Tk-4
Poster Thị Kính treo trên cột đèn bên ngoài nhà hát.

 —– Bài in + đăng Nhật Báo Viễn Đông —–

Vở opera lớn (grand opera) “Chuyện Bà Thị Kính” (The Tale of Lady Thị Kính) của nhà soạn nhạc P.Q. Phan (Phan Quang Phục) sẽ được mở màn tại sân khấu lớn của trường nhạc Jacobs School of Music tại trường đại học Indiana University vào ngày 7, 8, 14, 15 tháng 2 năm 2014. “Chuyện Bà Thị Kính” là vở opera lớn về văn hóa Việt Nam đầu tiên của nhà soạn nhạc người Mỹ gốc Việt được dàn dựng quy mô và chuyên nghiệp trên sân khấu Mỹ, do đó Viễn Đông sẽ tiếp tục tường thuật những diễn biến này tới độc giả.

Photos by Anvi Hoàng 

Điểm sơ qua những chuyện đã bàn về vở opera “Chuyện Bà Thị Kính” như sau.

Quá trình sáng tạo 

2 năm thai nghén: đó là cách nhà soạn nhạc P.Q. Phan đã miêu tả quá trình sáng tạo ra vở opera của mình. Ông cho biết thách thức trong việc viết một vở opera là làm sao để thu hút khán giả trong hai tiếng đồng hồ.

“Phải nói khán giả có thể bị thu hút bởi những cảnh hoành tráng trên sân khấu nhưng rồi thì chúng cũng trở nên nhàm chán. Cuối cùng lại thì âm nhạc là chính. Âm nhạc phải mạnh mẽ, hấp dẫn, có tình cảm, có sức diễn tả cao thì mới có thể giữ khán giả ngồi yên. Nhạc hay không cũng chưa đủ. Cần phải có yếu tố mầu nhiệm (magical moment) – đó là giây phút khán giả nổi da gà”.

Theo P.Q. Phan, ở mỗi cảnh của vở opera sẽ có một giây phút mầu nhiệm. Ông biết rằng những người Việt Nam quen thuộc với vở chèo “Quan Âm Thị Kính” có thể là thiên vị hoặc bảo thủ và khó có thể chấp nhận cái mới của vở opera. Do đó một trong những mục tiêu của ông là viết vở opera “Chuyện Bà Thị Kính” thật hiệu quả sao cho người ta cũng cảm thấy trong nó có một giá trị gì đó mà người ta muốn đón nhận.

Đọc câu chuyện Thị Kính kỹ lại, bắt đầu từ lúc Thị Kính ở nhà với cha, sau đó qua nhà chồng, rồi vào ở chùa, rồi lang thang ở chợ, sau đó kiệt sức dưới gốc cây bồ đề, và cuối cùng lên Niết Bàn, đây đều là những dấu chấm mà khi được nối kết lại với nhau chúng sẽ kể một câu chuyện về hành trình của Thị Kính đi từ thấp – là người con gái nghèo bình thường, đến cao – thành Phật bà. Đây chẳng khác nào quá trình thăng hoa. Do đó, “thăng hoa” sẽ là khái niệm của vở opera “Chuyện Bà Thị Kính”/”The Tale of Lady Thị Kính” – cả về mặt thẩm mỹ lẫn âm nhạc. Các nhân vật khác như Thị Mầu, Sùng Bà, Thiện Sĩ đều là nhân vật phụ sau Thị Kính nhưng không thể thiếu vì họ chính là nguyên nhân gây ra tất cả những bi kịch và xung đột mà Thị Kính phải trải qua để rồi thoát trần thành Phật.

Về mặt âm nhạc, nói chung, âm nhạc cũng thăng hoa như quá trình phát triển của nhân vật Thị Kính. Ở đầu vở khi Thị Kính là con gái rồi đi lấy chồng, âm nhạc mang tính ngây thơ, trong sáng, vui tươi, có thể nói là dễ dãi. Khi câu chuyện tiếp diễn, Thị Kính từ bỏ cuộc sống đời thường đi tu và trưởng thành, sau đó nhận tội thay cho Thị Mầu. Thị Kính đã thăng hoa trở thành con người tốt hơn. Âm nhạc cũng đi từ thấp đến cao, và dần dần trở nên bức thiết hơn, đầy kịch tính hơn, và thiêng liêng hơn. Ở cảnh cuối khi Thị Kính lên Niết bàn, âm nhạc của toàn bộ vở opera đã trở nên hoàn toàn hiện đại. Nếu mở đầu vở, nhạc gần với nhạc truyền thống Việt Nam, thì đến lúc này tính dân tộc giảm đi và âm nhạc đi gần đến chỗ phổ quát (universal).

Tk-3
Poster Thị Kính trên cao, trong cảnh đường phố ở Bloomington.

