Chống Tàu từ trong ra ngoài

—– Read the English version —–
Không có lòng tự hào để trụ ở đời, chúng ta như những linh hồn lạc lối.
Việt Nam là nước nhỏ bé tí cạnh Tàu. Đây là một lý do khiến Việt Nam đến nay vẫn bị Tàu ăn hiếp trong những trò chơi chính trị của Tàu với Nga và Mỹ. Việt Nam lại một lần nữa là con vật thí nghiệm trên bàn cờ này. Đáng buồn. Đau lòng. Giận điên. Tức hộc máu. Không gì làm nguôi ngoai được. Nhưng buồn hoặc xả tình cảm năm phút thôi. Đặt tình cảnh Việt Nam trong bức tranh thế giới, có những chuyện mình chả làm gì được. Càng suy nghĩ thì càng buồn, càng thấy phức tạp và rối rắm. Tốt hơn hết là dành sức lực nghĩ xem bản thân mỗi người Việt Nam, bản thân chính mình làm được gì để góp phần cải thiện tình hình đó, về lâu về dài. Có nhiều việc cần phải làm lắm. Cho tất cả mọi người.
Cho dù Việt Nam có đánh nhau với Tàu hay không, chiến tranh thế giới lần thứ 3 có diễn ra hay không, ai thua ai thắng, tương lai của Việt Nam ra sao, thì vấn đề làm cho Việt Nam giàu và mạnh lên, để người Việt Nam và văn hóa Việt Nam được tôn trọng hơn dưới con mắt người nước ngoài, vẫn là vấn đề chính. Việc này do người Việt Nam trong nước làm là chính. Còn tôi, một kẻ đã bỏ nước ra đi, làm được gì? Tôi tự an ủi, ít nhất tôi không xỉ vả đất nước tôi. Trong giao tiếp hàng ngày, lúc nào cũng đặt cho mình nhiệm vụ là dạy người Mỹ và người nước ngoài về đất nước và con người Việt Nam. Và như thế, tôi đã chọn cho mình một con đường. Cho bản thân mình, vì sự cứu rỗi của chính linh hồn mình. Tôi chọn cuộc chiến văn hóa.
Từng giây từng phút tôi đều phải làm những việc sau đây.
2: Tự hào là người Việt Nam.
3: Tẩy chay hàng hóa Tàu.
4: Tẩy chay văn hóa Tàu.
5: Đấu tranh văn hóa.
Nếu chúng ta quá bận rộn lo bắt chước người khác thì không còn sức và thời gian để sáng tạo ra cái mới cho riêng mình.
Nói chung, người Mỹ có phần coi trọng người Nhật, Nam Hàn hoặc Tàu (hơn người Việt Nam) vì họ cho rằng văn hóa những nước này có truyền thống lâu đời và có nhiều điều đáng nể. Vì tinh thần dân tộc của người Nhật cao và vì sự đầu tư lớn của nhà nước họ, thế giới đã biết đến nước Nhật qua hình ảnh bộ trang phục cổ truyền Nhật, những võ sĩ samurai, trà đạo Nhật, hoặc văn hóa của những cô geisha. Sau đó, người Nam Hàn cũng bắt đầu đầu tư mạnh vào văn hóa. Họ quảng cáo và tung văn hóa của họ ra khắp thế giới qua hình ảnh bộ trang phục cổ truyền của người Đại Hàn, truyền thống ăn uống của món kim chi. Và ngay tại thời điểm này, họ đã qua mặt người Nhật mà giới thiệu đến thế giới những nghệ sĩ biểu diễn nhạc thính phòng và giao hưởng thật tài ba mà giới chuyên môn ở Mỹ hay châu Âu đều phải công nhận.
Chiến tranh văn hóa như kể trên không phải là chuyện gì mới mẻ. Từ xưa tới nay các nước lớn vẫn dùng ‘văn hóa’ như một cái cớ để đồng hóa, đô hộ, xâm lấn và cướp các nước nhỏ hơn mà người ta cho là ‘lạc hậu’ hơn. Thế nhưng trong lịch sử loài người có một đất nước nhỏ bé, thay vì là bị đồng hóa thì chính họ lại là người đồng hóa kẻ xâm lăng. Đất nước đó chính là Việt Nam. Nhiều nhà nghiên cứu ngày nay tin rằng trong thời gian dài Việt Nam bị Tàu đô hộ, chính người Tàu là người bị văn hóa Việt Nam quyến rũ và bị đồng hóa, chứ không phải là ngược lại. Và chính chất Hồn Việt đậm đặc này của người Việt Nam đã làm cho đất nước Việt Nam tồn tại đến ngày hôm nay. Nhưng nói chuyện xưa ít thôi, bởi vì chúng ta không thể bám víu vào quá khứ để mà sống. Tôi đã bỏ thói quen đào bới quá khứ để mà bàn cãi. Thay vào đó, tôi tìm những cách mới mẻ hơn để sống và làm việc, và để kể về văn hóa Việt Nam. Quay lại vấn đề quảng cáo văn hóa ở thế kỷ 21. Đã biết rằng thời xưa cũng như thời này, chiến tranh văn hóa luôn là một vũ khí lợi hại, vậy thì bản thân tôi có thể làm gì để quảng cáo văn hóa Việt Nam theo tinh thần Hồn Việt như kể trên.
