Quá trình dàn dựng vở opera Chuyện Bà Thị Kính / The Tale of Lady Thị Kính
audition-1

—– Bài in + đăng Nhật Báo Viễn Đông —– Read the English version —–

Vở opera lớn (grand opera) “Chuyện Bà Thị Kính” (The Tale of Lady Thị Kính) của nhà soạn nhạc P.Q. Phan (Phan Quang Phục) sẽ được mở màn tại sân khấu lớn của trường nhạc Jacobs School of Music tại trường đại học Indiana University vào ngày 7, 8, 14, 15 tháng 2 năm 2014. “Chuyện Bà Thị Kính” là vở opera lớn về đề tài văn hóa Việt Nam đầu tiên của nhà soạn nhạc người Mỹ gốc Việt được dàn dựng quy mô và chuyên nghiệp trên sân khấu Mỹ, do đó Viễn Đông sẽ tiếp tục tường thuật những diễn biến này tới độc giả. Việc dàn dựng đã bắt đầu “chuyển động” từ nhiều tháng nay và đang đến hồi hấp dẫn. Đạo diễn sân khấu, nhạc trưởng, nhà soạn nhạc, nhà thiết kế trang phục, Giám Đốc điều hanh, Giám đốc Kỹ thuật, thợ mộc sân khấu đã được phỏng vấn. Bài kỳ này là về cuộc thi hát để phân vai. 

Photos by Anvi Hoàng 

Đến hẹn lại lên! Đầu học kỳ mùa Thu là tháng ‘gọi đàn’ hàng năm tại nhà hát IU Opera Theater. Vậy ‘gọi đàn’ là gì?

Lịch sử 

Đó là cattle call hay còn gọi là audition. Audition thì dễ hiểu: đó là buổi thi tuyển, có thể là thi hát hoặc thi tài năng hoặc thi diễn kịch, đóng phim để được phân vai. Nhưng tại sao lại gọi là ‘cattle call’?

‘Call’ có thể hiểu là lời mời, lời kêu gọi tham dự. Còn việc dùng từ ‘cattle’ thì có nhiều lời giải thích khác nhau. Nhiều người tin rằng ‘cattle’ bắt đầu được dùng khi các ứng viên dự thi bị lùa cả đám vào trong phòng và chờ đợi để được trình bày chớp nhoáng trước ban giám khảo trong vòng 1-2 phút. Họ cảm thấy mình bị đối xử tệ bạc như trâu bò vậy. Thế là ‘cattle call’ bắt đầu được dùng từ năm 1952 để chỉ những cuộc thi tuyển bao gồm cả ngàn người, phần lớn là những ứng cử viên ít kinh nghiệm và có tham vọng chen chân vào ngành điện ảnh, sân khấu. ‘Cattle call’ cũng có nghĩa là một cuộc thi tuyển thôi, nhưng vì bao hàm cả xuất xứ từ ý nghĩa ‘bị đối xử như trâu bò’ và không khí thi tuyển đầy tính cạnh tranh khắc nghiệt, cho nên tác giả bài này dịch sang tiếng Việt là ‘gọi đàn’ cho nghe “có không khí” một chút.

Không khí “một đàn, nhiều đèn, ít người xem”

Ở nhà hát opera IU Opera Theater, người ta chính thức dùng cả hai từ ‘audition’ và ‘cattle call’. Nhưng không khí thi tuyển không hề khắc nghiệt, như ở Hollywood chẳng hạn, mà ngược lại rất dễ chịu và lịch sự.

Đợt ‘gọi đàn’ thứ nhất cho 3 trong tổng số 6 vở opera của mùa học 2013-2014 – bao gồm Le Nozze di Figaro, Werther, Hansel & Gretel – đã được tổ chức vào tháng 4 vừa qua. Cuối tháng 8 rồi, tại sân khấu của nhà hát opera IU Opera Theater, đợt thi tuyển lần 2 được tổ chức cho hơn 140 sinh viên để phân vai cho 3 vở opera còn lại của mùa: đó là các vở The Tale of Lady Thị Kính, H.M.S. Pinafore, và La Traviata. Chương trình tuyển chọn diễn ra vào tối thứ 5, tối thứ 6, và cả ngày thứ 7 của 3 ngày cuối tháng 8.

Trong khán phòng rộng, 1460 ghế ngồi, các giáo sư thanh nhạc, nhạc trưởng, giám đốc dàn đồng ca, đạo diễn sân khấu, giám đốc điều hành, nhà soạn nhạc, các sinh viên và bạn bè gia đình của họ, tha hồ lựa chọn chỗ ngồi. Mọi người có mặt chủ yếu là khán giả, chỉ một số nhỏ là giám khảo – tụ họp trong một không gian đẹp và ấn tượng, lại rất yên tĩnh, thoải mái.

Về quy trình thi tuyển, các sinh viên được toàn quyền lựa chọn bài hát của mình. Thông thường họ chọn những bài hát qua đó thể hiện được chất giọng của mình, đồng thời cũng là những bài họ đã luyện tập kỹ lưỡng. Một số sinh viên với tự tin và quyết tâm muốn được phân vai mình mong muốn thì chọn hát chính bài hát của nhân vật trong vở opera họ muốn nhận vai.

