Tranh sơn dầu của Ng. Trí. Photo © Anvi Hoàng.
Tranh sơn dầu của Ng. Trí. Photo © Anvi Hoàng.

Mười một giờ trưa, đầu tôi căng như sợi cung. Hàng ngàn ý tưởng chen chúc trong đầu, giành giật chỗ đứng. Tôi ngồi xuống trong cái ‘hộp’ của mình trong văn phòng cố gắng tập trung viết bài. Xung quanh tôi im lặng hoàn toàn. Sự ồn ào duy nhất là trong đầu tôi mà thôi. Hôm nay, suy nghĩ trong đầu tôi náo nhiệt hơn mọi ngày, và có phần hỗn độn một cách khó hiểu.

Đến ba giờ chiều, bài viết chưa xong mà tôi lại bắt đầu cảm thấy hoảng loạn. Một sự lo lắng cuống cuồng không biết từ đâu xộc đến và xâm nhập toàn bộ đầu óc tôi, toàn quyền kiểm soát nó. Tôi nghĩ đây chỉ là lo lắng thường tình về chuyện bài vở thôi. Nó sẽ qua.

Tám giờ tối về tới nhà, đầu tôi bắt đầu quay như chong chóng. Tôi muốn trấn tĩnh chính mình, dừng các suy nghĩ lại, và đi ngủ. Tôi đứng trong phòng nhìn ra. Trời đã tối, bên ngoài tuyết phủ đầy sân. Hôm nay trăng tròn vo. Ánh phát quang được lớp tuyết dày hấp thụ và hắt ngược lại, loang khắp không gian. Trời sáng trăng lại càng sáng. Diệu kỳ, không thể thấy sao. Nhưng trước mắt tôi lúc này đây một bầu trời đầy sao sáng lấp lánh hiện ra nhảy múa loạn xạ. Tôi không thể dừng những gì đang lăn trong đầu mình. Chóng mặt quá và mất thăng bằng, tôi phải ngồi xuống ghế cho khỏi té lăn quay. Mấy đứa ý tưởng trong đầu tôi dường như muốn đập bể cái sọ tôi, xé toạt da đầu để chui ra. Đến lúc này tôi thật sự hoảng sợ. Lầu đầu tiên trong đời tôi không kiểm soát được những chuỗi ý tưởng trong đầu đang chạy rầm rầm không phương hướng.

Đó là vào khoảng đầu tháng 12 năm 2001, tôi mới sang Mỹ chưa được nửa năm. Mùa học đầu tiên của chương trình thạc sĩ ngành Nghiên Cứu Văn Hóa Mỹ (American Studies), tôi chìm lỉm trong đống sách nặng nề, lo viết bài cuối khóa. Thật tình thì vào đầu thế kỷ mới, cuộc sống ở Việt Nam đã thay đổi nhiều so với thời ngay sau 1975. Kinh tế thị trường phát triển và người ta bắt đầu nói đến chuyện xì-chét. Người ta ở thành phố Sài Gòn thường hay bắt đầu cuộc nói chuyện như sau. Hỏi: “Dạo này thế nào rồi?” Trả lời: “Xì-chét quá mày ơi!” Người ta hay nói với giọng điệu nửa đùa nửa thật. Người ta nói về xì-chét như thể nó là một cái mốt, một điều tự hào cho người nói, rằng họ bận rộn đắt giá vì công việc, và họ là người hợp thời. Bây giờ thì khác rồi, người ta đã nghiên cứu và hiểu được tác hại của cuộc sống nhiều xì-chét, và nó trở thành một loại bệnh xã hội cần được xử lý và điều trị thích đáng. Tuy nhiên, đối với tôi, ngay cả thời kỳ xì-chét là ‘mốt’ nó là một điều mới mẻ mà tôi chưa có trải nghiệm. Tôi chọn một cuộc sống đơn giản. Vậy cho nên lúc này đây trong căn phòng nhỏ nhìn ra sân những tuyết là tuyết, khi tôi cảm thấy bấn loạn vì không làm sao dừng được dòng ý tưởng trong đầu mình, tôi nghĩ, “Có lẽ đây là cái mà người Mỹ gọi là stress!” Tôi mừng rơn vì ít nhất mình cũng tìm ra nguyên do tình trạng tinh thần hoảng loạn của mình. “Vậy người ta làm gì để giải stress nhỉ?” tôi bắt đầu nghĩ đến các biện pháp trị liệu cho bản thân.