Người Mỹ nhìn Việt Nam như một xứ lạc hậu, văn hóa lệ thuộc Tàu. Họ sai hoàn toàn. Họ tưởng họ biết Việt Nam thế thôi, chứ trên thực tế, ngoài vài hình ảnh, khái niệm và ký ức về chiến tranh Việt Nam, họ không biết gì về con người và đất nước Việt Nam. Do đó tôi biết mình phải làm gì khi chọn cuộc chiến văn hóa. Tôi thấy cái hay của người Nhật và người Nam Hàn, nhưng tôi không đề cao văn hóa của họ. Tôi cũng thấy cái hay của người Mỹ, nhưng tôi không đề cao văn hóa của họ. Mỹ là Mỹ, Việt Nam là Việt Nam, tôi là tôi. Tôi không bao giờ quên rằng sau mấy ngàn năm bị ăn hiếp, đến nay Việt Nam vẫn là một đất nước độc lập. Điều này cho thấy chất hồn Việt của dân tộc Việt Nam rất mạnh, và rằng mỗi người Việt Nam mang trong mình chút hồn Việt đó. Cũng như nhiều người Việt Nam yêu nước, tôi muốn phát huy hết cỡ chút hồn Việt của mình.
Hơn 200 năm từ khi thành hình, nước Mỹ tiến rất nhanh một phần là vì họ không có quá khứ để mà bám vào, cái thứ có thể kéo họ dừng lại hoặc kéo họ đi ngược lại. Họ dồn hết sức trượt thẳng trên hiện tại và tương lai. Tôi học điều này ở người Mỹ. Tôi gỡ bỏ cái cùm quá khứ và chỉ suy tính chuyện hiện tại và tương lai mà thôi: những truyền thống cũ của Việt Nam, những cách suy nghĩ cũ, một lối sống cũ, v.v. cái gì ảnh hưởng từ Tàu, hoặc cái gì tôi thấy không hợp thời hoặc không có lợi cho Việt Nam nữa thì bỏ hết, không bàn bạc thảo luận gì với ai cả. Tự tôi sống theo cách Việt Nam của riêng tôi và tạo ra “truyền thống mới” cho riêng mình.
Ví dụ một: hơn 10 năm nay, tôi không đi ăn ở nhà hàng Tàu nữa. Những người phục vụ ở các nhà hàng Tàu mặt mày lạnh lẽo cau có tôi không muốn nhìn. Tôi cũng không muốn cho vào bụng các món ăn nhiều dầu mỡ trộn với bột nêm nếm và gia vị khô. Những món ăn nhiều chất béo, thiếu chất tươi như thế không những không cao cấp mà còn độc hại nữa. Tôi cũng đã đi Nam Hàn nhiều lần, ở Thái Lan hai tháng. Thức ăn của họ cũng không phong phú và tươi ngon bằng món ăn Việt Nam. Có thể nói, văn hóa ăn uống của Việt Nam thuộc loại cao chót vót trên thế giới. Thức ăn Việt Nam vừa tươi, vừa ngon, vừa bổ. Kỹ thuật nấu ăn của người Việt Nam cũng không thể chê được. Để dụ bạn bè người Mỹ đi Việt Nam chơi, tôi bắt đầu quảng cáo văn hóa ăn uống của Việt Nam. Nào rau tần ơ rau tía tô tươi thơm ở Cần Thơ, nào tôm cá mới bắt ngoài biển Nha Trang, nào tô phở nước trong vắt bốc khói ở Hà Nội, nào miếng thịt vịt mềm như bơ muốn tan trong miệng, nào cá kho tộ cay thơm đậm đà ở Sài Gòn, nào tôm ram giòn tan ở Đà Nẵng, nào suất bánh nậm bánh bột lọc ở Huế, vân vân và vân vân. Các món ăn của Việt Nam đều mang nhiều mùi vị khác nhau, kỹ thuật nấu cũng khác nhau hoàn toàn, làm cho mỗi món ăn mang dấu ấn đặc biệt không thể nào quên. Đây chính là biểu hiện của một mảng văn hóa đã được chắt lọc qua thời gian để trở thành tinh hoa.Tôi nói đến nỗi ai cũng đòi đi Việt Nam ngay sang năm.


