Chống Tàu từ trong ra ngoài

Tranh kỹ thuật số của Hoàng Ngọc Biên – Digital artwork by Hoàng Ngọc Biên.
Tranh kỹ thuật số của Hoàng Ngọc Biên – Digital artwork by Hoàng Ngọc Biên.

 —– Read the English version —–

Không có lòng tự hào để trụ ở đời, chúng ta như những linh hồn lạc lối.

Việt Nam là nước nhỏ bé tí cạnh Tàu. Đây là một lý do khiến Việt Nam đến nay vẫn bị Tàu ăn hiếp trong những trò chơi chính trị của Tàu với Nga và Mỹ. Việt Nam lại một lần nữa là con vật thí nghiệm trên bàn cờ này. Đáng buồn. Đau lòng. Giận điên. Tức hộc máu. Không gì làm nguôi ngoai được. Nhưng buồn hoặc xả tình cảm năm phút thôi. Đặt tình cảnh Việt Nam trong bức tranh thế giới, có những chuyện mình chả làm gì được. Càng suy nghĩ thì càng buồn, càng thấy phức tạp và rối rắm. Tốt hơn hết là dành sức lực nghĩ xem bản thân mỗi người Việt Nam, bản thân chính mình làm được gì để góp phần cải thiện tình hình đó, về lâu về dài. Có nhiều việc cần phải làm lắm. Cho tất cả mọi người.

Cho dù Việt Nam có đánh nhau với Tàu hay không, chiến tranh thế giới lần thứ 3 có diễn ra hay không, ai thua ai thắng, tương lai của Việt Nam ra sao, thì vấn đề làm cho Việt Nam giàu và mạnh lên, để người Việt Nam và văn hóa Việt Nam được tôn trọng hơn dưới con mắt người nước ngoài, vẫn là vấn đề chính. Việc này do người Việt Nam trong nước làm là chính. Còn tôi, một kẻ đã bỏ nước ra đi, làm được gì? Tôi tự an ủi, ít nhất tôi không xỉ vả đất nước tôi. Trong giao tiếp hàng ngày, lúc nào cũng đặt cho mình nhiệm vụ là dạy người Mỹ và người nước ngoài về đất nước và con người Việt Nam. Và như thế, tôi đã chọn cho mình một con đường. Cho bản thân mình, vì sự cứu rỗi của chính linh hồn mình. Tôi chọn cuộc chiến văn hóa.

Từng giây từng phút tôi đều phải làm những việc sau đây.

1: Tự hào về Việt Nam.

2: Tự hào là người Việt Nam.

3: Tẩy chay hàng hóa Tàu.

4: Tẩy chay văn hóa Tàu.

5: Đấu tranh văn hóa

6: Suy nghĩ tích cực.

7: Tránh dùng chữ Hán-Việt.

Chữ Hán-Việt là một phần của tiếng Việt, có những chữ tôi dùng mà không biết là Hán-Việt vì nó đã được Việt hóa và không có chữ tiếng Việt khác thay thế. Trong lúc đó, có những chữ Hán-Việt mà tôi phải dịch thêm một ngoai nữa ra tiếng Việt thì mới hiểu được. Tôi chả muốn hành hạ đầu óc mình kiểu này. Tôi đã từng đọc tin người ta đi biểu tình chống Tàu, giương cờ hiệu “Canh tân”. “Đổi mới” có hay hơn không, sao phải dùng “canh tân”. Đó là chưa kể đi biểu tình chống Tàu mà dùng chữ Hán-Việt thế này thì giống như đi biểu tình để phô trương tư tưởng Tàu. Tôi cho đây là một thói quen có hại nhiều hơn có lợi. Và tôi không ưa dùng những chữ Hán-Việt như thế. Đối với tôi, chữ nào mình có trong tiếng Việt rồi thì tôi dùng chữ tiếng Việt.

“Đất nước” nghe thân thương hơn “quốc gia” nhiều.
“Đàn ông” đúng hơn “(chính) nam”.
“Đàn bà” đúng hơn “phụ nữ”.
“Hết cỡ, hết mức, hết sức” nghe thật hơn “tối đa”.
“Ít nhất” nghe lành hơn “tối thiểu”.
“Vợ hiền” đẹp hơn “phu nhân”.
“Cô tôi, thầy tôi” không chảnh như “sư phụ”.
“Quán Mai” đúng và đáng yêu hơn “Mai quán”.
Vân vân và vân vân và vân vân.

Ngôn ngữ phản ánh và ẩn chứa văn hóa. Bây giờ là thế kỷ 21, Việt Nam không phải là nước phong kiến nữa, tôi không chấp nhận đàn ông là ‘chính’ còn đàn bà là ‘phụ’. Nói chung tôi chán những chữ Hán-Việt và thành ngữ Hán-Việt. Chúng rỉ sét đến mức làm tôi muốn bịnh. Ngôn ngữ do người sử dụng quyết định. Bây giờ là thế kỷ 21, tôi phải dùng tiếng Việt sao cho nó thể hiện được tính chất thời cuộc của thế kỷ 21 mà tôi cảm nhận được. Tiếng Việt phải được dùng để thể hiện suy nghĩ của tôi, chứ tôi không đời nào uốn cong ý tưởng của mình theo những khuôn chữ có sẵn. Thế là tôi lại tự tẩy não cho mình: dọn rác chữ Hán-Việt. Sau 2 năm, tôi đã thành công thải hết rác Hán-Việt trong đầu. Bây giờ, tôi không hiểu và cũng không muốn hiểu những chữ Hán-Việt nào mà tôi phải dịch ra tiếng Việt mới hiểu được. Đối với tôi, “rãnh rỗi đâm sinh chuyện” là một thành ngữ tiếng Việt nghe rất gần gũi, nó làm tôi nhớ tới ngôn ngữ của bà Hồ Xuân Hương. “Cái khó ló cái khôn”: sau khi thải rác cũ, bây giờ mỗi khi viết bài, tôi thường phải động não nhiều hơn để tìm kiếm những chữ tiếng Việt nghe chân tình như bản chất văn hóa Việt Nam, mà cũng rất hiện đại để phản ánh sự thay đổi không ngừng đang diễn ra hàng ngày tại Việt Nam, hoặc chế chữ mới để dùng. Đây là một cách để tôi dùng hết mức sự sáng tạo và hồn Việt của mình.

Ngôn ngữ phản ánh và ẩn chứa văn hóa. Thay đổi cách sử dụng ngôn ngữ chính là cách tôi thay đổi lối suy nghĩ, lối sống, lối cư xử để thích nghi và để đi sâu đi xa trên con đường mình đã chọn.

Vay mượn không phải là cách giải quyết khôn ngoan. Phải sáng tạo.

–> Đọc bài tiếng Anh