Quá trình dàn dựng vở opera Chuyện Bà Thị Kính/ The Tale of Lady Thị Kính

—– Bài in + đăng Nhật Báo Viễn Đông —– Read the English version —–
Vở opera lớn (grand opera) “Chuyện Bà Thị Kính” (The Tale of Lady Thị Kính) của nhà soạn nhạc P.Q. Phan (Phan Quang Phục) sẽ được mở màn tại sân khấu lớn của trường nhạc Jacobs School of Music tại trường đại học Indiana University vào ngày 7, 8, 14, 15 tháng 2 năm 2014. “Chuyện Bà Thị Kính” là vở opera lớn về đề tài văn hóa Việt Nam đầu tiên của nhà soạn nhạc người Mỹ gốc Việt được dàn dựng quy mô và chuyên nghiệp trên sân khấu Mỹ, do đó Viễn Đông sẽ tiếp tục tường thuật những diễn biến này tới độc giả. Việc dàn dựng đã bắt đầu “chuyển động” từ nhiều tháng nay và đang đến hồi hấp dẫn. Đạo diễn sân khấu, nhạc trưởng, nhà soạn nhạc, nhà thiết kế trang phục, Giám đốc Kỹ thuật, thợ mộc sân khấu đã được phỏng vấn. Bài kỳ này là cuộc phỏng vấn với nhà thiết kế phông cảnh.
Ấn tượng ban đầu của ông khi nghe về dự án “Chuyện Bà Thị Kính” như thế nào?
Tôi rất ấn tượng khi nghe về dự án Chuyện Bà Thị Kính. Điều lôi cuốn tôi nhất về vở opera này là nó nói về văn hóa Việt Nam thông qua một câu chuyện dân gian mà người Việt Nam nào cũng biết đến nhưng lại có tính nhân văn hấp dẫn toàn cầu. Tôi biết rằng thế nào đây cũng là một tác phẩm mới mẻ và hấp dẫn đối với khán giả Mỹ.
Vở opera Chuyện Bà Thị Kính dựa theo câu chuyện dân gian cổ của Việt Nam, trong khi đó thiết kế của ông mang tính hiện đại. Ông giải thích thế nào về điều này?
Vở opera được viết dùng ngôn ngữ âm nhạc hiện đại có pha âm sắc châu Âu và cả Việt Nam. Tôi nghĩ rằng thiết kế của tôi cần phản ánh điều này. Vì có âm nhạc hiện đại cho nên nó sẽ được trình bày trên phông cảnh thiết kế hiện đại.
Mối tương quan giữa tính xác thực và tự do nghệ thuật trong khi thiết kế cho vở opera này là như thế nào? Nó được thể hiện ra sao trong thiết kế của ông?
Tôi hy vọng rằng mình thể hiện tính tự do nghệ thuật đủ trong thiết kế của mình để đưa ra một thông điệp đầy cảm xúc mạnh mẽ và mang tính nhân bản cao, đồng thời cũng miêu tả vừa đủ chính xác văn hóa Việt Nam để nó có thể làm hài lòng bất kỳ đối tượng khán giả nào. Tôi không cố gắng trình bày hoàn toàn xác thực bởi vì chúng tôi không phải đang làm phim tài liệu về Việt Nam. Mục tiêu là đem đến cho khán giả một trải nghiệm đầy tình cảm và xúc động.
Mối quan hệ trong công việc giữa ông với đạo diễn, nhà thiết kế trang phục, nhà thiết kế ánh sáng, và nhóm xây dựng cảnh ra sao?
Thiết kế sân khấu là ngành nghệ thuật mang tính hợp tác. Tôi thích gọi mình là ‘người làm sân khấu’ – là một tên gọi phổ biến ngày nay. Tất cả chúng tôi đều là ‘người làm sân khấu’ cho dù là chúng tôi có chức danh khác nhau hết. Quan hệ trong công việc của chúng tôi dựa trên khái niệm đó. Chúng tôi tôn trọng nhau và thoải mái góp ý cho nhau và khuyến khích nhau trong quá trình hoàn thành một tác phẩm chung. Trong mỗi giai đoạn đều có nhiều người đóng góp vào. Cuối cùng, lượng năng lượng đổ vào quá trình dàn dựng là khổng lồ. Không ai có thể tự nhận công riêng cho mình được. Và đây là điều làm nó tuyệt vời.
Ông có dùng vật liệu nào đặc biệt trong thiết kế này không?
Tôi dùng nhiều tre, là loại vật liệu tôi chưa từng dùng. Tôi đang nóng lòng chờ xem nó sẽ như thế nào trên sân khấu. Đây rõ ràng là một loại vật liệu thể hiện mạnh mẽ phong cách kiến trúc của khu vực này.
Ông có lo lắng về việc nhà hát sẽ xây phông cảnh do ông thiết kế tốt xấu ra sao không?
Phân xưởng tại IU rất tốt và tôi tự tin rằng họ sẽ xây dựng thiết kế với trình độ cao. Nói là thế, nhưng một phần công việc của nhà thiết kế là lo đến vấn đề làm sao cho những ý tưởng thiết kế được trình bày đến phân xưởng một cách rõ ràng và những gì nằm trên giấy đúng là những gì khán giả sẽ nhìn thấy trên sân khấu.

Ông muốn đạt được điều gì qua thiết kế của Chuyện Bà Thị Kính?
Lúc nào tôi cũng cố gắng thiết kế sao cho phông cảnh mang ý nghĩa nhất đối với vở opera, dựa vào những cuộc thảo luận với các giám đốc khác và khái niệm chung chúng tôi muốn chuyển tải. Tôi không muốn đoán xem khán giả sẽ phản ứng ra sao, tôi cũng không muốn cố gắng kiểm soát chuyện đó bởi vì không thể làm được chuyện này. Tôi hy vọng khán giả nhìn nhận được thành quả sau cùng là một quá trình hợp sức để tạo ra một kinh nghiệm đầy cảm xúc và ý nghĩa.
Thách thức trong việc thiết kế Chuyện Bà Thị Kính là gì?
Thật tình thì mỗi dự án đều liên quan đến vấn đề nghiên cứu những nền văn hóa và xã hội có thể không quen thuộc với mình. Cho nên đối với tôi quá trình này đều như nhau. Sự khác biệt là những gì mình không quen thuộc thì mất nhiều thời gian để nghiên cứu hơn. Tôi cho rằng dự án Chuyện Bà Thị Kính phức tạp hơn đối với tôi là vì thế. Có một nhà soạn nhạc người Việt và một đạo diễn sân khấu đã nghiên cứu nhiều và du lịch đến Việt Nam để lấy kinh nghiệm và kiến thức là một điều quý báu. Tất cả những điều này định hướng cho nghiên cứu của tôi và giúp tôi tiết kiệm được nhiều thời gian.
Có điều gì làm ông ngạc nhiên khi nghiên cứu để thiết kế cho vở Chuyện Bà Thị Kính?
Chúng tôi nói nhiều về việc làm sao để khán giả Mỹ nhìn thấy tác phẩm mang tính Việt Nam. Tôi ngạc nhiên khi biết rằng khái niệm màu vàng là đặc trưng cho Việt Nam cũng giống như màu đỏ là đặc trưng cho Trung Quốc. Trước kia tôi chỉ nghĩ đó là cách suy nghĩ có giới hạn của người Mỹ nhưng vấn đề này lại rất quan trọng đối với đạo diễn và nhà soạn nhạc. Đó cũng là điều tốt vì nó sẽ chi phối cảm nhận chung về thiết kế.
–> Trở về Loạt bài Quá trình dàn dựng