Ví dụ hai: những người bạn Mỹ của tôi thường đã thích thức ăn Việt Nam rồi, tôi thường xuyên ‘dụ dỗ’ như kể trên và còn kể thêm về văn hóa khách sạn của Việt Nam. Những khách sạn boutique (là phiên bản mới của loại khách sạn mini trước kia) ở Việt Nam, đặc biệt là ở Hà Nội, ba đến bốn sao nhưng dịch vụ thuộc loại sáu sao, kể cả ngày cũng không hết chuyện hay. Hoặc các khách sạn bốn sao ở Việt Nam nói chung đều như thế. Ở đây, nhân viên khách sạn lịch sự và hiểu biết, chăm lo chu đáo cho từng người khách. Ở đây, bữa ăn sáng đã được tính luôn trong tiền đặt phòng, mà không phải ăn kiểu khách sạn ở Mỹ chỉ có bánh mì và bơ đâu nhé: bữa ăn sáng ngoài sức tưởng tượng gồm cả trăm món ăn đủ cả Tây và Ta. Hãy tưởng tượng một bữa ăn sáng buffet trăm món được bày trong một khoảng không gian rộng mấy trăm mét vuông, nơi đèn được bật sáng và bàn ăn được trải khăn tươm tất. Mọi thứ được tính toán và xếp đặt đến hoàn hảo. Xà lách xanh tươi được cắt nhỏ vừa miệng ăn, những khoanh bơ vàng óng được vanh tròn như những viên bi đặt trên nước đá, món su su cà rốt xào nấm và tôm đủ màu sắc bốc khói, v.v. Mọi thứ đều hấp dẫn. Nếu không phải ăn buffet thì là ăn theo kiểu thực đơn các món cao cấp. Gọi món nào đầu bếp nấu ngay món đó. Xét ra, chất lượng khách sạn; chất lượng các món ăn, từ cách trình bày đến cách phục vụ đều tuyệt vời: đây là thể hiện trình độ văn hóa cao. Văn hóa cao là vì cả người sáng tạo và người thưởng thức đều cùng tham gia vào một hoạt động với sự đam mê và tinh tế, để bộc lộ và thưởng thức một nét đẹp trong cuộc sống trần tục của con người, qua một khái niệm mà ai cũng hiểu: ăn uống và ngủ nghỉ. Và như thế, người Việt Nam đã nâng tầm cỡ văn hóa ăn uống và văn hóa khách sạn Việt Nam lên và biến chúng thành tinh hoa của văn hóa thế giới.





Nhân nói chuyện văn hóa ăn uống, tôi lại mơ một ngày người Việt Nam không tổ chức sự kiện, đặc biệt là đám cưới, ở nhà hàng Tàu nữa. Ai lại đi tổ chức ngày họp mặt Tây Sơn-Bình Định ở một nhà hàng Tàu! Có thể xem đây là một thói quen tai hại vì nó cho thấy mình không tự hào Việt Nam đúng mức. Quang Trung ở dưới mồ hẳn cũng buồn lắm!!! Trong giấc mơ của mình, tôi thấy người Việt Nam họp nhau ở các nhà hàng Việt Nam sáng sủa, lịch sự, sạch sẽ. Người Việt Nam sử dụng sản phẩm và dịch vụ Việt Nam, với lòng tự hào dân tộc cao: đây chính là một nét văn hóa đẹp. Và tất cả những hành động kể trên đều là góp phần làm mới văn hóa Việt Nam và phát tán chất Hồn Việt nơi mỗi người Việt Nam.