Để có một kết thúc hoành tráng trên sân khấu, P.Q. Phan đã viết thêm lời và nhạc cho dàn đồng ca. Đến lúc Thị Kính chuẩn bị lên Niết Bàn, nghĩa là vào những phút cuối của vở opera, tất cả các nhân vật cùng hòa vào hát “Nam Mô A Di Đà Phật” – họ hát để ca tụng Phật Bà Thị Kính. Đây là lần đầu tiên “Nam Mô A Di Đà Phật” thăng hoa trên sân khấu Mỹ, được một dàn nhạc lớn trên 60 nhạc công, một dàn đồng ca 38 người, và 14 diễn viên trình bày: Một giây phút thật thanh thản, thoát trần nhưng không kém phần dồn dập, mạnh mẽ. Một kết thúc như pháo hoa cho văn hóa Việt Nam trên sân khấu Mỹ.

Loạt bài về quá trình sáng tạo gồm 14 bài với nhiều phân tích về vấn đề logic Tây và ta, văn hóa Việt Nam, về chèo, về ngôn ngữ, về vấn đề dịch, v.v… liên quan đến “Chuyện Bà Thị Kính”/ “The Tale of Lady Thị Kính” đã được Viễn Đông giới thiệu tới độc giả trong năm 2012 và kết thúc vào đầu năm 2013. Việc sáng tác đã xong. Vào lúc này, nhóm dàn dựng đang xắn tay áo làm việc.

Quá trình dàn dựng

Từ nhiều tháng nay việc dàn dựng đã bắt đầu “chuyển động” và đang đến hồi hấp dẫn. Các thành viên trong nhóm dàn dựng đã được phỏng vấn. Đầu tiên là đạo diễn sân khấu Vince Liotta. Trước khi có một miếng gỗ nào được cắt, một miếng vải nào được may, một cây cọ nào được nhúng sơn, đạo diễn sân khấu là người đầu tiên phải lao mình vào cuộc. Ông phải nghĩ xem câu chuyện thật sự là nói đến vấn đề gì? Diễn giải nó thế nào cho tốt nhất đây? Không khí của toàn bộ vở diễn nên như thế nào? v.v… Đó là quá trình ‘giải mã’ “Chuyện Bà Thị Kính” cho khán giả Mỹ. Ông Vince Liotta nói về việc đó như sau:

“Theo cảm nhận của tôi, điều tôi có thể làm và cần làm là dàn dựng một câu chuyện mang màu sắc văn hóa Việt Nam cho những đối tượng không có cảm nhận về văn hóa Việt Nam. Đối với vở opera này, nhà soạn nhạc viết nhạc kiểu Tây. Vì vậy việc dàn dựng phải được cân bằng giữa các yếu tố Đông – Tây, giữa tính Việt Nam và văn hóa không phải Việt Nam.

“Vì vậy tôi phải tìm cách chuyển tải những gì tôi cảm nhận được về câu chuyện, về những gì tôi thấy ở Việt Nam, về những gì tôi biết về văn hóa Việt Nam trong kinh nghiệm giới hạn của mình, rồi diễn giải lại qua lăng kính phương Tây của mình. Nếu tôi làm được chuyện này thành công thì những người khác [không phải người Việt] cũng sẽ hiểu được.”

Lời nhắn nhủ của ông đối với khán giả là: “Không nên đến rạp hát, chưa xem mà đã quyết định trước khi đến nơi rằng vở opera sẽ hay lắm hoặc dở lắm đây, rằng mình sẽ thích hoặc không thích vở opera này, rằng nó sẽ phản ánh đúng hoặc không đúng văn hóa Việt Nam. Chỉ nên chấp nhận những gì trên sân khấu. Phải bước vào rạp với đầu óc cởi mở. Tôi muốn nói cởi mở thật sự theo nghĩa đen của nó: mở ra để tiếp nhận những gì mình thấy.”

Tk-2
Các phần khác nhau của bức tường cao 3 mét đang được dựng trong xưởng gỗ.

Nhạc trưởng David Effron thì cho rằng mình có một chút duyên nợ với Việt Nam, cho nên ông nói:

“Được mời chỉ huy vở opera này là một điều rất quan trọng đối với tôi. Tôi kinh ngạc khi biết rằng câu chuyện Việt Nam của thế kỷ thứ 10 này chưa từng được dựng trên sân khấu phương Tây mà đây là lần đầu tiên. Tôi có chút ngạc nhiên là vì nếu muốn, người ta có thể biến các nhân vật thành người Mỹ và câu chuyện xảy ra ở Mỹ – vì những gì xảy ra trong câu chuyện mang tính nhân bản phổ quát cao. Sự ghen tuông, sự giả dối, điều không giả dối, tất cả đều là những điều rất bình thường mà mỗi người trong chúng ta đều trải qua trong đời. Thị Kính là câu chuyện tuyệt vời mà chỉ có một người Việt Nam mới có thể viết nhạc cho nó được. Tôi không cho rằng có người nào có thể “sản xuất” ra được vở này – đây là “đồ thật” đấy, nào là văn hóa nào là sân khấu chèo.”

Thật là không có lời khen về văn hóa Việt Nam nào tốt hơn thế được. Đầu tháng 9 rồi, và nhạc trưởng Effron đã và đang nghiên cứu ráo riết vở opera “Chuyện Bà Thị Kính”. Ông đang hồi hộp và mong chờ ngày mở màn 4 buổi diễn.

