—– Read the English version —–
Ký ức là một khoảnh tâm hồn không cần được phán xét?
Tôi bắt đầu đi thu thập ký ức về Tết của người khác từ hai năm trước và cảm thấy bị ghiền. Ghiền vì tôi cứ cho rằng ký ức là một khoảnh tâm hồn không cần được phán xét. Vậy thì có thể đem người Việt Nam lại gần nhau hơn. Thế nhưng tôi đã sai. Ngay cả một DNA trong người một con người Việt Nam cũng có thể bị đưa ra rọi dưới lăng kính ‘ý thức hệ – tình giận’ để được xem là ‘không thích hợp’. Người ta thật sự có thể là những chuyện như thế!
Ngày lễ mà khơi dậy những tình cảm nặng nề thì chẳng vui gì. Cho nên, mặc dù tôi vẫn cho rằng tất cả các ký ức về Tết của mỗi người Việt Nam đều có một giá trị nhất định và như nhau, tôi quyết định đây là loạt bài sưu tầm về Tết thứ hai, cũng là cuối cùng của tôi. Hơn nữa, có một số người bắt đầu nghĩ rằng có những sự kiện khác liên quan đến văn hóa, lịch sử Việt Nam đáng được đề cao hơn là Tết và chúng có thể thực sự nối kết người Việt Nam lại với nhau. Lúc đó, ta cứ bỏ quách Tết đi mà ăn mừng một truyền thống mới. Có thể lắm chứ. Tôi cũng đang nghĩ ra được một vài sự kiện như thế trong đầu. Thật sự có một dịp lễ như thế không nhỉ? Chừng nào tôi quyết định xong sự kiện nào thì tôi sẽ cho các bạn hay.
Trong khi chờ đợi, xin chúc mừng thời băm-bảy. Loạt bài này có thể vừa ‘ngạc nhiên’ vừa ‘thú vị’, theo nghĩa hay hoặc dở, tùy các bạn quyết định. Trong những câu chuyện Tết này, tôi tìm thấy cảm xúc ‘rất Việt Nam’ ở chúng, vào thời điểm mà tôi nghĩ rằng mình đã bắt đầu quên dần thế nào là ‘cảm xúc Việt Nam’. Vào thời điểm mà tôi nghĩ rằng có lẽ sự ngây thơ trong sáng của tình người dường như đã mất hẳn.
Xin chia sẻ với các bạn, không theo thứ tự bài viết: một chút ngây thơ trong sáng, ‘rất Việt Nam’. Một chút đời thường bận rộn, khô khan nhưng dịu ngọt một cách khác thường, nhưng cũng mang hơi hướng lo toan, ‘rất Việt Nam’. Một chút lãng mạn đặc trưng vùng miền Việt Nam. Tất nhiên không thể thoát một chút lãng mạn kiểu Pháp. Và một sự ngạc nhiên.
Xem các bạn có ngạc nhiên như tôi không nhé.
Một chiều xuân phương Bắc – Hà Quang Hiếu
Giáo viên tiếng Anh, băm mấy – Sài Gòn
Là một người gốc Bắc nhưng sinh trưởng ở miền Nam, đã hưởng trọn 29 cái Tết trong phương Nam ấm áp, tôi không ngờ rằng cái Tết thứ 30 mình lại có cơ may được ăn Tết lần đầu tiên trên quê cha đất tổ ngoài miền Bắc xa xôi.
Đối với tôi, mùa xuân phương Nam luôn là quãng thời gian đẹp nhất trong năm với nắng vàng dịu nhẹ cùng tiết trời hanh khô se lạnh. Còn mùa xuân ở miền Bắc qua lời kể của người thân, bạn bè và báo đài vừa tạo cho tôi cảm giác hào hứng với những món ăn và phong tục tập quán cổ truyền, vừa làm cho tôi không khỏi lo lắng với những mưa phùn, gió bấc và cái rét cắt da cắt thịt trước giờ lên đường.
