
—– Read the English version —–
Bài Requiem Việt Nam (A Vietnamese Requiem) của tác giả P.Q. Phan
Trình diễn ra mắt lần đầu vào Thứ Sáu, Ngày 24 Tháng 4 Năm 2015
Nhóm hợp xướng NOTUS: IU Contemporary Vocal Ensemble trình bày.
LỜI GIỚI THIỆU CỦA NHÀ SOẠN NHẠC
Bài Requiem Việt Nam (A Vietnamese Requiem) là bài nhạc lễ cho người chết đầu tiên dùng kinh Phật mà được viết theo dạng thức tương đương một bài requiem của phương Tây. Bài Requiem Việt Nam (A Vietnamese Requiem) cũng là bài nhạc lễ cho người chết đầu tiên dùng tiếng Việt để hát.
Có hai yếu tố quan trọng mà tôi nghiên cứu thật tỉ mỉ trước khi viết nhạc cho Bài Requiem Việt Nam (A Vietnamese Requiem): phần lời và định hướng âm nhạc.1. Lời nhạc cho Bài Requiem Việt Nam (A Vietnamese Requiem). Lời nhạc tôi muốn dùng cho tác phẩm của mình là kinh Phật tiếng Việt. Kinh A Di Đà thường được dùng để tụng sau đám tang. Tuy nhiên bộ kinh này được lưu hành rộng rãi bằng nhiều ngôn ngữ khác nhau. Một số hoàn toàn bằng tiếng Phạn (Sanskrit) được phiên âm tiếng Việt, một số khác bằng chữ Hán-Việt, một số khác nữa thì kết hợp cả chữ Phạn, Hán-Việt và tiếng Việt. Do đó câu hỏi tôi đặt ra là mình nên dùng bộ Kinh A Di Đà nào cho thích hợp. Có thể nói rằng vì sự lộn xộn trong việc sử dụng ngôn ngữ trong Kinh A Di Đà mà rất ít Phật tử có thể hiểu được lời của nó. Mục đích của tôi là nghiên cứu thêm về Kinh A Di Đà, thu thập nhiều phiên bản khác nhau, rồi kết hợp chúng lại thành một bản thống nhất dễ hiểu bằng tiếng Việt, để cho ý nghĩa của bộ kinh phổ biến và quan trọng này được rõ ràng. Bản kinh sau cùng này là một phiên bản của cá nhân mà tôi sẽ dùng để viết Bài Requiem Việt Nam (A Vietnamese Requiem). Tôi giành được quỹ nghiên cứu cho giáo sư Mellon Faculty Short-Term Fellowship để thực hiện dự án này.
Trong hai tháng nghiên cứu ở Việt Nam tôi đã đi thăm hơn 40 ngôi chùa có tiếng và quan trọng khắp nơi trong nước để thu thập các bản Kinh A Di Đà và tìm hiểu cách người ta thực hành kinh này ở Việt Nam. Những chuyến đi thực tế đó và vô số các cuộc trò chuyện với các sư trụ trì, ni cô, Phật tử đã dẫn tôi đến phát hiện về một bộ kinh Phật khác của phái Nguyên Thủy. Thực hành theo phái Nguyên Thủy ở Việt Nam ít phổ biến hơn nhiều so với phái Phát Triển. Tuy nhiên, nhóm thứ nhất đang phát triển mạnh dần.
Kinh A Di Đà của phái Phát Triển hứa hẹn cõi cực lạc cho Phật tử khi họ chết đi. Vùng đất này là lời hứa do Bồ Tát đưa ra chứ không nhất thiết là lời của Đức Phật Gautama. Trong khi đó, điều thú vị là phái Nguyên Thủy chỉ dạy những lời của Đức Phật mà thôi, chứ không phải những gì Bồ Tát hoặc đệ tử của Phật truyền giảng. Không hứa hẹn cõi cực lạc, đạo Phật phái Nguyên Thủy dạy rằng cái chết là một phần của cuộc sống: rằng con người ta phải chấp nhận cái chết như cách chúng ta chấp nhận cuộc sống. Một cái chết tạm thời tiếp nối bằng đầu thai hóa kiếp, và cái chết trọn kiếp chấm dứt với Niết Bàn, là một trạng thái giác ngộ hoàn toàn thoát khỏi sinh tử luân hồi. Chính bản chất không vật chất và vị tha này trong niềm tin của phái Nguyên Thủy đã thuyết phục tôi thay đổi ý định ban đầu về việc dùng Kinh A Di Đà (Amitabha Sutra) mà chuyển sang dùng Kinh Nguyên Thủy (Theravada Sutta) để soạn lời cho bài nhạc lễ cho người chết.