Trong lúc đó, nhà soạn nhạc P.Q. Phan trở thành ‘rảnh việc’ bởi vì ông không tham dự gì vào quá trình dàn dựng. Tuy nhiên, ông cho biết cảm giác chung của ông là:

“Phấn khởi, và đồng thời một chút lo lắng. Phấn khởi là vì cuối cùng tôi cũng thấy được ‘cuộc sống’ của vở opera của mình trên sân khấu, thấy được tác phẩm đi từ trí tưởng tượng của mình ra, rồi trở thành bản nhạc (scores) hai chiều, và cuối cùng vượt thoát lên biến thành tác phẩm không gian ba chiều trên sân khấu.

“Mặc khác, vì những yếu tố nằm ngoài vòng kiểm soát và không đoán trước được, tôi cũng lo không biết màn trình diễn có ‘đậm đà’ hay không, hoặc nó có được dựng theo cách tôi muốn thấy hay không. Việc dàn dựng không nằm trong tầm kiểm soát của tôi, và tôi cũng không nên xen vào công việc của nhóm dàn dựng. Nhiều khi người ta diễn giải ý tưởng về tác phẩm theo cách mà tôi không hình dung ra trong đầu, và tôi có thể thích hoặc không thích nó. Nhưng khi phần sáng tác đã hoàn chỉnh, đương nhiên người ta có quyền diễn giải tác phẩm theo ý mình, đó là chuyện tự nhiên và tôi phải chấp nhận chuyện này.”

P.Q. Phan hy vọng qua vở opera này, người ta có thể hiểu về giá trị của người phụ nữ trong xã hội Việt Nam. Với ba nhân vật chính của câu chuyện, Thị Kính là biểu hiện của lòng thương người bao la, Thị Mầu lột tả tinh thần tự do, và Vợ Mõ đại diện cho người đàn bà đáo để. Điều thú vị là câu chuyện không đề cao đàn ông, mà chỉ muốn nhắm đến việc đấu tranh cho quyền lợi cho đàn bà.

Tk-1
Một phần hoàn chỉnh của bức tường cao 3 mét đã được gắn bánh xe, nằm trong xưởng gỗ, chờ được sơn.

Quay sang nhà thiết kế trang phục Linda Pisano, cô còn đang thong thả. Cô cho biết:

“Tôi đang nghiên cứu những bộ trang phục truyền thống đơn giản có những chi tiết thú vị đính kèm để phân biệt nhân vật này với nhân vật kia. Ví dụ các nhân vật có tầng lớp xã hội khác nhau. Vì vậy một số sẽ có trang phục sặc sỡ và một số thì trang phục rất đơn giản. Tôi muốn bảo đảm rằng các chi tiết sẽ thống nhất cho một bức tranh toàn diện. Cho nên khi tôi và các đạo diễn nghiên cứu quá trình dàn dựng, chúng tôi muốn đó là một câu chuyện phương Đông chứ không phải là phương Tây.”

Cô Pisano nói điều làm cô ngạc nhiên nhất là văn hóa Việt Nam phong phú đến thế mà cô biết ít đến vậy về nó. Nhưng không sao, vở opera “Chuyện Bà Thị Kính” sắp mở màn rồi. Người Mỹ sẽ có dịp tìm hiểu về văn hóa Việt Nam. Giám đốc điều hành Tim Stebbins, ‘con dâu trăm họ’ trong nhà hát, đang sốt vó lo mọi thứ để việc xây dựng “ngôi nhà mới” cho Bà Thị Kính tại IU Opera Theater được suông sẻ. Rồi tiếp theo sẽ là việc GĐ kỹ thuật Alissia Lauer sẽ dùng vật liệu gì để xây nhà/sân khấu đây. Gỗ? Nhôm? Sắt? Tre? Đất? Lá dừa? Chà hấp dẫn nhé.

Trong buổi nói chuyện, cô Alissia bảo: “Ngay từ đầu, tôi đã nói chuyện qua điện thoại với nhà thiết kế cảnh. Tôi cũng trao đổi qua email với ông ta cả trăm lần để bảo đảm rằng mình hiểu nhà thiết kế cảnh muốn gì. Tôi nhìn vào bản vẽ thì tôi hiểu ý ông ta muốn như thế nào. Chúng tôi liên lạc thường xuyên và gởi bản vẽ qua lại nhiều lần.”

Cô Alissia cho rằng về mặt thiết kế của vở opera “Chuyện Bà Thị Kính”, “không thể nói là không có gì mới và lạ. Cái khác biệt kỳ này là có dùng tre. Thường thì chúng tôi sơn ván ép cho nó giống tre, nhưng lần này chúng tôi muốn cảnh mang tính đặc trưng Việt Nam đúng điệu nên sẽ dùng đúng vật liệu tre.” Cô là người chọn vật liệu nhưng trực tiếp dựng sàn xây tường là việc của hai thợ mộc sân khấu, Ken D’Eliso và Andrew Hastings. Tại sao là thợ mộc sân khấu mà không phải chỉ là thợ mộc thường? Câu chuyện của họ sẽ được tường thuật ở bài tiếp theo.

poster-0