Với một phần nhỏ nhoi của bộ não mà tôi có thể điều khiển được, tôi theo ‘tây’: thể dục! Một biện pháp giảm stress hiệu quả cực kỳ. Vận động gân cốt làm máu lưu thông mạnh đưa nhiều ô-xy hơn lên não, tăng cường lượng hóc-môn hạnh phúc được tạo ra và giúp ta thư giãn. Thế là tôi bắt đầu nhảy lên nhảy xuống, quơ tay múa chân, bước ngang bước dọc, đá chân trước chân sau. Sau 15 phút, không những đau đầu mà đau toàn thân. Đã hoảng tôi càng hoảng hơn. Giống như cái vòng lẩn quẩn đáng sợ, tôi stress vì việc tôi đang bị stress, làm cho mọi chuyện rối rắm thêm.

poster-thi-kinh-blue

Trong lúc tìm cách trấn tĩnh tôi cố nghĩ xem khi mình bắt đầu cuộc sống ở Mỹ trong mấy tháng vừa qua, liệu mình đã quên chuyện gì quan trọng mình hay làm khi sống ở Việt Nam. Và tôi nhớ ra rằng hơn năm tháng nay, có một thiếu sót lớn trong cuộc sống hàng ngày mà tôi đã quên bẵng: âm nhạc. Nó đã giúp tôi giải khuây rất nhiều trong lúc làm việc ở Việt Nam. Tôi bèn tìm mấy cái CD nhạc có lời của các ca sĩ Việt Nam nổi tiếng bỏ vào laptop và mở ra nghe. Nhạc nổi lên, tôi hơi giật mình. Bên tai tôi là những âm thanh ẻo lả và yếu ớt. Tôi ngạc nhiên nhận ra rằng những bài hát mà trước kia tôi ưa thích giờ đây trở nên lạc lõng, không còn hợp thời cho tôi nữa. Những gì tôi nghe thấy là một tinh thần yếu đuối, không sức sống. “Với tình trạng tinh thần của mình như bây giờ mà nghe loại nhạc này,” tôi nghe mình nói thầm trong đầu, “thì chắc chỉ muốn chết chứ làm sao mà tươi tỉnh sống cho mạnh được!”

Tôi bèn tìm cái CD nhạc không lời của một ban nhạc Tây bỏ vào máy. Một phút, hai phút. Nhạc cứ trôi trôi. “Eo ôi dở quá!” Tôi lại thầm thì. Nhạc nhẹ nhàng, thế thôi, nhưng tôi chẳng cảm thấy bất kỳ một sự truyền cảm nào. Sơ đồ stress trong đầu tôi tiếp tục nhảy múa loạn xạ. “Nghĩa là sao?” Tôi tiếp tục cuống lên. Những đĩa nhạc đó giống như là nguồn sống của tôi lúc ở Sài Gòn, bây giờ không có một chút giá trị nào. Tôi cảm thấy bị sốc vì phát hiện mới mẻ này. “Tôi cần cái gì để trấn an đây?”

Tôi vẫn để nhạc, ngồi thừ trên giường mệt mỏi. Đã gần nửa đêm. Không thể gọi ai. Căn phòng nhỏ giờ đây như cái nhà tù mà tôi không có cách thoát ra. Tôi ôm đầu, mếu máo, “ôi, chết còn sướng hơn!” Thật ra thì tôi không muốn chết lúc này. Tôi chỉ tưởng tượng cái chết nhẹ nhàng và đơn giản hơn là một khối nặng nề tôi đang mang phía bên trên cần cổ. Tất cả những ý tưởng liên quan đến bài vở nhào trộn với những lo lắng không rõ lý do ra sức chèn ép các dây thần kinh. Tôi không nghĩ mình hoa mắt, nhưng tôi không nhìn thấy rõ những gì diễn ra xung quanh nữa. Các ý thức mờ nhạt không còn ranh giới. Một nỗi sợ chết ùa đến. Tôi thật sự sợ rằng cái mớ hỗn hợp trong đầu tôi đang quay nhanh đến mức chúng có thể nổ tung như một lò nguyên tử.

“À, hay là…,” một ý nghĩ quen thuộc mà tôi đã từ bỏ lâu rồi chợt đến, “mình thử lần nữa một thứ mà người Tây rất chuộng.” Xã hội Tây thì stress ghê gớm. Người ta thử đủ cách, và rất nhiều người tìm thấy hạnh phúc, bình an, yên ổn tinh thần trong triết lý Đông. Tại sao không! Và thế là tôi tìm về nguồn: thiền. Tôi ngồi thẳng lưng trên giường, khoanh hai chân, hai bàn tay chụm bốn ngón để ngửa trên hai đầu gối. Nhắm mắt và bắt đầu đếm hơi thở. Mới hai ba cái tôi đã lạc. Những suy nghĩ lung tung trong đầu vẫn chạy rần rần. Tôi càng tìm cách dừng chúng, chúng càng lộng hành.