Trời không đến nỗi rét như tôi nghĩ, nhưng mưa phùn kéo dài từ sáng sớm đến chiều tối cộng với bầu trời xám xịt lại tạo cho tôi cảm giác buồn chán suốt mấy ngày Tết. Thế mà vào buổi chiều cuối xuân hôm ấy, tất cả những rét mướt, ẩm ướt đều tan biến đi đâu mất, nhường chỗ cho bầu trời trong xanh dịu nhẹ và ánh nắng vàng ấm áp bao trùm lên khắp làng quê. Tiết trời ấy thôi thúc tôi phải nhanh chân bước ra cánh đồng làng để tận hưởng vẻ đẹp của buổi chiều xuân.
Băng qua con đường làng và rặng dừa xanh, tôi bước xuống cánh đồng quê xanh mướt. Trước mắt tôi là màu xanh non mơn mởn của những ruộng mạ tươi tốt. Màu xanh ấy trải dài đến ngút cả tầm mắt, mát dịu trong ánh nắng chiều. Trên một bờ ruộng nổi bật sắc vàng của luống hoa tần ô. Đã bao nhiêu lần được ăn canh rau tần ô nấu với thịt bằm và mê mẩn vị ngọt tự nhiên của giống rau này, nhưng đây là lần đầu tiên tôi được tận mắt nhìn thấy hoa của nó. Tôi dang rộng hai tay hít một hơi thật dài bầu không khí trong lành giữa khung cảnh xanh tươi, nên thơ và thanh bình ấy. Chợt nhớ đến một câu trong bài hát “Chiều xuân” của nhạc sĩ Ngọc Châu, tôi khẽ nghêu ngao: “Có một chiều, chiều xuân như thế. Nắng ngập tràn hồn anh ngất ngây, mùa xuân”.
Đã đi qua nhiều miền quê khác nhau trên dải đất Việt Nam, tôi yêu biết bao màu xanh của những cánh đồng. Và hôm nay, trong một buổi chiều xuân tuyệt đẹp nơi quê cha đất tổ, tôi càng thêm yêu màu xanh và cuộc sống yên bình của quê hương, đất nước.

Vài suy nghĩ về Tết thế thôi – Nguyễn Vĩnh My
Bác sĩ, bốn mấy – Sài Gòn
Tôi không có nhiều chuyện về Tết đáng để kể. Với tôi Tết là ngày mà cả gia đình được sum họp, nghỉ ngơi, và là dịp thăm viếng bà con và bạn bè, những người mà trong năm mình ít có dịp gặp gỡ.
Hồi còn con nít thì Tết là một dịp rất vui vì được nghỉ học, được mặc đồ mới, được đi chơi, được lì xì và nhất là được ở nhà cùng ba mẹ vì ngày thường ba mẹ bận đi làm suốt. Còn bây giờ, Tết là lúc mình già thêm một tuổi, ba mẹ cũng sẽ già thêm. Hình như chỉ có con nít là thích Tết thôi.
Ở bệnh viện, Tết là lúc bệnh viện ít bệnh nhân nhất, mình không phải làm việc trong môi trường quá tải đến nghẹt thở. Ở khoa ngoại, Tết chỉ có mổ cấp cứu, không mổ chương trình nên là lúc mình dễ dàng nghỉ phép hơn so với các thời điểm khác trong năm. Vì vậy, có nhiều việc trong năm không rãnh để làm thì mình lại để dành Tết ở nhà làm tiếp.
Ngoài đường thì đi lại dễ dàng hơn vì mọi người ở tỉnh về quê hết, sinh viên và học sinh không đi học nên mình không phải chịu cảnh kẹt xe như ngày thường. Thời tiết cũng đẹp hơn, không bị mưa to nên cũng không sợ bị ngập đường.
Chỉ ngán nhất là những ngày sắp Tết, thiên hạ đổ xô đi mua sắm nên đường xá đông đúc, rất dễ bị tai nạn. Đôi khi cũng sợ Tết vì mấy ngày trước Tết, nhiều nơi tổ chức liên hoan, tiệc tùng, nhậu nhẹt làm tăng tỉ lệ tai nạn giao thông. Dân chúng đổ xô về quê nhiều quá dẫn đến giao thông thường không an toàn. Kết quả là khoa tôi phải chăm sóc những trường hợp tai nạn rất đáng thương tâm.
