Quá trình dàn dựng vở opera Chuyện Bà Thị Kính / The Tale of Lady Thị Kính
—– Bài in + online Nhật Báo Viễn Đông —– Read the English version —–
Vở opera lớn (grand opera) “Chuyện Bà Thị Kính” (The Tale of Lady Thị Kính) của nhà soạn nhạc P.Q. Phan (Phan Quang Phục) sẽ được mở màn tại sân khấu lớn của trường nhạc Jacobs School of Music tại trường đại học Indiana University vào ngày 7, 8, 14, 15 tháng 2 năm 2014. “Chuyện Bà Thị Kính” là vở opera lớn về đề tài văn hóa Việt Nam đầu tiên của nhà soạn nhạc người Mỹ gốc Việt được dàn dựng quy mô và chuyên nghiệp trên sân khấu Mỹ, do đó Viễn Đông sẽ tiếp tục tường thuật những diễn biến này tới độc giả. Việc dàn dựng đã bắt đầu “chuyển động” từ nhiều tháng nay và đang đến hồi hấp dẫn. Đạo diễn sân khấu, nhạc trưởng, nhà soạn nhạc, nhà thiết kế trang phục, Giám Đốc điều hanh, Giám đốc Kỹ thuật đã được phỏng vấn. Bài kỳ này là về công việc của các thợ mộc sân khấu.
Photos by Anvi Hoàng
Xưởng gỗ là nơi trẻ con rất thích, mà người lớn nào ham chơi cũng sẽ thích, bởi vì ở đây có rất nhiều thứ để chơi. Đơn giản là vì tất cả những hào nhoáng và ‘phép mầu’ khán giả thấy diễn ra trên sân khấu đều bắt đầu ở đây. Đây là nơi phông cảnh được dựng, bằng gỗ, bằng thép, bằng nhôm, bằng mút (foam), bằng sắt, v.v… tất cả những vật liệu cần thiết để có được phông cảnh như thật. Ở IU Opera Theater, hai anh Ken D’Eliso và Andrew Hastings là thợ mộc sân khấu. Họ xây và dựng cảnh trước khi chuyển chúng sang cho xưởng sơn. Anh Ken và Andrew đều bắt đầu đến với sân khấu, cả phía trước và phía sau, từ những năm đang học trung học. Rồi họ theo đuổi nghề dựng cảnh sân khấu cho đến tận bây giờ. Tổng cộng, họ có khoảng 60 năm kinh nghiệm trong nghề. Vậy thì thợ mộc sân khấu làm gì?
Anh Ken D’Eliso gốc người miền Nam California. Từng làm việc nhiều năm ở Los Angeles trong môi trường truyền thông cạnh tranh khắc nghiệt.
Theo anh nghề dựng cảnh có gì vui?
Ken D’Eliso: Tôi đã làm nghề này nhiều năm, và tôi có thể nói rằng xây tường cong thì vui hơn xây tường thẳng. Với lại, tôi không muốn bi quan, nhưng trong nghề này, lúc nào cũng có chuyện để giải quyết. Nhà thiết kế muốn một thứ mà nó có thể là vấn đề đối với chúng tôi. Nhưng đó lại là phần vui vì chúng tôi phải nghĩ cách giải quyết vấn đề. Đôi khi người ta đưa cho chúng tôi các bản vẽ để nghiên cứu rồi đặt câu hỏi chứ chưa xây gì cả. Thỉnh thoảng tôi nảy ra ý tưởng trên đường đi chẳng hạn, rồi tôi bàn với sếp của tôi. Xây những thứ khác thường vui hơn là xây những thứ bình thường.
Thứ tự dựng cảnh của một vở opera như thế nào?
D’Eliso: Chuyện đó thay đổi không chừng. Đôi khi chúng tôi phải dựng một món này trước là vì có những vật khác nằm phía trên của nó. Hoặc chúng tôi xây những thứ mà xưởng sơn muốn lấy trước. Việc xây dựng cảnh tiến triển nhịp nhàng cùng toàn bộ quá trình dàn dựng phông cảnh chung.
Một trong những điều chúng tôi cần cân nhắc hiện nay là có một số món không nên dựng quá sớm vì lý do điều kiện môi trường: quá ẩm ướt hoặc quá khô. Có những thứ mà sau khi đã đóng xong chúng tôi không muốn độ ẩm làm chúng cong. Trong mấy tháng tới, khí hậu ở miền Nam Indiana sẽ khô hơn và tốt hơn cho chúng. Đây đều là những vấn đề chúng tôi phải tính tới trong việc dựng cảnh.