Kỳ tuyển chọn lần này có một chuyện đặc biệt: đó là phân vai cho vở opera công diễn lần đầu Chuyện Bà Thị Kính/ The Tale of Lady Thị Kính. Việc tập luyện một bài hát mới thường rất tốn công và thời gian. Vì vậy những sinh viên nào thật sự muốn nhận vai trong vở Thị Kính và bỏ công tập bài hát mới của vai đó là một chuyện hiếm có và đầy phấn khởi cho ban giám khảo. Lần này, khoảng 10 sinh viên chọn hát những bài mới toanh của vở opera Thị Kính. Cho nên việc đi xem tuyển chọn càng thêm hào hứng.

audition-2
Khán giả và giám khảo đang nghe hát.

Ngạc nhiên

Sân khấu được chuẩn bị đơn giản, nhưng không khí trang nghiêm. Một cây đàn, rất nhiều đèn, một hai cây chiếu thẳng vào vị trí sinh viên đứng hát. Ứng viên bước ra, trên tay cầm bản nhạc. Họ đưa nó cho người đệm đàn đã ngồi sẵn bên cây dương cầm, rồi bước ra phía trước cây đàn, đứng ngay dưới ánh đèn, đối mặt với khán giả là các giám khảo, chuẩn bị tinh thần.

Nhạc trỗi lên, và họ cất tiếng hát. “Ôi lạ thay, sao bài hát này nghe quen quen thế!” Một người ngoài ngành như tôi có thể nghĩ thầm trong bụng. “Đúng đây là bài hát mà mình đã nghe trong đĩa của Pavarotti đấy mà”. Đúng như vậy đấy. Các bạn có biết rằng một số đoạn nhạc hay trong các tác phẩm cổ điển đã được xử dụng trong phim. Và các bài hát hay (aria) trong các vở opera đã được một số ca sĩ hát opera nổi tiếng như Luciano Pavarotti, Sarah Brightman, Andrea Bocelli trình bày. Ví dụ bài Nessun Dorma trong vở opera Turandot của Puccini, bài Brindisi trong vở La Traviata của Verdi, bài La Donna È Mobile trong vở Rigoletto của Verdi, bài E Lucevan Le Stelle trong vở Tosca của Puccini, v.v…

Cho nên, opera không xa lạ như nhiều người nghĩ; cũng không phải lúc nào cũng khó nghe khó thưởng thức. Chỉ là vấn đề nghe nhiều lần thành quen tai, và bài hát hoặc loại nhạc trở nên phổ biến.

Thưởng thức

Chính bởi vì sinh viên dự thi thường chọn hát những ca khúc hay (aria) và quen thuộc của các vở opera, đi xem tuyển chọn để phân vai là một cách rất tốt để tìm hiểu thêm về thể loại âm nhạc này.

Các bài hát thôi thì đủ thể loại: du dương mùi mẫn cũng có, dữ dội điên cuồng cũng có, buồn rầu thảm não cũng có, say xỉn điên khùng cũng có, mơ mộng lẳng lơ cũng có. Đủ các cung bậc tình cảm và tâm trạng. Hầu hết các bài là dễ nghe, êm tai. Thế là, nhạc hay, người hát giỏi, nghe rất là sướng tai – một trải nghiệm thú vị.

Là người Việt Nam, tôi còn mơ là các aria trong vở Chuyện Bà Thị Kính/ The Tale of Lady Thị Kính sẽ trở thành phổ biến trong công chúng một ngày không xa. Sao lại không?

audition-3
Một cây đàn, một người hát, nhiều đèn, ít người nghe! – không khí thi tuyển vai tại IU Opera Theater.

Học hỏi

Một điều hay khác nữa là, rất nhiều sinh viên chọn hát cùng một bài hát. Thế là sự “êm tai, sảng khoái” được nhân lên gấp 10 lần. Đến khi họ hát aria của Thị Kính và Thị Mầu, giây phút mơ mộng tự tin dân tộc cũng được kéo dài thêm 10 lần.

Bây giờ bạn hãy tưởng tượng chuyện gì xảy ra khi ta nghe một bài hát 10 lần, do 10 người khác nhau hát? Bài hát hay cách mấy thì rồi ta cũng sẽ có cảm giác chán chán – bởi vì không phải người nào cũng hát hay như người nào. Một hồi, bạn sẽ cảm thấy người thứ 3 hát bài này hay hơn người thứ 5 chẳng hạn. Đó chính là giây phút bạn bước vào một giai đoạn mới trong hành trình thưởng thức opera của mình rồi đấy: bạn đã phân biệt được giọng ca opera hay và dở.

Đối với một người không nghe opera quen, thường khó mà phân biệt giọng ca nào hay hơn giọng ca nào. Thế mà trong vòng vài tiếng đồng hồ, bạn đã làm được chuyện này. Một bài học thật đáng giá, không mất nhiều thời gian, lại không tốn đồng xu nào! Sang năm ai muốn đi nghe hát tuyển vai không nào?

–> Đọc bài tiếng Anh 

–> Trở về Loạt bài Quá trình dàn dựng

poster-0