nhiều công ty có thể vận chuyển hàng đến Indiana. Một thứ tôi tìm thấy là hàng rào tre. Nhìn qua thì giống như là một hàng rào che cứng cáp với những thân tre chắc chắn, và như thế thích hợp để làm mấy bức tường tre trong thiết kế. Chúng tôi chỉ cần trãi nó ra là được, rồi đóng nẹp phía sau cho nó thật sự cứng cáp.
Còn có nhiều tính toán thì tôi làm trong đầu thôi. Mình càng dựng nhiều phông cảnh thì mình càng có nhiều kinh nghiệm và biết cái gì làm được và không làm được trong việc xây dựng, và biết rằng không gian ở mỗi nơi đều khác nhau. Cảnh dựng ở đây thì được nhưng đem qua nhà hát New York chẳng hạn thì không xong vì ở đó không đủ sức chứa. Đó là vì sân khấu của chúng tôi là lớn thứ nhì trên toàn nước Mỹ.

Mối quan hệ trong công việc của cô với nhà thiết kế ánh sáng ra sao?
Đó là khi tôi ở trên sân khấu. Khi phông cảnh sẵn sàng, nhà thiết kế ánh sáng tới nơi và làm công việc chiếu sáng trên sân khấu. Khi chúng tôi đổi cảnh thì ông cũng chiếu sáng vào những điểm khác nhau. Trong vở Akhnaten, phông cảnh có ánh sáng ngay bên trong chúng. Lúc đó chúng tôi phải làm việc với nhau xem cần đưa thiết bị nào vào và cần bao nhiêu chỗ, vì điều này ảnh hưởng trực tiếp đến việc xây dựng cảnh. Vở “Chuyện Bà Thị Kính” thì không cần ánh sáng kiểu này.
Có nghĩa là cô ở trên sân khấu trong suốt thời gian buổi diễn?
Đúng thế.
Vậy ai là người di chuyển đồ đạc và kéo phông cảnh lên xuống khi cần?
Đó là việc của các sinh viên.
Cô có cần biết về nhạc để biết lúc nào thì chuyển cảnh không?
Tôi nhờ vào người quản lý sân khấu, đó là người theo dõi buổi diễn ngay từ lúc diễn tập. Tôi đep tai nghe và họ nói cho tôi biết khi nào cần chuyển cảnh. Đối với những vở tôi đã làm nhiều lần thì tôi dựa vào trí nhớ.
Thách thức và chuyện vui trong việc dựng phông cảnh cho “Chuyện Bà Thị Kính” là gì?
Điều thú vị là việc tìm kiếm sản phẩm bằng tre. Tre là vật liệu khác lạ, không phải thứ mà ngày nào tôi cũng dùng. Thách thức là nói chuyện với nhà thiết kế về cảnh cuối, là cảnh cái chết của Thị Kính. Ở cảnh này, phải chuyển cảnh rất nhanh và chúng tôi phải làm sao để cho Thị Kính lên tầng cao một cách nhanh chóng và an toàn nhất. Chủ yếu là vấn đề nên làm như thế nào, chứ không phải chúng tôi không biết nên làm thế nào.

Cô thích điều gì về công việc của mình?
Tôi thích làm việc với sinh viên vì tôi có cơ hội dạy họ. Tất nhiên tôi dạy họ kỹ thuật dựng cảnh trong nhà hát, nhưng cũng là kỹ năng trong cuộc sống. Hầu hết bọn trẻ không biết sử dụng cái búa như thế nào nữa kìa. Nhưng khi họ rời khỏi cây, họ có thể treo một bức tranh trên tường, trong nhà họ nếu họ muốn. Hoặc sau khi làm việc ở đây họ có thể sửa cái kệ sách. Vậy nên tôi cảm thấy mình đang dạy họ những kỹ năng trong cuộc sống.
Ngoài ra tôi cũng thích sự mầu nhiệm đằng sau sân khấu. Hồi trước tôi từng làm việc trong nhà hát như một sở thích nhưng không nghĩ mình sẽ chọn làm việc này như một nghề nghiêm chỉnh. Một lần tôi nghe một cô bé huyên thuyên không ngớt về vở Nutcracker, rằng nó mầu nhiệm như thế nào. Thế là tôi nghĩ: “OK, đây là việc mình muốn làm”.
Những lúc nhàn trong công việc là lúc nào?
Mùa hè. Thật ra cũng không phải là lúc nhàn nhưng đối với chúng tôi, như thế là nhàn, vì chúng tôi làm việc giờ giấc bình thường, 8 giờ sáng đến 5 giờ chiều. Chúng tôi vẫn dựng cảnh trong xưởng và sửa chữa các thứ nhưng không có biểu diễn nên chúng tôi không phải làm buổi tối. Thế là nhàn đối với chúng tôi. Thường trong năm học, lúc diễn tập, tôi dễ dầu cũng làm từ 70 đến 90 tiếng một tuần.

Có nhiều đàn bà làm việc trong ngành của cô không?
Không. Nói chung trong ngành này đàn ông chiếm số đông. Nhưng ngày càng có nhiều đàn bà tham gia.
Làm việc với sinh viên và thợ mộc đàn ông ra sao?
Về phần sinh viên, 50% là nam 50% là nữ. Tôi có quan hệ tốt với 2 anh thợ mộc. Thỉnh thoảng có thể mình gặp một người đàn ông có thái độ: “Ôi, cô là đàn bà. Cô không thể ra lệnh cho tôi được”. Nhưng thời buổi này chuyện này hiếm lắm. Thường thì đàn ông tỏ ra ngọt ngào và ga lăng, như: “Ồ, để tôi khiêng phụ cho cô”, nhưng tôi thì cáu lên và bảo: “Không sao, tôi làm được mà”. Tôi phải nhớ rằng họ chỉ muốn giúp đỡ thôi chứ họ chẳng có ý cà chớn hay coi thường gì mình.
–> Trở về Loạt bài Quá trình dàn dựng