Người Việt Nam, ai cũng muốn con cháu mình có thể nói rành tiếng Việt mặc dù sống trên đất Mỹ. Nghiên cứu về vấn đề khả năng phát triển ngôn ngữ của trẻ con sinh ra trong gia đình nói 2 hoặc 3 thứ tiếng khác nhau thì nhiều, nhưng vẫn chưa đủ để đem đến sự giúp đỡ cần thiết và hướng dẫn đúng đắn cho cha mẹ trong những gia đình này. Do đó, có nhiều hiểu lầm trong việc dạy và giúp đỡ con cái nói rành cả tiếng Việt và tiếng Anh từ khi chào đời cho đến khi trưởng thành.
Sau đây là một vài tóm tắt từ kết quả nghiên cứu về “khả năng phát triển 2 tiếng mẹ đẻ từ khi lọt lòng” (Bilingual First Language Acquisition). Trong phạm vi bài viết này, trẻ được sinh ra ở Mỹ trong gia đình cả cha lẫn mẹ nói tiếng Việt, hoặc một người thạo tiếng Việt và một người thạo tiếng Anh được gọi là “trẻ 2 tiếng” hoặc “trẻ 2T ”. Những trẻ lớn lên trong gia đình chỉ nói tiếng Anh được gọi là “trẻ 1T” hoặc “trẻ khác”.
Hiểu lầm trong vấn đề phát triển ngôn ngữ ở trẻ 2T
Hiểu sai 1: Từ khi lọt lòng, trẻ 2T hàng ngày phải nghe 2 ngôn ngữ thì chậm nói hơn các trẻ khác.
Giải thích: Trẻ nghe 2 thứ tiếng hàng ngày từ khi lọt lòng thường không nói gì nhiều trong năm đầu tiên, nhưng đến sinh nhật 1 tuổi thì có thể hiểu được cả 2 thứ tiếng. Nghe 2 ngôn ngữ cùng một lúc không ảnh hưởng gì đến quá trình phát triển ngôn ngữ ở trẻ. Nếu đến 2 tuổi mà trẻ vẫn không nói gì nhiều thì có thể có nhiều nguyên nhân khác nhau dẫn đến chuyện này và cần được bác sĩ xem xét, vì trẻ có thể bị điếc, hoặc bị bịnh tự kỷ, v.v…
Nghiên cứu cho thấy trẻ lớn lên trong môi trường 2T và môi trường chỉ nói tiếng Anh phát triển về mặt ngôn ngữ như nhau. Cụ thể là: nhiều trẻ 2T phát triển khả năng nói nhanh hơn các trẻ 1T; và ngược lại, nhiều trẻ 1T phát triển khả năng nói nhanh hơn các trẻ 2T; hoặc một số trẻ 2T phát triển khả năng nói nhanh hơn một số trẻ 2T khác. Tất cả đều là những trường hợp bình thường.
Hiểu sai 2: Dần dần trẻ chỉ nói 1 thứ tiếng và coi thứ tiếng thứ 2 như là một ngoại ngữ.
Giải thích: Khả năng hiểu và nói được 2 thứ tiếng ngày càng tăng từ lúc mới sinh, chứ không giảm – tùy theo nhiều yếu tố khác nhau: ví dụ mức độ thường xuyên trẻ được tiếp xúc và sử dụng mỗi ngôn ngữ. Mức độ tiếp xúc càng nhiều thì khả năng hiểu và nói ngôn ngữ đó càng cao.
Khả năng nói và hiểu tiếng Việt và tiếng Anh khác nhau ở từng trẻ. Có trẻ hiểu tiếng Việt nhưng không nói tiếng Việt mà chỉ nói tiếng Anh – và ngược lại; có trẻ nói tiếng Anh giỏi hơn tiếng Việt – và ngược lại; có trẻ nói giỏi cả 2 thứ tiếng. Tất cả là tùy theo trẻ tiếp xúc với thứ tiếng nào nhiều hơn và thường xuyên hơn; rồi trẻ có cơ hội sử dụng thứ tiếng nào nhiều hơn; thái độ và niềm tin của cha mẹ đối với tiếng Việt và tiếng Anh như thế nào; nguồn sách báo, băng đĩa, tư liệu sẵn có xung quanh giúp cha mẹ dạy trẻ nói rành cả 2 ngôn ngữ ra sao v.v… Nói chung, dạy trẻ nói rành cả tiếng Việt và tiếng Anh là hoàn toàn có thể làm được. Chuyện này đòi hỏi rất nhiều công phu từ cha mẹ.
Hiểu sai 3: Trẻ 2T chậm phát triển về mặt ngôn ngữ nói chung so với trẻ khác.
Giải thích: Vốn từ vựng tiếng Anh của trẻ 2T có thể ít hơn các trẻ khác bởi vì trẻ phải học cùng một lúc 2 hệ thống ngôn ngữ khác nhau. Nhưng nghiên cứu mới nhất trong nhóm trẻ từ 5-9 tuổi, xuất bản năm 2011, cho thấy rằng phát triển về mặt ngôn ngữ, cụ thể là tiếng Anh, của trẻ 2T không thua gì trẻ khác. Không những thế, trẻ 2T có khả năng tập trung, kiểm soát từ tốt nên khi thực hiện các thao tác đòi hỏi trí nhớ từ, kỹ năng nói, kỹ năng phân biệt ý nghĩa từ ở mức độ cao, trẻ 2T còn làm tốt hơn các trẻ khác.
Xem tiếp Kỳ 2.
—————
Tham khảo:
– Language and Literacy Development in Bilingual Settings, edited by Aydin Yucesan Durgunoglu & Claude Goldenberg.
– An Introduction to Bilingual Development, by Annick De Houwer.
– The Bilingual Family: A Handbook for Parents, by Edith Harding-Esch & Philip Riley