Tá hỏa, mệt mỏi, tôi nằm dài trên giường tiếp tục cố gắng điều tiết hơi thở và dừng bất kỳ ý tưởng nào lóe ra trong đầu. Chúng đến nhanh đến nỗi chúng cuộn vào nhau như sóng sunami ập vào bờ là cái đầu nhỏ tội nghiệp của tôi. Trời thì lạnh, mà người tôi đổ mồ hôi. Cái đầu bưng bưng, bưng bưng, gần vỡ tung. Tôi thất vọng não nề, và hoang mang cùng cực.

Vật vã đến khoảng ba, bốn giờ sáng tôi ngủ thiếp đi, rã rời.

poster-square-composers

Khi tôi tỉnh dậy, trước khi nhận ra trời đã sáng hẳn, tôi đã nghe thấy những dòng suy nghĩ điên cuồng trong đầu và biết rằng thiền đã thất bại. Chúng vẫn đang hoành hành dữ dội. Tôi chuẩn bị lên trường, hy vọng rằng cái lạnh bên ngoài và sự thay đổi môi trường có thể giúp ích phần nào.

Tới trường, tôi vào phòng dành cho sinh viên sau đại học, lại ngồi vào cái hộp của mình và nghĩ về việc tại sao tôi không chịu nổi nhạc pop Việt Nam nữa, và ngay cả nhạc hòa tấu nhẹ của Tây. Đầu tôi tiếp tục nóng ran, quay cuồng. Rõ ràng qua mấy tháng học vừa qua, tôi đã thay đổi nhiều trong thói quen làm việc và suy nghĩ. Và có lẽ sự thay đổi trong lô-gíc tư duy là tác động chính. “Nếu nhạc Việt Nam không thích hợp nữa, vậy thì các loại nhạc Tây khác như thế nào?” Tôi vào các kênh truyền thanh trên mạng, click bấm, click bấm. Pop Mỹ, không ăn thua. Country, cũng vậy. Jazz, buồn thảm. Hay cổ điển chăng? (Lúc này, bài nghiên cứu nói rằng nghe nhạc Mozart làm con nít thông minh hơn (?) chưa ra.) Cùng đường, tôi cũng thử.

Nhạc lên. Ngay phút đầu, tiếng đàn violin chen trong dàn nhạc đã với tới tôi. Có một cái gì sít sao rớt vào lòng. Một cái khung lô-gíc vừa in để tất cả những ý tưởng bấn loạn trong đầu tôi lần lượt sắp vào. Và một cảm giác bình yên bắt đầu lan tỏa. Đầu tôi tự nhiên nhẹ hẳn đi. Lần đầu tiên trong hơn mười tiếng đồng hồ tôi cảm thấy nhẹ người như được giải phóng khỏi nhà tù-cái đầu của mình khi nhận ra rằng những suy nghĩ trong đầu tôi đã dừng lại không chạy nữa. “Magical!” Tôi không kiềm được một suy nghĩ phát ra. Tiếng nhạc mạnh mẽ, âm điệu lên xuống tinh vi và phức tạp, tất cả hợp lại tạo ra một sức truyền cảm không cưỡng lại được. Tiếng nhạc giao hưởng cuốn tôi vào vùng âm thanh của nó, để rồi tháo rời hết các ý nghĩ trong đầu tôi, thẩy chúng vào đúng những cái ngăn của chúng. Tươm tất. Đâu ra đó.

Nửa tiếng sau, tôi hầu như trấn tĩnh hoàn toàn, bình thường trở lại.

Trước giờ không hề tin vào bói toán, mê tín dị đoan hoặc phép mầu dưới bất kỳ hình thức nào, tôi nhận ra rằng sự kỳ diệu vừa xảy ra cho tôi là có thể giải thích được: Khoa học!

Nền tảng phát triển nghệ thuật của người da trắng là khoa học. Nhạc cổ điển là nghệ thuật đồng thời mang tính khoa học cao. Toàn bộ bài nhạc là một sự sắp xếp với những tính toán và phân tích kỹ lưỡng về âm thanh. Các nhà nghiên cứu đã đồng ý chung về tác động của nhạc cổ điển lên hoạt động của sóng điện não, nhưng chưa có đầy đủ nghiên cứu về vấn đề nhạc của ai và sự kích thích hoạt động lên các vùng nào của vỏ não. Nói cho công bằng, tập thể dục hoặc thiền đều là những cách rất tốt để giảm stress. Có thể nếu thực hành chính xác, đúng cách, chúng cũng giúp tôi giảm stress trong trường hợp kể trên; có tác dụng liền lập tức hay không thì tôi không chắc. Tuy nhiên tác dụng tức thì của nhạc cổ điển lúc này làm tôi suy nghĩ. Có lẽ vì sự tính toán sắp xếp các nốt nhạc trong một bài nhạc cổ điển LỚN  tương ứng với sự sắp xếp của vỏ não chăng, mà phép mầu khoa học đã xảy ra cho tôi? (Nhạc cổ điển, opera hoặc Âm Nhạc Hiện Đại đều có cấu trúc phức tạp). Gì thì gì, những gì xảy ra để lại trong tôi một niềm lạc quan và tự tin mạnh mẽ trở lại nơi cuộc sống.

