Chống Tàu từ trong ra ngoài

Tranh kỹ thuật số của Hoàng Ngọc Biên - Digital artwork by Hoàng Ngọc Biên.
Tranh kỹ thuật số của Hoàng Ngọc Biên – Digital artwork by Hoàng Ngọc Biên.

—– Read the English version —–

Không có lòng tự hào để trụ ở đời, chúng ta như những linh hồn lạc lối.

Việt Nam là nước nhỏ bé tí cạnh Tàu. Đây là một lý do khiến Việt Nam đến nay vẫn bị Tàu ăn hiếp trong những trò chơi chính trị của Tàu với Nga và Mỹ. Việt Nam lại một lần nữa là con vật thí nghiệm trên bàn cờ này. Đáng buồn. Đau lòng. Giận điên. Tức hộc máu. Không gì làm nguôi ngoai được. Nhưng buồn hoặc xả tình cảm năm phút thôi. Đặt tình cảnh Việt Nam trong bức tranh thế giới, có những chuyện mình chả làm gì được. Càng suy nghĩ thì càng buồn, càng thấy phức tạp và rối rắm. Tốt hơn hết là dành sức lực nghĩ xem bản thân mỗi người Việt Nam, bản thân chính mình làm được gì để góp phần cải thiện tình hình đó, về lâu về dài. Có nhiều việc cần phải làm lắm. Cho tất cả mọi người.

Cho dù Việt Nam có đánh nhau với Tàu hay không, chiến tranh thế giới lần thứ 3 có diễn ra hay không, ai thua ai thắng, tương lai của Việt Nam ra sao, thì vấn đề làm cho Việt Nam giàu và mạnh lên, để người Việt Nam và văn hóa Việt Nam được tôn trọng hơn dưới con mắt người nước ngoài, vẫn là vấn đề chính. Việc này do người Việt Nam trong nước làm là chính. Còn tôi, một kẻ đã bỏ nước ra đi, làm được gì? Tôi tự an ủi, ít nhất tôi không xỉ vả đất nước tôi. Trong giao tiếp hàng ngày, lúc nào cũng đặt cho mình nhiệm vụ là dạy người Mỹ và người nước ngoài về đất nước và con người Việt Nam. Và như thế, tôi đã chọn cho mình một con đường. Cho bản thân mình, vì sự cứu rỗi của chính linh hồn mình. Tôi chọn cuộc chiến văn hóa.

Từng giây từng phút tôi đều phải làm những việc sau đây.

1: Tự hào về Việt Nam.

Mấy ngàn năm nay, Tàu chưa khi nào ngừng việc mưu đồ chiếm Việt Nam. Việt Nam là một nước bé tí. Vậy mà mấy ngàn năm đến nay vẫn là Việt Nam. Sự tồn tại của Việt Nam là một điều kỳ diệu. Chỉ cần nghĩ đến chuyện này cũng đủ làm tôi tin tưởng về tương lai của Việt Nam, và tự hào là người Việt Nam.

2: Tự hào là người Việt Nam.

Bình thường, người ta sống trong môi trường dễ chịu, đầy đủ mà phát triển thành người có ích cho xã hội là chuyện dễ làm. Trong khi đó, người dân ở Việt Nam sống trong môi trường khắc nghiệt, khó khăn hơn nhiều. Nhưng triệu triệu người Việt Nam vẫn giữ được tính nhân bản và lương tâm thánh thiện. Những người như thế đầy quanh bạn. Tôi tự hào về họ. Suy nghĩ của tôi về lòng tự hào Việt Nam có thể đơn giản như thế này đây.

Không có lòng tự hào để trụ ở đời, chúng ta như những linh hồn lạc lối.

3: Tẩy chay hàng hóa Tàu.

Chuyện bỏ mua hàng hóa của Tàu thì bao lâu nay nhiều người nói rồi. Ai tẩy chay được bao nhiêu thì làm bấy nhiêu. Từ 8 năm nay tôi đã làm chuyện này. Mỗi năm chỉ mua vài ba món hàng Tàu. Nhưng có lẽ chuyện này sẽ trở nên dễ dàng hơn nữa khi mà quan hệ Mỹ – Tàu càng ngày càng căng hơn và phong trào đấu tranh đem việc về lại Mỹ để tạo công ăn việc làm cho 10% người Mỹ mất việc đang có khuynh hướng mạnh lên. Lúc đó việc tẩy chay hàng Tàu sẽ trở nên dễ dàng hơn nhiều cho tất cả mọi người.

4: Tẩy chay văn hóa Tàu.

Vay mượn không phải là cách giải quyết khôn ngoan.

Tẩy chay hàng hóa Tàu không chưa đủ, chuyện quan trọng hơn là tẩy chay văn hóa Tàu. Những gì người Việt Nam phải vay mượn Tàu hồi xưa, bây giờ đã là đồ cổ rỉ sét gây tê-ta-nốt (tetanus, bệnh uôn ván) cho chính người Việt Nam. (1) Một nền văn hóa mọi rợ như Tàu giết bé gái giữ bé trai thì không có lý do gì mình tiếp tục vay với mượn. (2) Đến thế kỷ 21 này, vay mượn không bao giờ là cách giải quyết khôn ngoan. Mình phải là chính mình, để không bị hòa tan vào biển toàn cầu hóa.