Xây trước xây sau như thế làm sao bảo đảm mọi thứ khớp nhau khi ghép lại?
D’Eliso: Ồ, thì mục đích của chúng tôi là làm sao những thứ xây trước khớp với những thứ xây sau. Đó là việc mà Giám Đốc Kỹ Thuật Alissia Lauer phải tính toán.
Tôi thấy anh làm việc với các bản vẽ. Vậy chúng ở đâu ra?
D’Eliso: Những bản vẽ do nhà thiết kế vẽ thường không nói chi tiết cách thức xây cất thế nào. Do đó, sếp của tôi, là Giám Đốc Kỹ Thuật, phải vẽ một bản khác sao cho thợ mộc sân khấu nhìn vào thì làm việc được.
Anh có cho rằng công việc của anh tương đối rõ ràng sòng phẳng: anh xây và anh giải quyết vấn đề?
D’Eliso: Ừ thì đó là việc của tôi. Nhưng tất cả các vở tôi làm đều khác nhau. Đôi khi chúng tôi ở cái thế không thể xây giống như trong bản vẽ được, và tôi là người phải nghĩ ra cách tốt nhất để xây cho được. Tôi thích việc đó. Đôi khi thoát ra khỏi bản vẽ cũng vui. Và thi thoảng tôi cũng có thể làm việc trực tiếp với nhà thiết kế.

Khi dựng những thứ phức tạp như thế chẳng hạn, anh có phải có mặt khi sinh viên lắp ráp chúng không?
D’Eliso: Thi thoảng thôi. Chúng tôi thường diễn lại vở cũ, và khoảng cách giữa các vở có thể là 5 năm. Chúng tôi muốn bảo đảm rằng những thứ sẽ được lắp ghép trên sân khấu sẽ đơn giản. 5 năm, những sinh viên lắp ghép cho vở kỳ này đã ra trường và những sinh viên mới vào. Vì vậy chúng tôi phải tính toán trước để việc lắp ghép được dễ dàng.
Điều gì vui nhất trong công việc của anh ở đây và môi trường có đa dạng như anh muốn không?
D’Eliso: Mỗi vở diễn đều khác nhau và vui theo cách riêng của nó. Phần vui nhất là: chúng tôi dựng cảnh, rồi chuyển sang cho xưởng sơn cho họ sơn, rồi cho chúng vào thang máy, đưa chúng xuống sân khấu, và bọn trẻ lắp ráp chúng lại. Thường chúng tôi không lắp ráp cảnh trên đây được là vì không gian nhỏ hơn cảnh cần dựng. Nên chúng tôi không thấy toàn cảnh cho đến khi chúng ở trên sân khấu. Đó là phần vui. Họ chiếu đèn lên, và người ta mặc trang phục chỉnh tề trên sân khấu. Đi xem diễn tập với cảnh thật đầy đủ và trang phục như thế là điều thú vị.
Ở Nam California thì đa dạng hơn, nhưng tôi cũng quen ở đây thôi. Tôi cho là mình may mắn tìm được việc này, được làm công việc mình ưa thích, 12 tháng trong năm. Nó không căng thẳng như làm việc cho các công ty dựng cảnh ở miền Nam California, nơi mà mỗi phút tiết kiệm được là vào túi một ai đó. Bây giờ tôi lớn tuổi hơn, tôi không tiếc gì tốc độ làm việc quay cuồng, chóng mặt của một môi trường cạnh tranh hơn như Los Angeles.
Sau 7 năm làm việc ở IU, anh đã giải quyết được những ‘vấn đề’ vui nào?
D’Eliso: Tôi có thể cho bạn xem hình. Ví dụ xây những cầu thang xoáy ốc rất hấp dẫn. Hoặc các sàn nhà nghiêng hoặc có độ sâu. Hoặc đóng đèn chùm treo (chandelier). Hoặc đàn ống dùng trong nhà thờ (pipe organ).

