Sàn(G) Chữ Việtnam 300
Khi tôi rủ những người Việt Nam hoặc Mỹ gốc Việt đi ăn, tôi hỏi:
– Hôm nay thích ăn món gì: Nhật, Mỹ, Mễ?
Họ thường trả lời:
– Gì cũng được.
Hoặc khi tôi hỏi:
– Hôm nay đi ăn ở đâu?
Họ hay nói:
– Đâu cũng được.
Và họ cho rằng câu trả lời đó chứng tỏ họ là người dễ chịu!!!
Có đúng như thế không???
Nói thì “Gì cũng được” : nếu ăn ngon thì không nói gì : nếu lỡ ăn dở thì họ không vui : chưa kể có thể cằn nhằn, chê bai đủ thứ.
Cho nên, ‘gì cũng được’ không có nghĩa là dễ chịu, chỉ có nghĩa là: người ta không muốn quyết định và không muốn chịu trách nhiệm về quyết định của mình.
Tôi dám cá rằng nếu bạn để ý đếm các chữ ‘được’ hoặc ‘cũng được’ trong câu chuyện của người Việt Nam, chắc chắn nhiều hơn cát biển. Này nhe:
– Ăn ngon không?
– Ăn được quá.
– Xem phim hay không?
– Cũng được.
– Hôm nay mình đi đâu chơi?
– Đâu cũng được.
– Cuốn sách hôm trước đọc chưa? Hay không?
– Cũng được.
– Đi chơi vui không?
– Cũng được.
Mình có làm chính trị đâu mà trả lời một câu hỏi bằng những chữ nghe thì lọt lỗ tai nhưng chả có nghĩa gì cả.
Trong giao tiếp hàng ngày, chúng ta chỉ dùng nhiều lắm là 40% vốn từ vựng mà mình có. Tiếng Việt Nam phong phú mà, bỏ ‘được’ bỏ ‘cũng được’ vẫn còn khối tính từ, danh từ hoặc động từ để xài. Hãy chứng minh là tiếng Việt Nam phong phú đi.