Chả thế mà những bộ phim võ sĩ đạo của Nhật vẫn được người nước ngoài thích. Họ chỉ là họ, là người Nhật, ăn mặc kiểu Nhật, suy nghĩ như người Nhật, nói năng cư xử như người Nhật. Họ dùng tinh hoa của văn hóa Nhật, cộng với kỹ thuật làm phim của phương Tây để nâng tầm văn hóa Nhật lên cấp tinh hoa văn hóa thế giới. Và người Mỹ có ấn tượng tốt về văn hóa Nhật một phần do những bộ phim rất Nhật đó. Nam Hàn cũng cạnh tranh quyết liệt để không thua kém Nhật, đã bỏ công học hỏi sáng tạo để những bộ phim truyền hình của họ trở nên có sức hút khắp các nước châu Á và hấp dẫn đối với người châu Á khắp nơi trên thế giới. Và như thế văn hóa Nam Hàn lan truyền khắp nơi.

Nói chuyện với người Nhật và Nam Hàn mà khen văn hóa họ thì họ thích, chứ đem so sánh văn hóa họ với nhau hoặc với Tàu thì họ ghét lắm. Đơn giản là vì, tôi cho rằng nếu người Nhật hoặc người Nam Hàn đề cao văn hóa các nước khác thì áp lực của tâm lý tự ti đã nghiền nát tinh thần sáng tạo của họ ngay từ cái mầm bé tí. Học hỏi cái hay là một chuyện, nhưng không đề cao người khác. Vậy thì với tinh thần học hỏi, bản thân tôi làm sao để nâng tầm chất hồn Việt của mình và hội nhập vào cuộc sống ở Mỹ.

13 năm sống ở Mỹ, tôi đã trầy trật với câu hỏi này trong nhiều năm, cố tìm một lối sống để chất Việt Nam trong người phát mạnh và được nhìn nhận. Trước hết, tôi tự tẩy não mình: thơ văn, tích chuyện, phim ảnh Tàu, v.v. tôi bỏ tất cả. Khi nhận thấy đầu óc mình lan man đến gần những chuyện liên quan đến Tàu, tôi dừng ngay. Như bật tắt công tắc điện, thói quen mới trở thành nếp ngay, và đầu óc tôi trở nên trống rỗng khỏi mớ rác rưởi cũ nát của Tàu mà xưa kia ông bà tôi phải nhồi vào đầu. Trên nền trống rỗng đó, tôi lấp đầy chuyện của Việt Nam. Tôi không bao giờ dẫn chuyện của Tàu nữa, cho dù là nói hay viết. Thay vào đó, tôi dẫn Trạng Quỳnh, Tú Xương, Hồ Xuân Hương, Nguyễn Trường Tộ, Phan Chu Trinh, Phan Bội Châu, Ngô Đình Diệm, Hồ Chí Minh, Võ Nguyên Giáp, Kim Định, v.v. Khi đầu tôi không còn rác Tàu nữa thì tự nhiên tôi cũng có thể quay lại mà nhìn văn hóa Việt Nam một cách khác hẳn. Mỗi một món: áo dài, áo bà ba, áo tứ thân, hát chèo, chầu văn, bài chòi, chùa một cột, đình Đinh Lê, v.v., nó không phải là điều gì đó cũ kỹ để người ta làm mới, nó cũng không phải mới mẻ, nhưng nó như một thực thể sống có sức truyền cảm riêng, làm một bàn đạp để từ đó người ta đứng lên và đi tiếp. Tôi đã nhìn Việt Nam với con mắt của một người Việt Nam sống ở thế kỷ 21, trong tinh thần sáng tạo và tích cực. Đó là cách tôi giữ gìn văn hóa Việt Nam. Nhưng quan trọng hơn là vấn đề tìm ra cái mới. Muốn có văn hóa phong phú thì phải có sản phẩm văn hóa phong phú. Sách báo chính là một trong những sản phẩm đó. Tôi nhìn quanh, chẳng cần nhìn đâu xa, văn hóa Việt Nam rất phong phú, bởi vì Việt Nam mình có quá nhiều chuyện hay vì lịch sử như thế và cuộc sống sôi động như thế, nhưng chưa đủ người viết và kể chuyện Việt Nam. Vậy thì tôi viết. Việc viết lách, việc làm blog của tôi nói chung và loạt bài “Chân Dung Người Việt Thế Kỷ 21” nói riêng ra đời với mục đích đó. Còn những chuyện khác nữa tôi đang làm thì chưa bật mí lúc này được. Xin hẹn dịp khác.

Vay mượn không phải là cách giải quyết khôn ngoan. Phải sáng tạo.

(Còn tiếp)

–> Đọc bài tiếng Anh