Tôi nhớ lại cảm giác thất vọng khi nghe nhạc pop Việt Nam và đau lòng nhận ra rằng về cả mặt giai điệu lẫn nội dung, phần lớn nhạc pop Việt Nam là những nốt nhạc buồn thảm, lạc lõng, yếu đuối. Có phải vì thế mà người Việt Nam mình phần nhiều bạc nhược, thua kém người da trắng? Tôi tự hỏi mình. Có phải vì mình bạc nhược nên mình viết nhạc bạc nhược? Cả đất nước nghe nhạc ẻo lả. Những người chưa phát triển tính ẻo lả mà cả đời chỉ biết đến và nghe nhạc ẻo lả phải chăng chỉ có một con đường là đi xuống nếu không tỉnh giấc mà đổi hướng? Tôi không muốn trả lời “Có” cho những câu hỏi của mình, mà nói “Không” thì sai sự thật. Có lẽ mỗi người có cách trả lời riêng.

Điểm nhấn đầy tự hào của người da trắng về sự phát triển nghệ thuật của họ là nền tảng khoa học. Điều này không có nghĩa là xã hội của họ hoàn hảo. Mỗi đất nước có những thách thức và vấn đề riêng của nó. Ví dụ đến tận ngày nay hơn 90% caretaker, những người chăm sóc, ở Mỹ là đàn bà, và Mỹ vẫn chưa có tổng thống đàn bà nào trong lịch sử đất nước. Hoặc vấn đề phân biệt đối xử vẫn đang xâu xé nặng nề xã hội Mỹ.

Việt Nam cũng có đầy vấn đề. Nhưng có người Việt Nam nào lại không muốn thấy đất nước mình mạnh và giàu! Nói một cách đầy tinh thần dân tộc thì Việt Nam cũng có loại nhạc mang tính khoa học cao, đôi khi còn có thể cao hơn (nhưng không phức tạp bằng nhạc cổ điển của phương Tây), đó là hát chèo, hay hát chầu văn, hát cung đình. Đó là những hiện tượng cá biệt, còn nói chung văn hóa Việt Nam vẫn là cái mà tôi gọi là “văn hóa trúng gió” rất quen thuộc từ thuở nào. Hồi tôi còn nhỏ, tin tức về người chết thường được truyền đạt theo một cách thức quen thuộc như sau. Một ngày đầy nắng như mọi ngày, tôi nghe người ta nói: “Ông Bảy cuối xóm mới chết.” “Tại sao ổng chết vậy?” Tôi hỏi lại. “Trúng gió!” họ trả lời. Rồi lâu lâu lại có bà Năm chết vì trúng gió, hay chị Tư, chú Tám. “Trúng gió’ giải quyết mọi chi tiết rắc rối liên quan đến cái chết, khỏi dài dòng giải thích cho mệt. Nếu không thì ai mà biết được tại sao hôm trước còn sống nhăn răng hôm sau đã lăn đùng ra chết. Đau tim, hoặc đột quỵ hoặc đứt mạch máu não, đều có thể dẫn đến cái chết thình lình. Ai phân biệt được, hoặc muốn phân biệt, cái nào ra cái nào. ‘Trúng gió’ cho nó khỏe! Sau này lớn lên đọc sách khoa học tôi mới biết rằng mọi hiện tượng trong cuộc sống đều có lý do và cách giải thích khoa học của nó, kể cả hiện tượng ‘trúng gió’.

Ngày nay, người Việt Nam ít dùng ‘trúng gió’ vì hiểu biết về các vấn đề sức khỏe được nâng cao và rộng rãi hơn. Thay vào đó, người ta đua nhau cúng ‘thổ địa’ hay ‘ông địa.’ Đó là văn hóa ‘ông địa’ hoặc văn hóa ‘thổ địa.’ So với ‘trúng gió’ cũng là same same. Có phải vì thế mà người Việt Nam mình phần nhiều vẫn ẻo lả, thua kém người da trắng? Năm mới Tết đến, tôi không muốn đặt thêm những câu hỏi đáng sợ mà mình không muốn trả lời. Năm mới Tết đến, chúc mọi người không ai trúng gió.

Bài viết cho Báo Xuân Viễn Đông 2017

poster-mix