Và như vậy, tôi gọi “không đi ăn nhà hàng Tàu”, và “quảng cáo văn hóa Việt Nam theo cách mới” là hai trong số nhiều “truyền thống mới” của riêng mình. Sinh ra và lớn lên ở Việt Nam trong một nền văn hóa truyền thống mà việc quảng cáo chính mình được cho là không tốt, tôi phải mất bao nhiêu năm trời ở Mỹ mới tập được cách quảng cáo cho văn hóa Việt Nam sao cho có hiệu quả. Do đó mà tôi gọi thói quen quảng cáo này là một truyền thống mới của tôi. Nhưng phải biết quảng cáo “theo cách mới” kia, nghĩa là phải dùng đúng loại ngôn ngữ và cách phân tích mà người Mỹ hiểu được thì họ mới thấy và nể văn hóa của mình. Như cách tôi phân tích văn hóa ăn uống và khách sạn của Việt Nam ở trên. Hoặc khi nói về chùa Một Cột, tôi phân tích rằng:
Kiến trúc chùa Một Cột (thế kỷ 11) của Việt Nam được xây dựng dựa trên một khái niệm hoàn toàn trái ngược truyền thống, ngược tự nhiên: ‘trên lớn dưới bé’ hoặc ‘cái bé đỡ cái lớn’. Hãy tượng tượng người ta có thể xây kim tự tháp ngược, chúc mũi xuống đất! Mãi đến đầu thế kỷ 20 con người hiện đại mới mon men đến gần ý tưởng ‘xây ngược’ đã được thực hiện ở Việt Nam cả ngàn năm trước: trên lớn dưới bé. Công trình kiến trúc đầu tiên có phần đài bên trên to rộng hơn phần nền bên dưới là Thư viện Geisel của Trường Đại Học San Diego (University of California, San Diego) ở bang California. Tòa nhà Geisel do kiến trúc sư William Pereira thiết kế, mở cửa vào năm 1970. Vậy thì chính xác là ý tưởng thiết kế trong kiến trúc chùa Một Cột đi trước thời đại cả ngàn năm. Nó là một trong những kiến trúc độc đáo nhất thế giới! (Đọc thêm về chùa Một Cột ở đây).
Phân tích kiểu này thì người Mỹ nào cũng hiểu được và cũng phải kính nể văn hóa Việt Nam! Ai dám chê chùa Một Cột thì tôi chỉnh họ ngay. Còn chuyện Bà Thị Kính cũng tương tự: Trong lúc phong trào đấu tranh cho quyền lợi của người đàn bà chỉ bắt đầu rầm rộ ở Mỹ vào đầu thế kỷ 20, ở Việt Nam vào thế kỷ 10 đã có một câu chuyện nói lên tiếng nói của người đàn bà đòi công lý (Thị Kính), đòi bình đẳng (Vợ Mõ), đòi tự do yêu đương (Thị Mầu). Như vậy thì Việt Nam cũng đã đi trước thế giới cả ngàn năm trong vấn đề đấu tranh xã hội! Như thế là Việt Nam có một nền văn hóa rất cao và rất sâu. Vân vân và vân vân.

********
Cuộc đụng độ giữa Việt Nam và Tàu đang diễn ra. Báo chí thế giới đã đưa tin. Một lần nữa, thế giới lại nghe đến Việt Nam qua tin đánh đá. Tôi không muốn hình ảnh đất nước Việt Nam lại gắn liền với một cuộc chiến tranh khác, và văn hóa Việt Nam lại bị bỏ lơ. Cả thế giới đã sai lầm về Việt Nam, một đất nước nhỏ bé có thể đồng hóa kẻ xâm lăng. Đến nay, đất nước đó vẫn đang chờ đợi một cơ hội để chứng tỏ mình. Chính tôi phải hành động ngay, không cần chờ đợi gì cả. Và mỗi người Việt Nam đều có thể hành động ngay, không cần chờ đợi gì cả. Hãy tham dự vào cuộc chiến văn hóa.
Nếu chúng ta quá bận rộn lo bắt chước người khác thì không còn sức và thời gian để sáng tạo ra cái mới cho riêng mình.
(Còn tiếp)
–> Đọc bài tiếng Anh
Cám ơn bạn vì những lời tốt đẹp. Tôi cũng đồng ý về việc phải thoát khỏi ám ảnh của cuộc chiến tranh với Mỹ ngày xưa. Thật ra thì các bạn trẻ ở Việt Nam đã không sống trong cái bóng của nó từ lâu rồi. Và họ là tương lai của Việt Nam. Vậy thì chúng ta cứ tiếp tục hy vọng… 😉
Cảm thấy vui vì Đất Nước này còn những người như bạn 😀
Tôi quen 1 chị người Việt Nam ở Nhật. Công việc của chị là cầu nối giữa chi nhánh ở VN và Nhật, giúp cho các bên có thể trao đổi, làm việc thuận tiện hơn.
Với công việc này, chị đã giúp đỡ được rất nhiều người Việt Nam khi qua đó làm việc, onsite…
Ngoài ra cũng giúp thể hiện văn hóa Việt Nam với người Nhật, những người đồng nghiệp, bạn bè của cô ấy.
Đôi khi, người ta làm một công việc thầm lặng, đóng góp cho Đất Nước theo những cách không của riêng ai 🙂
Những điều này, có ý nghĩa và thiết thực hơn rất nhiều với những người chỉ suốt ngày bị ám ảnh bởi quá khứ về một cuộc chiến mấy chục năm trước.