Vài suy nghĩ của tôi về Tết là thế.
Con tim cần vui trở lại – Lưu Vĩ Lân
Nhà văn, Nhà báo, năm mấy – Sài Gòn
Lúc này đây chúng ta đang vui. Giao thừa! Trong cái thời khắc ấy, người phươngTây thường khui sâm – banh nổ trào, họ tụ tập, họ reo mừng, họ tung hoa giấy đầy trời… Còn chúng ta, trong cái thời khắc của mình, chúng ta cũng vui, nhưng là một niềm vui trầm ngâm: nhang khói bên bàn thờ gia tiên, hương án cúng trời lập lòe trước mỗi căn nhà, tiếng chuông chùa ngân nga, những bóng người chậm rãi đi hái lộc. Ngay cả thời còn đốt pháo đón Giao thừa thì dường như người Việt cũng không sôi động hơn trong tiếng pháo ran trời. Có vẻ như, tiếng pháo lại làm cho họ trầm ngâm hơn!
Hiểu được điều này không khó, bởi người Việt là một dân tộc cổ kính, nên niềm vui của họ cũng ướp đẫm hương thời gian. Đây là một dân tộc lâu đời nên cấu thành một cộng đồng vững chãi, cộng thêm một truyền thống nghiêm trang, lễ giáo, khắc kỷ… nên nhiều lúc nhìn vào thấy đời sống mang màu sắc thâm trầm, nếp sống tĩnh tại, phong thái khoan thai chậm chạm, câu hát, điệu hò sâu lắng, hoài cảm…, dễ tạo cảm giác buồn. Chả trách người nước ngoài thường nhận xét: âm nhạc Việt sao cứ mang âm hưởng buồn buồn. Thật ra, xét cho hết mọi nhẽ ta nhận ra cái chất buồn buồn đó lại là một loại niềm vui được hong khô, như những búp trà, đen, sần sùi… tưởng chừng khô héo, nhưng chỉ cần được thả vào ấm, nhờ nước truyền vào một nguồn nhiệt lượng nóng bỏng, là lập tức xanh tươi trở mình sống dậy tỏa ngát hương, như kéo cả trời đất choàng tỉnh, tươi nguyên, ngây ngất. Trà là một loại thiên nhiên được hong khô để lưu giữ.
Cũng giống như việc đóng gói, ướp hương để “bảo quản” thiên nhiên trong từng búp trà khô, người Việt dường như còn đóng gói, ướp hương để lưu giữ niềm vui.
Một dân tộc cổ kính, một niềm vui cổ kính. Đó là gia tài của chúng ta. Nhưng quy luật của đời cho thấy, mọi sự cổ kính đều để đợi ngày phục sinh, bởi để đủ sức sống, để sống đủ lâu mà trở thành cổ kính mọi sinh thể phải thay da, đổi thịt mà sống lại nhiều lần. Đời xưa cũng thế mà đời nay cũng thế.
Như một nhúm trà gói ghém cả thiên nhiên chỉ chờ được truyền nhiệt lượng để phục sinh, để nở bùng thành một chén trà xanh ngát thơm, trái tim của chúng ta cũng vậy, nó gói ghém mấy ngàn năm lịch sử của niềm vui tao nhã, giờ đây nó cần những dòng máu nóng mới để phục sinh, để trẻ trở lại, để…, chẳng hạn, “tao nhã hóa nhạc rock” và tại sao không, “rock hóa sự tao nhã”. Cứ thế, trái tim trầm mặc ấy sẽ vui trở lại, sẽ trẻ trở lại, không chỉ một lần trong phút giao thừa này, mà nhiều lần trong một ngày, nhiều ngày trong một đời, nhiều đời trong dòng thời gian lưu cửu bất tận này.

Phút phẳng lặng đêm giao thừa – Vũ Thị Tuyết Trang
Công chức về hưu, doanh nhân, sáu mấy – Hà Nội
(Bài do Anvi Hoàng ghi lại)
Tết đối với riêng mình, mình thích nhất lúc giao thừa. Từ khi sinh ra cho tới bây giờ mình đều ao ước có đêm giao thừa. Rất kỳ lạ: đó là giờ khắc giao lưu của trời đất. Đó là lúc con người được vô tư nhất. Đó là giờ phút người giàu hay nghèo đều không phải tất tả với cuộc sống nữa. Nhà ai cũng có mâm cỗ đầy. Anh em cha mẹ sum vầy.