Vật nhỏ nhất và lớn nhất anh từng xây là gì?
D’Eliso: Một bức tường hoặc một cái tháp thì to bởi vì sân khấu của chúng tôi rất lớn. Cảnh nhỏ sẽ bị nuốt vào khoảng không gian của sân khấu.
Tôi có làm một vật nhỏ như là cái giường trong một bức tranh nổi tiếng của Van Gogh. Chính xác là tôi năn nỉ để họ cho tôi đóng cái giường đó, vì nó mang tính tượng trưng cao trong các tác phẩm của Van Gogh và đóng nó thật là vui.

Anh có hài lòng với công việc?
D’Eliso: Ồ có chứ. Ở đây giống như là lâu đài so với những chỗ tôi từng làm việc trước đây. Công ty dựng cảnh thường thuê mặt bằng nhỏ, dựng cái xưởng gỗ, rồi xây đóng cảnh, và xong rồi thì chúng tôi rút đi. Xưởng gỗ ở đây thật là xa hoa.
Dụng cụ nào anh thích dùng nhất?
D’Eliso: Ở đằng kia có cái cưa ván to (bandsaw) rất độc đáo. Tôi chưa thấy xưởng gỗ nào có cái to hơn.
Anh Andrew Hastings tốt nghiệp đại học ở New Jersey thì tìm được việc ngay và đến giờ vẫn tiếp tục làm việc này trong 25 năm nay.
Anh thấy dựng cảnh cho vở Chuyện Bà Thị Kính có gì vui không?
Andrew Hastings: Chúng tôi chưa làm đến phần vui. Hầu hết những thứ chúng tôi dựng tới thời điểm này cũng bình thường thôi. Các bức tường tre là vui. Nói chung mỗi lần dùng các vật liệu khác thường như tre thì thú vị hơn.
Vài tuần nữa thì anh bắt đầu đụng đến tre chưa?
Hastings: Để đáp ứng nhu cầu thiết kế chúng tôi phải tính toán về mặt thời gian. Tre không cứng cáp như các vật liệu khác nên chúng tôi phải tính. Nếu làm bức tường tre bây giờ và nó phải nằm trong xưởng vài tháng, có thể là nó sẽ cong hoặc méo, và sản phẩm sau cùng sẽ không được như ý. Nếu tính toán chính xác thì chúng tôi hạn chế được các vấn đề như trên.
Anh có phải thường tính toán về thời gian như thế trong việc xây cất không?
Hastings: Lúc nào xây, đóng chúng tôi cũng phải tính như thế. Đó là cách tốt nhất để sản phẩm mà chúng tôi chuyển cho xưởng sơn không bị cong hoặc méo chỉ vì chúng phải nằm không trong xưởng.

Công việc của anh ở đây có gì vui?
Hastings: Tôi thích sự không giống nhau. Công việc này là một lối thoát cho sự sáng tạo. Không phải như bạn xây một cái nhà, mà mọi thứ đều khác nhau. Bạn làm quen với nhiều nhà thiết kế khác nhau và họ có cách nhìn khác nhau. Việc xây, dựng đa dạng. Hầu như bạn không bao giờ biết trước được vì mỗi vở opera đều khác nhau. Với vở này chúng tôi dùng tre. Cơ hội dùng tre ở đây thường xuyên không? Không hề. Các vở khác thì dùng nhiều kim loại, nên tôi bỏ nhiều thời gian để hàn. Không có nhiều công việc cho bạn cái thú vui đa dạng như thế đâu.
Rồi lúc nào cũng có những thách thức, hoặc là về thời hạn hoặc về trí tưởng tượng của con người. Chẳng hạn nhà thiết kế có một ý tưởng nào đó và tôi cùng với Ken và Alissia phải biến nó thành hiện thực. Thường thì chúng tôi làm tốt chuyện này lắm, nhưng đôi khi quy luật vật lý không cho phép thực hiện nó. Phát hiện ra những chuyện như thế là một trong những điều hấp dẫn về công việc này.
Anh có ưa chuộng một loại vật liệu nào hay không?
Hastings: Giống như bất kỳ người thợ mộc nào, nếu có vật liệu tốt thì công việc của mình dễ dàng hơn. Tất nhiên mình không thể bỏ tiền để xây mọi thứ bằng những vật liệu tốt nhất vì như thế tốn tiền lắm. Thỉnh thoảng, may mắn thì vật liệu tốt, sạch, không cong queo.
Tôi thích hàn. 98% việc hàn trong xưởng là do tôi phụ trách. Cũng may là những lúc đó là những lúc tôi đang cần đổi không khí sau khi cứ phải xây một thứ mãi. Ví dụ có hơn 40 tấm sàn cần phải dựng và tôi phải đóng cái nào cái nấy y như nhau, và chúng phải khớp với nhau như khuôn đúc. Ngay sau khi làm xong việc này tôi có thể đi hàn. Đó là một sự đổi không khí rất vui, cũng là một trong những điều giúp công việc của tôi thú vị.

