Cũng trong các vở chèo, rất nhiều khi, sự hiện diện của các nhân vật chỉ là để phê phán và chế diễu những lễ giáo giả dối trong xã hội. Vì vậy trong Quan Âm Thị Kính nhiều nhân vật xuất hiện ngắn, nhưng ấn tượng để lại trong lòng người xem thì rất sâu đậm. Tính cách này của các nhân vật được giữ nguyên trong vở opera “Chuyện Bà Thị Kính”.

Ví dụ, Cụ Đồ đúng ra là nhân vật có học nhất trong làng. Việc của ông là chỉ bảo cho mọi người nên làm gì và không nên làm gì. Thế mà ông lại điếc. Không nghe được người khác nói gì thì biết đường nào mà bảo. Ông Thầy Bói có tài nhìn “thấy” được tương lai, thế mà lại mù. “Thấy xa” thì được nhưng nhìn gần thì chẳng thấy gì. Cụ Hương là người nhân đức (philanthropist), nhưng lại câm. Không nói được thì làm sao mà giúp người được! Trong phiên xử Thị Mầu chửa hoang, 3 ông này chỉ toàn tranh cãi xem ai chức cao hơn ai, rồi giành ăn, chứ chả quan tâm gì đến công lý cho người dân gì cả (2).

Hình ảnh tương phản giữa tính cách và địa vị xã hội của những nhân vật này thật là nực cười. Và cái cười ở đây là được cố tình tạo ra. Bởi vì theo nhà nghiên cứu Vũ Khắc Khoan, hài hước là một đặc tính khác của chèo. Ông nhận xét rằng trong đa số trường hợp cái cười trở nên dí dỏm, đôi khi ác liệt với mục đích chế diễu những thói rởm, những tật xấu, những kẻ đạo đức giả. Do vậy, chèo phản ánh rõ rệt mặt phải và mặt trái của xã hội nông thôn (1).

Cũng trong dòng suy nghĩ này, GS P.Q. Phan nhận định rằng:

“Chỉ có ở Quan Âm Thị Kính mới có nhiều đoạn hài hước như vậy, mà lại là chế diễu các nhân vật được xem là trụ cột trong xã hội. Nếu cắt bỏ tất cả các phần được xem là có khả năng đã được nông dân thêm vào, thì câu chuyện còn lại là mang tính tôn giáo. Phần gốc này là loại văn bản nghiêm túc, trong khi những phần thêm vào lại mang tính dân gian là chủ yếu” (2).

Do đó có thể nói rằng, Quan Âm Thị Kính là một tác phẩm của dân quê. Được sáng tác dựa theo tác phẩm này, vở opera “Chuyện Bà Thị Kính” cũng là tập hợp những tiếng nói phản ảnh thực tế xã hội: cụ thể là ngoài các nhân vật Cụ Đồ, Thầy Bói, Cụ Hương, dưới góc độ nghiên cứu văn hóa và xã hội, Thị Kính đại diện cho lối sống đứng đắn, mẫu mực, vị tha; Vợ Mõ là tiếng nói của những người thuộc tầng lớp thấp trong xã hội nhưng thông minh, đáo để; Thị Mầu là tiếng nói muốn phá vỡ sự kiềm chế của lễ giáo để đòi được tự do yêu đương.

*****

Ở thế kỷ 21, các nhà nghiên cứu Mỹ nghe chuyện Quan Âm Thị Kính và “Chuyện Bà Thị Kính” thì há hốc mồm kinh ngạc: thế kỷ thứ mười mấy mà trong văn học Việt Nam có một nhân vật nữ chính được ca ngợi thế ư, và lại diễn tả các mối quan hệ xã hội phức tạp như thế à!

Câu chuyện Thị Kính được xem là chuyện của Đại Hàn, rồi được Việt hóa. Tuy nhiên, có lẽ người mình đặt bối cảnh câu chuyện ở Đại Hàn là để dễ bề chỉ trích thói xấu trong xã hội mình chăng? Chỉ biết chắc chắn một điều rằng chuyện Thị Kính là một tác phẩm dân gian mang tính lịch sử, văn hóa, xã hội cao. Lại được lưu truyền qua hơn ngàn năm đến tận bây giờ. Giá trị của câu chuyện Thị Kính vẫn còn nguyên, vẫn được người nước ngoài “sợ”. Việc phổ biến “Chuyện Bà Thị Kính” ở Mỹ sẽ góp phần vào việc bảo tồn những giá trị văn hóa này.

—–

Ghi chú:

(1) Vô danh thị. Vũ Khắc Khoan giới thiệu. Vở chèo Quan Âm Thị Kính. Đào Tấn: Hà Nội, 1966.

(2) Anvi Hoàng. Phỏng vấn với GS P.Q. Phan. 10/09/2011.