Kinh Nguyên Thủy gần như hoàn hảo cho bài requiem của tôi, chỉ trừ một vấn đề là trong đó không có phần kết thúc mà tôi hình dung ra. Kinh Nguyên Thủy nói rất ít về những gì sẽ xảy ra sau khi chết, trong khi tôi lại cần một ít về điều này để viết lời chia tay với trần thế và bước vào cảnh giới khác. Khi đọc qua cả bộ Kinh Nguyên Thủy, tôi tìm thấy phần mình cần trong đoạn miêu tả giây phút Đức Phật lìa thân xác để nhập cõi giác ngộ. Tôi quyết định dùng hình ảnh của thời khắc này mà vẽ ra con đường thăng hoa tương đương đến cõi vĩnh hằng cho người chết, và dùng nó làm phần kết thúc cho bài nhạc. Đằng nào thì Đức Phật đã từng là một con người trước khi thành Phật và Người tin và dạy rằng chúng sinh ai cũng có thể trở thành Phật. Vì thế mà giây phút giác ngộ của con người chúng ta đều có thể tương tự như phút giác ngộ của Đức Phật.
2. Đường hướng âm nhạc của Bài Requiem Việt Nam (A Vietnamese Requiem). Bài Requiem Việt Nam (A Vietnamese Requiem) gồm bốn chương. Chương một là lễ Phật hàng ngày. Chương hai nói về ân đức Phật. Chương ba giải thích bốn ý nghĩa / bản chất của cái chết. Chương bốn diễn tả lúc Đức Phật lìa thân xác, cũng là hành trình thăng hoa thoát tục.
Dùng âm thanh có tính vẻ vang và khải huyền trong một bài requiem rất phổ biến và được bắt đầu vào thế kỷ 19 ở châu Âu. Đến ngày nay kỹ thuật này vẫn thịnh hành. Lối viết nhạc này có thể thực hiện được vì kinh thánh có những bài kinh ca ngợi ơn Chúa vẻ vang như Kyrie và Sanctus, và Dies Irae thì là lời phán xét. Tuy nhiên, triết lý bất ngờ của đạo Phật Nguyên Thủy về cái chết đã làm thay đổi hướng đi của tôi. Khi đối phó với cái chết trong đạo Phật Nguyên Thủy, người ta có thể dùng ngôn ngữ bình dân mà nói như sau: “Ta sinh ra. Ta chết đi. Như thế đó thôi!”. Thái độ không phán xét, không sướt mướt, phản bi kịch như thế này làm cho tôi khó mà dùng lối âm nhạc vẻ vang và khải huyền. Do đó bản chất của lời kinh Nguyên Thủy trở thành thách đố lớn nhất khi tôi viết Bài Requiem Việt Nam (A Vietnamese Requiem).
Tôi cảm nhận những đoạn kinh Phật Nguyên Thủy về cái chết như một điều bình yên, sự chấp nhận, điều tự nhiên và sự thăng hoa. Do đó mục tiêu của tôi là viết một dòng nhạc lớn có tính thăng hoa đi từ sự thinh không bình yên nhất đến cõi vô sinh tươi đẹp và đầy màu sắc nhất. Bài nhạc này sử dụng yếu tố nguyên lý số học có tầm quan trọng trong đạo Phật để chuyển tải ý nghĩa của những con số 10, 8, 7, 5, 4, và 3. Ý nghĩa quan trọng của số 2 trong âm nhạc truyền thống Việt Nam cũng được đưa vào dãy số này để tạo ra một khái niệm gần gũi cho bài requiem. Dãy số này lát đường cho việc tạo ra hình thể cho những dòng nhạc, đoạn nhạc, và chương nhạc của toàn bộ tác phẩm. Những con số này cũng được dùng để tạo ra loại đối âm dùng kỹ thuật tỉ lệ đối xứng (prolation counterpoint), đối âm là để thiết lập mối liên hệ tương quan giữa những dòng nhạc, đoạn nhạc, và chương nhạc trong tác phẩm. Âm nhạc đi nhanh hoặc đi chậm cũng tùy thuộc vào việc thứ tự của dãy số là 2-3-4-5-7-8-10 hay là 10-8-7-5-4-3-2.
Trong chương cuối cùng của bài requiem, một bộ cồng [10 cái], mà đã được xếp đặt ở cuối khán phòng, bắt đầu được chơi phát ra âm thanh phía sau lưng khán giả, mục đích là để tạo ra cảm giác choáng ngợp mà cái chết có thể gợi đến cho người ta, tất cả cũng là để tạo ra khái niệm rằng cái chết vừa mạnh mẽ vừa thanh bình một cách tự nhiên và con người ta nên chấp nhận và chào đón nó như một phần của cuộc sống. Cách xếp đặt sân khấu và các nhạc cụ như thế tạo ra một bầu không khí khiến khán giả có thể trải nghiệm tốt hơn sự tầm thường và vô nghĩa của những dục vọng trần tục đang hiện hữu trong thân xác vay mượn mà con người chúng ta đang mang.
Bài Requiem Việt Nam (A Vietnamese Requiem) được viết tặng cho 10 triệu người Việt Nam (khoảng 15% dân số lúc đó) là nhạn nhân của những cuộc chiến tranh của thế kỷ 20.
–> Đọc bài tiếng Anh
Nghe diễn tả hay quá , không biết đến bao giờ mới được coi trình diễn chính thức !!!
Sent from my iPhone
>