Hồi còn bé, giao thừa thì được cha mẹ cho mặc quần áo đẹp để chuẩn bị đón giao thừa, để ăn các món ngon. Khi trưởng thành, lúc tuổi thanh niên, mình thích phút phẳng lặng đêm giao thừa để cùng các bạn đi chơi, đi hái lộc xuân, để thưởng thức không gian mà con người không phải lo cơm áo gạo tiền. Khi lớn tuổi hơn như bây giờ, thì mình thích không gian của đất trời đêm giao thừa. Mình rất thích sự phẳng lặng của đêm giao thừa. Từ 11 giờ trở đi, mọi người háo hức chờ đón giao thừa. Đến 12 giờ là thời khắc giao điểm của năm cũ sang năm mới, là thời khắc mà cảm nhận của mình đối với thời gian là một cảm giác bâng khuâng, háo hức. Ngay thời khắc đó, con người mình như đổi khác, như có thêm một cái gì đó. Mọi người thường nói thêm tuổi, nhưng mình chưa nói đến việc thêm tuổi, mình muốn nói là con người mình được thêm một cái gì đó không thể tả ra được. Nhưng mà đến tận giờ mình vẫn có sự ao ước, vẫn thích giờ khắc giao thừa. Trời có thể là mưa hoặc có thể là không mưa. Cũng có thể lạnh hoặc không lạnh. Nhiệt độ hay thời tiết không là vấn đề đối với cảm nhận của mình lúc giao thừa.
Tết thì thích nhất đêm giao thừa. Đêm giao thừa thì thích là nhất thời khắc giao thừa.
Tết không cô đơn – Cao Minh Quê
Cán bộ về hưu, bảy mấy – Đà Lạt
(Bài do Anvi Hoàng ghi lại)
Khi mẹ tôi còn sống, năm nào cũng vậy, rằm tháng chạp là bà bắt đầu làm mứt, làm bánh để dành Tết. Bà làm mứt khô như mứt đậu trắng, mứt khoai lang; mứt dẻo với thơm, cà rốt, gừng, quất – là các loại mứt dùng những thứ cây trái đặc sản của Đà Lạt. Đến 23 tháng chạp là cúng ông táo. Chiều 27, 28 là gói bánh chưng bánh tét; rồi thức đêm nấu và canh bánh. Thường Tết trong gia đình tôi là vậy. Nhưng một trong những cái Tết mà tôi không bao giờ quên là Tết năm 1973, lúc tôi ở nhà tù Thủ Đức.
Lúc đó, tôi bị giam ở trại biệt giam. Tôi biết rằng bên cạnh phòng giam của tôi là Trại Giam Thiếu Nhi. Bên ấy rất đông và bọn trẻ rất ồn. Mấy hôm trước Tết, tối nào bọn nhỏ cũng thức khuya hát hò. Tôi chỉ nghe tiếng bọn chúng qua vách tường. Có một hôm, một đứa nhỏ đứng lên hát và trước khi hát nó bảo rằng: “Bài này em hát tặng cho cô Cao Minh Quê”. Tôi nghe giật mình. Tôi không biết mặt mũi đứa bé ra sao. Nó ở bên kia vách tường, tôi ở bên này. Chỉ biết bài hát đứa bé chọn là bài Tiếng Đàn Mùa Xuân. Bài hát này được sáng tác vào khoảng Tết năm 1973 của một tác giả miền Nam. Về sau này, cách đây cũng lâu rồi, tôi có nghe lại bài hát này, vẫn rất hay. Người ta cũng chỉ hát bài này vào mùa Xuân mà thôi.
Phải nói cái đêm đó, nửa đêm mà nghe một người vắng mặt ở tuốt bên kia vách tường hát tặng mình, tôi cảm thấy rằng mình ở trong tù nhưng rõ ràng là mình không cô đơn chút nào.
–> Đọc bài tiếng Anh