Chức vụ của anh là thợ mộc sân khấu (scenic carpenter)?
Hastings: Danh xưng thay đổi tùy theo chỗ làm của mình. Nhưng ở đây thì tôi là thợ mộc sân khấu.
Người ta thường nghĩ ‘thợ mộc’ và ‘gỗ’ đi đôi. Nhưng các anh dùng nhiều loại vật liệu khác nhau. Vậy các anh không chỉ là thợ mộc đơn thuần?
Hastings: Tôi cũng nghĩ rằng đó chính là điều làm cho một thợ mộc sân khấu khác biệt, và rằng chúng tôi có khả năng làm nhiều hơn chuyện xây nhà hoặc đóng cái ghế – cả hai việc này đều là chuyện tôi và Ken làm được. Nhưng chúng tôi lại chọn dựng sân khấu. Ngay cả những người trong trường đại học, những người ở tòa nhà khác, họ cũng không nhận ra điều này. Họ cứ nghĩ rằng “Ồ, anh là một anh thợ mộc.” Theo nghĩa đơn giản nhất thì đúng như thế. Nhưng công việc của chúng tôi phức tạp hơn thế nhiều.
Một trong những món hay mà anh từng đóng là gì?
Hastings: Trước khi đến làm việc ở đây, tôi từng xây một cái cầu treo cao 12 mét đến 18 mét, chính giữa có cái cầu sắt hoạt động được. Toàn bộ bằng kim loại. Về đây, tôi có đóng một trái cầu có khung thép chở 3 đứa bé trong đó. Nhìn nó giống như quả khí cầu nóng để du lịch vậy (hot-air balloon). Đóng cái đó vui lắm. Trong vở Akhenaten chúng tôi cũng làm nhiều thứ hay và thú vị khác thường lắm. Ít khi mà được dựng một vở về Ai Cập mà. Còn với vở này [Chuyện Bà Thị Kính] thì đây là vở opera Việt Nam đầu tiên của tôi trong suốt 25 năm trong nghề.

Vật nhỏ nhất mà anh đã làm là gì?
Hastings: Tôi hàn nhiều cái khoen kim loại hoặc các chi tiết trang trí. Hầu hết, vì sân khấu ở đây quá rộng nên những thứ chúng tôi đóng cũng phải tương xứng về kích cỡ. Chúng tôi không có cơ hội làm những thứ nhỏ nhỏ. Một vật cỡ 4 x 4 (1m2 x 1m2) được xem là nhỏ. Phía sau những tấm phông cảnh hay có những thứ chúng tôi phải tự làm. Ví dụ một cái móc cửa hoặc khoen được chế tạo đặc biệt để nối mấy mảng cảnh lại với nhau.
Có dụng cụ nào mới mà anh muốn có trong xưởng không?
Hastings: Ước gì chúng tôi có cưa bảng đứng (panel saw).
Dụng cụ anh ưa dùng nhất là gì?
Hastings: Tôi thích dùng máy cắt vòng (rounder).

Cuối ngày ngẫm nghĩ lại, anh thấy mình là người hạnh phúc hay không?
Hastings: Có chứ. Tôi thích công việc của tôi. Sao mà không thích được? Mỗi ngày đều có chuyện mới, gặp những người thú vị, thông minh – những người thích nghệ thuật ấy mà. Tất cả những điều này làm cho nơi làm việc và công việc của tôi thú vị. Đó là lý do tôi vẫn tiếp tục làm nghề này tới bây giờ.
–> Đọc bài tiếng Anh
–> Trở về Loạt bài Quá trình dàn dựng