Người Việt Nam ai mà không biết chuyện Quan Âm Thị Kính. Có thể nói vở chèo Quan Âm Thị Kính là tài sản văn hóa quý giá của dân tộc Việt Nam: Quan Âm Thị Kính vừa rặc tính Việt Nam, vừa là tác phẩm do người dân quê Việt Nam góp phần sáng tạo, vừa là tiếng nói thể hiện ước mơ và tâm tình của người Việt Nam qua bao đời. Vở opera “Chuyện Bà Thị Kính” được chuyển thể trên sân khấu lớn kiểu phương Tây nhưng vẫn giữ những tính chất đặc biệt này của vở chèo.

 Lịch sử “vui” của chèo

Giáo Sư (GS) kiêm nhà soạn nhạc P.Q. Phan đã bỏ nhiều thời gian nghiên cứu âm nhạc truyền thống Việt Nam. Anh kể: nhiều nhà nghiên cứu tin rằng “hát chèo” được nói trại ra từ “hát trào phúng”. Bỏ “phúng” đi thì còn “hát trào”. Ở miền Bắc, phát âm “hát trào” sẽ thành “hát chào”. Lâu dần trại ra thành “hát chèo”. Có thể có nhiều người tin rằng chèo bắt đầu hình thành từ thế kỷ thứ 10 là vì đó là thời kỳ Lý Công Uẩn muốn chấn hưng Việt Nam về nhiều mặt và phát triển chủ nghĩa dân tộc (nationalism) ở Việt Nam. Việc kể lại lịch sử chèo cho nó bắt nguồn từ thế kỷ 10 là điều dễ hiểu và chấp nhận được. Có điều chắc chắn là chèo đã có trước hát bội.

Tuy nhiên không nên nhầm lẫn hát chèo/trào phúng này với một loại hát chèo mà đã tồn tại ở Việt Nam từ trước công nguyên. Loại chèo này gần với hát chầu văn và được dùng trong tang lễ, chính xác là sau tang lễ, để gọi hồn người chết hoặc vinh danh người đã chết. Có thể tìm thấy hình khắc chạm của nghi lễ hát chèo này trên trống đồng Đông Sơn.

Cho dù là thế kỷ 10 hoặc mười mấy, đối với người Việt Nam vở chèo Quan Âm Thị Kính cũng đã trải qua cả ngàn năm gần gũi, thân thuộc và được yêu thích. Chỉ có “rồng” hoặc “tiên” mới sống lâu đến thế!